A01-T7 - Honda Daklak
Dangfarm - A02
Điện lạnh Tuấn Tài - M01

Nâng chuẩn trình độ nhà giáo các cấp

09:07 | 18/02/2019

Chính phủ vừa có báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội kết quả lấy ý kiến nhân dân về dự thảo Luật Giáo dục (sửa đổi). Trong đó, Chính phủ nhất trí với nhóm ý kiến sửa đổi, bổ sung quy định tại Dự thảo Luật....

.... về nâng chuẩn trình độ nhà giáo các cấp, cấp chứng chỉ hoàn thành chương trình giáo dục phổ thông (GDPT)... 

Dự kiến học sinh học hết chương trình THPT sẽ được cấp giấy chứng nhận hoàn thành chương trình GDPT .

Giáo viên tiểu học phải tốt nghiệp đại học Sư phạm

Về trình độ chuẩn được đào tạo của nhà giáo, tổng hợp của Vụ Pháp chế - Thường trực Ban soạn thảo Luật Giáo dục (sửa đổi) về ý kiến góp ý của nhân dân cho thấy, hiện có 2 loại ý kiến. Trong đó, đa số ý kiến nhất trí với quy định tại Điều 72 của Dự thảo Luật về nâng trình độ chuẩn được đào tạo của giáo viên mầm non lên cao đẳng (CĐ) sư phạm; đối với giáo viên tiểu học, THCS, THPT phải có bằng tốt nghiệp đại học (ĐH) sư phạm. Trong giai đoạn từ nay đến năm 2026 với những môn học chưa đủ giáo viên được đào tạo trình độ ĐH sư phạm thì phải có bằng tốt nghiệp ĐH chuyên ngành tương ứng và có chứng chỉ bồi dưỡng nghiệp vụ sư phạm, có bằng thạc sĩ và có chứng chỉ nghiệp vụ sư phạm đối với nhà giáo giảng dạy trình độ ĐH; có bằng tiến sĩ với nhà giáo giảng dạy, hướng dẫn luận văn thạc sĩ, hướng dẫn luận án tiến sĩ.

Nhóm ý kiến thứ hai băn khoăn rằng các cơ sở giáo dục mầm non rất đa dạng, không phải mọi đối tượng, mọi cơ sở giáo dục mầm non đều cần người lao động có trình độ CĐ, đối tượng tham gia là người mẹ, người có nhu cầu làm việc ở môi trường giáo dục mầm non với nhiều hình thức (làm thêm, tạm thời, gắn bó lâu dài).

Chính phủ nhất trí với nhóm ý kiến thứ nhất. Đồng thời quy định này, nhằm thể chế hoá Nghị quyết 29-NQ/TW về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, Nghị quyết 88/QH, Chiến lược phát triển giáo dục giai đoạn 2011-2020.

Miễn học phí THCS theo lộ trình

Về chính sách học phí, Chính phủ cho biết đồng ý với ý kiến đa số của nhân dân và giữ quy định về học phí của dự thảo luật.

Trong đó có trẻ em mầm non 5 tuổi, học sinh tiểu học, THCS trường công lập không phải nộp học phí. Nhà nước bảo đảm các điều kiện về cơ sở vật chất và kinh phí hoạt động để thực hiện phổ cập giáo dục. Trẻ em mầm non 5 tuổi ở cơ sở giáo dục dân lập, tư thục; học sinh tiểu học, THCS trường tư thục được nhà nước hỗ trợ tiền đóng học phí cho cơ sở giáo dục dân lập, tư thục.

Mức hỗ trợ do HĐND cấp tỉnh quy định tương đương mức ngân sách cấp chi thường xuyên tính bình quân trên một học sinh của cơ sở giáo dục công lập cùng cấp trên địa bàn. Chính phủ quy định lộ trình thực hiện chính sách không thu học phí đối với học sinh THCS trường công lập và hỗ trợ đóng học phí đối với học sinh THCS trường tư thục, trên cơ sở khả năng cân đối ngân sách nhà nước, trước mắt ưu tiên thực hiện ở vùng miền núi, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn.

Cấp giấy chứng nhận hoàn thành chương trình giáo dục

Về thi tốt nghiệp THPT, tuyển sinh ĐH, có 3 loại ý kiến. Trong đó, đa số ý kiến nhất trí với dự thảo luật khi bổ sung quy định: học sinh học hết chương trình THPT nếu đủ điều kiện dự thi theo quy định của Bộ trưởng Bộ GDĐT nhưng không dự thi hoặc thi không đạt yêu cầu thì được hiệu trưởng nhà trường cấp giấy chứng nhận hoàn thành chương trình GDPT. Đồng thời sửa đổi, bổ sung quy định tương ứng trong Luật Giáo dục nghề nghiệp.

Quy định mới này nhằm khắc phục bất cập của Luật Giáo dục hiện hành vì không có quy định về hình thức công nhận hoàn thành chương trình GDPT cho học sinh đã học xong chương trình THPT nhưng không dự thi hoặc dự thi nhưng không đỗ tốt nghiệp, chưa phân biệt giữa công nhận hoàn thành chương trình THPT và bằng tốt nghiệp THPT. Dự thảo Luật cũng không có quy định việc sử dụng kết quả thi tốt nghiệp THPT để xét tuyển ĐH vì việc tuyển sinh ĐH thuộc về quyền tự chủ của các trường ĐH đã được quy định trong Luật Giáo dục ĐH (sửa đổi, bổ sung).

Bên cạnh đó, cũng có ý kiến đề nghị cần quy định cụ thể điều kiện để được cấp giấy chứng nhận hoàn thành chương trình GDPT và xác định rõ mục đích của việc cấp giấy chứng nhận. Quy định này đảm bảo thực hiện được vấn đề liên thông đối với người học. 

Nhóm ý kiến thứ ba đề nghị dự thảo luật không nên quy định cụ thể việc thi tốt nghiệp THPT mà nên giao Bộ GDĐT quy định tại quy chế thi tốt nghiệp THPT để đảm bảo tính linh hoạt và quản lý ngành đảm bảo chất lượng và hiệu quả.

Chính phủ nhất trí với ý kiến đa số và bổ sung quy định: học sinh học hết chương trình THPT nếu đủ điều kiện dự thi theo quy định của Bộ trưởng Bộ GDĐT nhưng không dự thi hoặc thi không đạt yêu cầu thì được hiệu trưởng nhà trường cấp giấy chứng nhận hoàn thành chương trình GDPT và sửa đổi quy định của luật Giáo dục nghề nghiệp để đảm bảo việc phân luồng và hướng nghiệp cho học sinh phổ thông. Vấn đề tuyển sinh ĐH thực hiện theo quy định của Luật Giáo dục ĐH (sửa đổi, bổ sung).

Quy định về sách giáo khoa

Về việc luật hóa các quy định tại Nghị quyết số 88/2014/QH13 ngày 28/11/2014 của Quốc hội về đổi mới chương trình, sách giáo khoa (SGK) GDPT, cơ bản có hai loại ý kiến.

Chính phủ nhất trí với ý kiến đa số của nhân dân để sửa đổi, bổ sung quy định tại điều về chương trình GDPT, SGK, theo hướng: Luật hóa đường lối, chủ trương của Nghị quyết 29-NQ/TW về chương trình GDPT và SGK; pháp điển hóa, kế thừa những nội dung phù hợp của Nghị quyết số 88/2014/QH13 và nâng các quy định tại các văn bản hướng dẫn dưới luật thành quy định của Luật Giáo dục (sửa đổi) về chương trình GDPT và SGK, tạo hành lang pháp lý cho việc xây dựng chương trình và SGK GDPT.     

* Chính phủ tiếp thu ý kiến đa số của nhân dân ,sẽ bổ sung một khoản hoặc một điều trong Dự thảo Luật quy định đặc thù về xác định biên chế và cơ chế tuyển dụng giáo viên cho sinh viên tốt nghiệp các trường sư phạm vào các cơ sở giáo dục công lập.

Thu Hương

    nguồn daiđoanket.vn

    BÌNH LUẬN

      Hyundai T12 - 2

      BÌNH LUẬN CỦA BẠN

      M03-Honda Daklak
      ĐỐI TÁC
      Lên đầu trang Đặt làm trang chủ