A01-T7 - Honda Daklak
Dangfarm - A02
Cho thuê nhà 29 Lê Hồng Phong

Chiêu trò bán xe ảo trên mạng

10:18 | 01/04/2022

Lên mạng xã hội rao bán xe máy giá rẻ, bắt người mua cọc tiền, chuyển khoản thanh toán trước khi nhận xe, các đối tượng đã thành công với việc lừa đảo chiếm đoạt tiền của những người cả tin có nhu cầu mua xe về sử dụng.

Muốn có tiền tiêu xài cá nhân, P.H.Thông đã nảy sinh ý định lừa đảo chiếm đoạt tài sản của người khác. Thông tạo tài khoản có tên “Siêu thị xe máy Nhật Linh” có địa chỉ tại ấp Mộc Bài, xã Lợi Thuận Đông, huyện Bến Cầu (Tây Ninh) để đăng bài bán các loại xe máy giá rẻ trên mạng xã hội Zalo, Facebook.

Tháng 2/2022, anh H.A.Quốc (SN 1982), ở xã Đức Mạnh (Đắk Mil) lên mạng tìm hiểu thông tin và liên hệ với “Siêu thị xe máy Nhật Linh” này để đặt mua một chiếc xe mô tô SH Mode. Từ đây, Thông đã gọi điện thoại cho anh Quốc thỏa thuận việc mua bán, thống nhất giá bán xe là 28 triệu đồng và yêu cầu đặt cọc 8 triệu đồng trước.

Tin lời, anh Quốc đã chuyển khoản 8 triệu đồng đến số tài khoản ngân hàng mang tên N.V.Tiến do Thông cung cấp để đặt cọc mua xe. Nhận được đặt cọc, Thông tiếp tục giả làm nhân viên liên hệ với anh Quốc xác nhận đang thực hiện việc giao xe và yêu cầu anh Quốc thanh toán 20 triệu đồng còn lại. Anh Quốc tiếp tục chuyển khoản 20 triệu đồng cho Thông để có thể nhận được xe. Tuy nhiên, sau khi nhận được tiền, Thông chặn mọi liên lạc với anh Quốc và tiêu xài cá nhân hết số tiền trên. Qua tin báo, cơ quan chức năng huyện Đắk Mil đã tiến hành bắt giữ Thông để điều tra về hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Người tiêu dùng nên tìm hiểu kỹ các thông tin trước khi chuyển khoản đặc cọc mua các loại xe máy cũng như tài sản có giá trị qua mạng xã hội (ảnh minh họa)

Trước đó, Tòa án nhân dân TP. Gia Nghĩa đã tiến hành xét xử sơ thẩm vụ án hình sự đối với Kiều Văn Q (SN 1998), trú tại Đắk Lắk vì tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản theo Điều 174 Bộ luật Hình sự năm 2015.

Q là nhân viên sửa xe của một công ty xe máy trên địa bàn phường Nghĩa Thành (Gia Nghĩa). Tuy nhiên, Q lại không chịu khó làm việc, kiếm tiền chính đáng mà có ý đồ đi lừa đảo người khác để kiếm tiền tiêu xài. Qua mạng xã hội Facebook, Q thấy anh Hồ Ngọc L (SN 1994), trú tại Đắk Lắk đăng bài với nội dung cần tìm mua xe mô tô hiệu Exciter 150 nên đã chủ động nhắn tin cho anh L. Sau đó, Q lên mạng tải một số hình ảnh xe Exciter 150 về điện thoại của mình rồi gửi cho anh L để chào bán xe. Để tạo lòng tin, Q quảng cáo xe của mình là xe chính hãng, xe mới chưa qua sử dụng và cửa hàng ở thị trấn Kiến Đức (Đắk R’lấp).

Qua trao đổi, anh L đồng ý mua xe mô tô Exciter 150 màu xanh đen với giá 33,5 triệu đồng. Q yêu cầu anh L đặt cọc 3,5 triệu đồng và gửi hình chụp chứng minh nhân dân để Q làm giấy tờ xe. Khi anh L có vẻ nghi ngờ, yêu cầu quay video xe tại cửa hàng cho xem, Q đã dùng điện thoại quay video xe ở cửa hàng mình đang làm thuê để làm tin. Sau khi xem video, anh L đã tin tưởng chuyển 3,5 triệu đồng vào tài khoản cho Q và đợi ngày giao xe.

Vài ngày sau, Q đã làm xong giấy tờ và hẹn giao xe cho anh L tại thị xã Buôn Hồ (Đắk Lắk). Q tiếp tục gửi cho anh L video hình ảnh đang chuyển xe mô tô lên thùng xe tải để anh L tin là Q có giao xe. Đồng thời, Q nói dối anh L là xe mua bán trốn thuế, sợ công an bắt nên không thể giao tiền trực tiếp mà phải chuyển tiền qua tài khoản và yêu cầu anh L chuyển thêm 20 triệu tiền mua xe vào tài khoản của mình. Anh L đòi xem giấy tờ xe thì Q đưa ra nhiều lý do để từ chối, nói xe giao hàng đã đến nơi và liên tục yêu cầu anh L chuyển tiền. Anh L tiếp tục chuyển khoản cho anh Q số tiền 15 triệu đồng, phần còn lại sẽ trả khi nhận xe.

Thế nhưng, Q nhận tổng số tiền 18,5 triệu đồng từ anh L thì đã chặn số điện thoại, Zalo, Facebook của anh L. Biết mình đã bị lừa, anh L làm đơn tố cáo đến cơ quan chức năng. Q đã bị tòa án tuyên phạt 9 tháng tù cho hưởng án treo với thời gian thử thách là 1 năm 6 tháng vì tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Cùng với sự phát triển mạnh mẽ của thương mại điện tử, dịch vụ bán hàng online trên mạng xã hội như Facebook, Zalo đang được người dân thường xuyên sử dụng vì sự thuận tiện. Từ đây, nhiều đối tượng đã sử dụng các chiêu trò lừa đảo, gài bẫy chiếm đoạt tài sản, tiền bạc của người tiêu dùng.

Lợi dụng sự ham rẻ của người tiêu dùng, các đối tượng đã tung ra nhiều lời chào mời, giới thiệu bán những chiếc xe mô tô xịn với giá cả hấp dẫn. Khi có người liên hệ hỏi mua, người bán sẽ cho biết do xe nhập lậu, xe trốn thuế hoặc xả hàng thanh lý, xe bán online nên khuyến mãi, bán giá rẻ. Muốn mua xe, khách phải chuyển cọc hoặc thanh toán bằng chuyển khoản trước khi nhận xe. Thực chất, đây chỉ là chiêu trò lừa đảo nhằm chiếm đoạt tiền của người mua. Trò lừa đảo này không mới nhưng đánh trúng tâm lý ham xe xịn, giá rẻ nên vẫn không ít người vì cả tin mà bị lừa.

Các vụ án là bài học đắt giá cho các đối tượng lừa đảo và cũng là lời cảnh tỉnh cho mỗi người cần thận trọng hơn nữa khi mua xe máy hay các tài sản có giá trị trên mạng xã hội, tránh tiền mất tật mạng.

Bài, ảnh: Linh Thư

Bài viết gốc:  http://www.baodaknong.org.vn/phap-luat-doi-song/chieu-tro-ban-xe-ao-tren-mang-92242.html

    Nguồn "Báo Đắk Nông điện tử"

    BÌNH LUẬN

      BÌNH LUẬN CỦA BẠN

      M03-Honda Daklak
      ĐỐI TÁC
      Lên đầu trang Đặt làm trang chủ