A01-T7 - Honda Daklak
Dangfarm - A02
Cho thuê nhà 29 Lê Hồng Phong

Sản xuất cà phê có chứng nhận: Còn nhiều thách thức

09:56 | 11/01/2015

Những năm gần đây, diện tích cà phê có chứng nhận ở Dak Lak tăng khá nhanh, đây là dấu hiệu đáng mừng của ngành cà phê nhưng cũng không ít nỗi lo khi vấn đề thương mại cà phê có chứng nhận bền vững đang gặp nhiều khó khăn, sản lượng nhiều nhưng bán đ

Diện tích, sản lượng tăng nhanh

Theo Sở NN-PTNT, niên vụ 2013-2014, cà phê Dak Lak tăng cả về diện tích và năng suất so với niên vụ trước, hiện toàn tỉnh có trên 203.000 ha cà phê, tăng trên 1.500 ha (cà phê kinh doanh trên 190.000 ha), năng suất bình quân đạt 2,43 tấn/ha, tăng 0,25 tấn/ha, tổng sản lượng nhân xô đạt 462.433 tấn, tăng 50.251 tấn. Các loại hình cà phê có chứng nhận đã trở thành xu hướng tất yếu trong ngành sản xuất cà phê Dak Lak, trong đó tập trung vào các loại hình chứng nhận/xác nhận như: 4C (bộ nguyên tắc chung cho cộng đồng cà phê), RFA (rừng nhiệt đới), Fairtrade (thương mại công bằng), UTZ Certifed. Các loại hình chứng nhận này đều hướng tới phát triển cà phê bền vững và cải thiện về kinh tế thông qua việc đầu tư và tác động phù hợp trên vườn cây nhằm bảo đảm bền vững về năng suất, chất lượng và môi trường, bảo tồn được tài nguyên thiên nhiên và các hoạt động có ảnh hưởng tốt về mặt xã hội như an toàn lao động, bảo vệ môi trường… Tổng số nông dân tham gia sản xuất có chứng nhận gần 41.000 người, với diện tích trên 61.000 ha, tổng sản lượng trên 265.000 tấn. Trong đó, đáng chú ý là diện tích, sản lượng cà phê có xác nhận 4C tăng mạnh, năm 2011 chỉ có 9 đơn vị tham gia, với sản lượng 27.325 tấn thì đến năm 2014, có 29 đơn vị tham gia, diện tích khoảng gần 40.000 ha, sản lượng đạt trên 248 nghìn tấn. Đối với cà phê có chứng nhận UTZ, niên vụ 2010-2011 có trên 14.000 ha và sản lượng đạt 39.676 tấn cà phê, thì đến niên vụ 2013-2014 tăng lên gần 27.000 ha và trên 87.300 tấn. Sản xuất cà phê có chứng nhận đã giúp cả doanh nghiệp và người nông dân được lợi nhờ giá bán cao, còn các nhà nhập khẩu thì có nguồn hàng ổn định với chất lượng bảo đảm, điều này cũng đã góp phần nâng cao vị thế và sức cạnh tranh cho cà phê Dak Lak trên thị trường thế giới. Theo ông Nguyễn Văn Thiết, Trưởng Phòng đại diện UTZ Certified tại Việt Nam, khi nông dân tham gia làm cà phê chứng nhận, lợi ích đem lại rất rõ ràng, đó là thu nhập tốt hơn vì họ tiết kiệm được chi phí đầu tư (khoảng 3 triệu đồng/ha), lại có tiền cộng thưởng khi bán được hàng, đồng thời môi trường được bảo vệ tốt hơn và người lao động được quan tâm nhiều hơn. Theo ông Lê Đức Huy, Phó Tổng Giám đốc Công ty TNHH MTV 2-9 Dak Lak, hiện công ty có khoảng 18.000 ha cà phê được chứng nhận các loại, với sản lượng trên 78.000 tấn, có khoảng 12.000 nông dân tham gia. Qua đó, nông dân được trang bị đầy đủ kiến thức để thực hành nông nghiệp tốt, tự tin trong quản lý, canh tác. Đó là những lợi ích mà cà phê có chứng nhận mang lại cho ngành sản xuất cà phê Dak Lak vốn dĩ còn khá manh mún và yếu trong các khâu canh tác. Tuy nhiên, theo 2 ông thì Dak Lak cũng cần phải rà soát diện tích cà phê có chứng nhận để định hình lại thực trạng sản xuất loại cà phê này vì thực tế rất nhiều diện tích bị trùng chứng nhận, nghĩa là trên cùng một diện tích nhưng nông dân hoặc doanh nghiệp làm đến 2 loại cà phê chứng nhận dẫn đến khó khăn trong việc quản lý, hoạch định chính sách…

Thu hoạch cà phê có chứng nhận tại Công ty TNHH MTV Cà phê Ea Pôk.  Ảnh: Đ.T
Thu hoạch cà phê có chứng nhận tại Công ty TNHH MTV Cà phê Ea Pốk. Ảnh: Đ.T

...Nhưng khó bán

Lợi ích về sản xuất cà phê có chứng nhận thì ai cũng nhận thấy rõ, do vậy cà phê có chứng nhận trên địa bàn Dak Lak trong những năm qua phát triển khá nhanh, tuy nhiên theo nhiều chuyên gia đây chưa hẳn là dấu hiệu đáng mừng vì thực tế cái khó khăn lớn nhất mà cà phê chứng nhận đang phải đối mặt hiện nay chính là thị trường tiêu thụ. Theo số liệu thống kê của Coffee Barometer năm 2014 thì tổng sản lượng cà phê chứng nhận, xác nhận được sản xuất trong năm 2013 của thế giới là 4.150 nghìn tấn, trong đó cà phê có chứng nhận các loại (Fairtrade Organic, Rainforest Alliance, UTZ Certified) chiếm 45% và cà phê có xác nhận (4C) chiếm 55%. Thế nhưng, trong số đó, sản lượng được thương mại là 1.140 nghìn tấn, chiếm 27% so với tổng sản lượng sản xuất. Tại Dak Lak, cà phê có chứng nhận, xác nhận được thương mại khoảng 30-35%. Những con số trên cho thấy, không phải tất cả sản phẩm cà phê có chứng nhận đều dễ bán, vì các nhà rang xay, nhà nhập khẩu luôn có tính toán riêng của họ để làm sao thu được lợi nhuận tối ưu nhất. Ông Nguyễn Đức Huy cho hay, nếu năm ngoái sản lượng cà phê có chứng nhận của công ty xuất khẩu được 70% tổng sản lượng thì năm nay còn 48%, trong đó cà phê chứng nhận UTZ giảm nhiều nhất chỉ bán được 33%, trong khi năm ngoái là 80%, đó là chưa kể đến giá thưởng đã giảm đáng kể tới mức tối thiểu, một số chứng nhận thấp hơn chi phí triển khai. Nguyên nhân chính là diện tích cà phê chứng nhận ngày càng nhiều hơn và có sự cạnh tranh khốc liệt về tài chính giữa các tập đoàn thu mua (người mua chỉ mua hàng chứng nhận thông qua những liên kết tập đoàn với điều kiện là thanh toán trong 275 ngày - đây là điều kiện cực kỳ khó khăn đối với các công ty nội địa trong ngành hàng cà phê).

Vườn cà phê của nông dân tham gia sản xuất cà phê có chứng nhận Fairtrade của HTX Thương mại Công Bằng Cư Dliê Mnông.
Vườn cà phê của nông dân tham gia sản xuất cà phê có chứng nhận Fairtrade của HTX Thương mại Công Bằng Cư Dliê Mnông.

Còn ông Vũ Đình Nội, Phó Tổng Giám đốc Công ty TNHH MTV Cà phê Thắng Lợi cho biết, niên vụ 2013-2014, công ty chỉ xuất khẩu được 1.200/3.800 tấn cà phê chứng nhận, còn lại bán theo dạng cà phê chất lượng cao. Theo phân tích của ông Trịnh Đức Minh, Chủ tịch Hiệp hội Cà phê Buôn Ma Thuột, các tiêu chuẩn của cà phê có chứng nhận, xác nhận là do các tập đoàn thương mại quốc tế, nhà rang xay đặt ra nhằm tạo sự khác biệt để phục vụ nhu cầu cho đối tượng khách hàng của họ với giá bán cao. Nếu chúng ta đẩy mạnh sản xuất cà phê theo chứng nhận, xác nhận thì đến một lúc nào đó sẽ trở thành đại trà chứ không còn khác biệt nữa, lúc đó sản phẩm cà phê này sẽ khó tiêu thụ và người chịu thiệt trực tiếp là nông dân và các doanh nghiệp xuất khẩu. Vì vậy, Dak Lak cần cân nhắc kỹ lưỡng trong việc đưa ra các chính sách nhằm đẩy mạnh phát triển cà phê có chứng nhận, xác nhận, đồng thời các doanh nghiệp cần khảo sát cụ thể về nhu cầu của thị trường để sản xuất cà phê chứng nhận với quy mô phù hợp.

Thuận Nguyễn

    nguồn: baodaklak.vn

    BÌNH LUẬN

      Hyundai Hoang Viet - Thang 3

      Khẩn trương ban hành Đề án tổ chức Lễ hội Cà phê Buôn Ma Thuột lần thứ 9

      Ngày 16/4, UBND tỉnh tổ chức cuộc họp nghe Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch báo cáo dự thảo Đề án Lễ hội Cà phê Buôn Ma Thuột lần thứ 9. Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Ngọc Nghị chủ trì cuộc họp.

      BÌNH LUẬN CỦA BẠN

      M03-Honda Daklak
      ĐỐI TÁC
      Lên đầu trang Đặt làm trang chủ