A01-T7 - Honda Daklak
Dangfarm - A02
Cho thuê nhà 29 Lê Hồng Phong

Nhức nhối nạn mua bán người (kỳ 2)

08:53 | 25/10/2023

Kỳ 2: Kiên quyết đấu tranh với nạn mua bán người

Hậu quả của hàng loạt vụ mua bán người (MBN) đã rõ, nỗi đau vẫn giằng xé tâm can cho bản thân, từng gia đình có con em là nạn nhân. Nhưng để đẩy lùi loại tội phạm nhức nhối này không phải là việc làm “một sớm một chiều” mà rất cần sự chung tay của lực lượng chức năng, chính quyền địa phương và bản thân mỗi người dân.

Khó kiểm soát

Theo Thiếu tá Đặng Anh Tuấn, Phó Trưởng Phòng Cảnh sát hình sự, Công an tỉnh, MBN là tội phạm không mới, nhưng đang có xu hướng gia tăng, trong đó có sự câu kết chặt chẽ trong và ngoài nước. Hậu quả gây ra nhiều bức xúc, tâm lý lo lắng trong nhân dân, để lại nhiều hệ lụy cho xã hội. Lợi nhuận từ việc MBN đem lại nguồn thu nhập “khủng” nên các đối tượng phạm tội dùng nhiều thủ đoạn tinh vi, hòng tiếp cận, lừa các nạn nhân.

Trên địa bàn tỉnh, bất chấp sự mạnh tay trấn áp của cơ quan chức năng, nạn MBN vẫn diễn biến phức tạp, nhức nhối. Quá trình phát hiện, phòng ngừa, đấu tranh ngăn chặn của các lực lượng chức năng gặp nhiều khó khăn, khiến số vụ vi phạm về tội danh này được phát hiện, điều tra, xử lý còn ít so với thực tế.

Bộ đội biên phòng tuyên truyền phòng chống mua bán người thông qua hình thức sân khấu hóa. (Trong ảnh: Bộ đội biên phòng thực hiện tiểu phẩm "Việc nhẹ, lương cao").

Phòng Cảnh sát hình sự, Công an tỉnh đánh giá, tội phạm MBN thường mang tính truy xét, rất ít trường hợp bị bắt quả tang. Do vậy, nhiều vụ việc chỉ khi bị hại trở về địa phương và có đơn tố cáo thì đối tượng phạm tội mới bị phát hiện. Không ít vụ việc xảy ra thời gian lâu mới bị phát hiện nên quá trình điều tra, thu thập chứng cứ chỉ dựa vào lời khai của bị hại cũng như lời khai của đối tượng phạm tội, khó chứng minh nếu đối tượng không thừa nhận. Chính vì vậy dễ dẫn đến bỏ lọt hành vi phạm tội.

 

Từ năm 2021 đến nay, Sở LĐ-TB&XH đã hỗ trợ 25 nạn nhân MBN trở về trên địa phương. Đơn vị đã phối hợp tiếp cận, kịp thời quan tâm hỗ trợ pháp lý và tâm lý, động viên tinh thần, thông tin các dịch vụ phù hợp như tư vấn pháp luật, sinh kế, học nghề để nạn nhân sớm hòa nhập cộng đồng, ổn định cuộc sống.

Trong khi đó, rất khó để xác định các tình tiết định khung tăng nặng hình phạt với tội danh này, vì trong trường hợp bị hại trở về tố cáo với cơ quan công an thì mới xác định được số bị hại mà đối tượng phạm tội đã thực hiện hành vi MBN. Trong trường hợp có đủ chứng cứ để chứng minh đối tượng phạm tội có hành vi mua bán nhiều người ra nước ngoài, nhưng có những người chưa trở về thì rất khó để xác định tình tiết định khung tăng nặng hình phạt.

Chủ động phòng ngừa từ sớm, từ xa

Theo Trung tá Đỗ Việt Hà, Đội trưởng Đội phòng ngừa, điều tra tội phạm về tệ nạn xã hội và MBN, Phòng Cảnh sát hình sự, một trong những nguyên nhân gốc rễ của nạn MBN là vấn đề sinh kế. Khi đời sống nhiều khó khăn, không có việc làm, cộng với sự “nhẹ dạ”, một số người dân đã tiếp tay cho các đối tượng thực hiện hành vi phạm tội. Do đó, thực hiện có hiệu quả công tác đào tạo nghề, nâng cao thu nhập sẽ góp phần hạn chế loại tội phạm này.

Liên quan đến vấn đề này, những năm qua, Sở LĐ-TB&XH đã chủ động hướng dẫn, phối hợp với UBND cấp huyện lồng ghép công tác hỗ trợ nạn nhân vào các chương trình vay vốn, giảm nghèo, phòng, chống tệ nạn xã hội, bình đẳng giới, bảo vệ chăm sóc trẻ em, giáo dục nghề nghiệp, giới thiệu việc làm và các chương trình phát triển kinh tế - xã hội khác của địa phương... Hầu hết các nạn nhân trở về đều nhận được chính sách, dịch vụ hỗ trợ ban đầu để ổn định cuộc sống, hòa nhập cộng đồng.

Công an huyện Cư M'gar chuyện trò kết hợp tuyên truyền pháp luật cho người dân trên địa bàn.

Còn theo Thiếu tá Đặng Anh Tuấn, Phó Trưởng Phòng Cảnh sát hình sự, công tác kết nối, hỗ trợ sinh kế lâu dài, bảo vệ nạn nhân bị MBN trở về cũng đáng quan tâm không kém. Bởi trở về chưa hẳn đã là giải thoát, điều quan trọng là làm sao để giúp các nạn nhân tránh khỏi một bi kịch khác của cuộc đời. Bởi, ký ức những ngày đen tối nơi xứ người khiến không ít nạn nhân sống với nỗi ám ảnh. Họ phải sống chung với những lời dèm pha, đàm tiếu của người xung quanh thay vì dang rộng vòng tay đón nhận tái hòa nhập cộng đồng. Không loại trừ trường hợp, chính nạn nhân lại trở thành môi giới cho nạn MBN. Vì thế, công tác hỗ trợ giúp họ vượt qua mặc cảm, có sinh kế để đi qua chuỗi ngày tăm tối rất quan trọng. Bằng chính câu chuyện về cuộc đời mình, mỗi “nhân chứng” sống này sẽ là những “tuyên truyền viên” tích cực để nâng cao cảnh giác cho nhân dân.

Tại các xã biên giới của tỉnh, ngoài tăng cường bám nắm địa bàn, Bộ đội Biên phòng tỉnh phối hợp với các ban, ngành, đơn vị liên quan chủ động phòng ngừa từ sớm, từ xa qua nắm tình hình, địa bàn trọng điểm, số đối tượng có tiền án, tiền sự về tội danh MBN; tăng cường công tác quản lý cư trú, xuất nhập cảnh, người nước ngoài tại địa phương; đẩy mạnh kiểm tra, xử lý vi phạm việc chấp hành quy định về công tác quản lý nhà nước trong ngành, nghề kinh doanh karaoke, massage, quán bar, vũ trường… Từ đó, chủ động phát hiện, ngăn chặn hoạt động liên quan đến tội phạm MBN và các hành vi có liên quan đến MBN. Đồng thời, đẩy mạnh tuyên truyền thông qua các buổi sinh hoạt thôn buôn, hội thi..., góp phần giúp bà con tăng “miễn dịch” trước những sự chào mời hấp dẫn của bọn buôn người “lắm mưu nhiều kế”.

Đỗ Quỳnh

Bài viết gốc: https://www.baodaklak.vn/xa-hoi/202310/nhuc-nhoi-nan-mua-ban-nguoi-ky-2-96300b9/

    Nguồn “Báo Đắk Lắk Điện tử”

    BÌNH LUẬN

      BÌNH LUẬN CỦA BẠN

      M03-Honda Daklak
      ĐỐI TÁC
      Lên đầu trang Đặt làm trang chủ