A01-T7 - Honda Daklak
Dangfarm - A02
Cho thuê nhà 29 Lê Hồng Phong

Phong tục bị xô lệch bởi lối sống thực dụng

14:05 | 14/02/2019

Theo thống kê chưa đầy đủ của Bộ VH-TT&DL, mỗi năm ở nước ta có gần 8.000 lễ hội, trong đó phân nửa số lễ hội được diễn ra trong tháng giêng.

Nghĩa là mỗi ngày của tháng giêng, ở tỉnh nọ hoặc ở huyện kia của Việt Nam, đều có lễ hội rầm rộ. Lễ hội lớn thì thu hút hàng triệu du khách, còn lễ hội nhỏ thì thu hút hàng trăm người dân địa phương. Lễ hội nào cũng được thêu dệt những huyền thoại đẹp đẽ, mà thực tế lại phơi bày không ít hình ảnh nhem nhuốc và phản cảm. Đặc biệt, lễ hội nào cũng gắn với yếu tố… cầu may: chọi trâu cầu may, đá gà cầu may, đấu vật cầu may, chém lợn cầu may… Chuyện may rủi ở đời làm sao tiên liệu được, nhưng thái độ cầu may vẫn lan tràn đến mức khủng khiếp.

Tìm vận may từ… lông lợn!

Đơn cử như lễ hội bắt Ông Cầu ở Phú Thọ. Đây là lễ hội nhằm tái hiện việc lạc hầu, lạc tướng dưới thời vua Hùng tổ chức bắt lợn rừng để rèn luyện binh sĩ và khao quân mỗi khi chiến thắng. Mỗi năm, có hai gia đình trong xã được chọn để nuôi lợn trở thành "ông cầu”. Gia đình được chọn nuôi lợn cũng vẻ vang vì phải được công nhận là gia đình văn hoá, còn cả bố mẹ, có cả con trai và con gái… Con lợn được chuyển vào chuồng đặc biệt làm từ nhiều lớp lá cọ, cửa hướng ra đền.

Từ đây, con lợn được gọi là “ông cầu”. Từ ngày 23 tháng Chạp, "ông cầu" chỉ ăn cháo hoa. Trong ngày mùng 5 Tết, lợn chỉ ăn hoa quả, bánh kẹo để giữ sự chay tịnh, sạch sẽ. Sau đó, “ông cầu” được thả ra cho thanh niên đuổi bắt. Và khi “ông cầu” bị tóm được, thì người ta lao vào… bứt lông để cầu may. Lông lợn có tác dụng hanh thông công việc và hanh thông gia đạo ư? Nghĩ mà buồn cười, nghĩ mà xót xa!

Tương tự là chuyện giành sợi chiếu ở lễ hội Đúc Bụt ở Vĩnh Phúc. Hàng năm, thôn Phù Liễn, xã Đồng Tĩnh, huyện Tam Dương đều có màn cướp chiếu thiêng được rất nhiều người mong đợi. Nam thanh nữ tú lẫn quý bà quý ông cùng xô đẩy nhau để giành giật những manh chiếu với mong muốn nắm trong tay vài sợi chiếu sẽ có tài lộc đến nhà, hoặc sinh được… con trai. Những lễ hội như vậy, rất khó phân biệt là một trò chơi lúc nông nhàn hay một hủ tục mê tín.

Giáo sư – Tiến sĩ Ngô Đức Thịnh, nguyên Viện trưởng Viên nghiên cứu văn hóa dân gian Việt Nam, bày tỏ: “Nhiều người không biết mình đang đến đình, đền, chùa nào, thờ ai, đến làm gì, cầu gì… Đại đa số đang trong tình trạng lờ mờ về sự hiểu biết tín ngưỡng lễ hội bởi vậy dẫn tới hành động "loạn" và ra sức tranh cướp vật phẩm tượng trưng cho sự may mắn. Những hành động tranh cướp, đánh nhau, chen lấn ở lễ hội cướp phết, hội Gióng và đền Trần vừa qua cũng là bởi nhiều người đi lễ không có sự hiểu biết về tín ngưỡng mà hành động vì mê tín, a dua. Những hành động giẫm đạp lên bệ thờ, tranh cướp vật phẩm thờ cúng là hành vi vô văn hóa, nếu không muốn nói là báng bổ thánh, thần. Hiện nay, lễ hội đang đứng trước nguy cơ nhất thể hóa, đơn điệu hóa. Hội làng nào vùng nào cũng na ná như nhau, làm thui chột đi tính đa dạng của lễ hội. Du khách thập phương sau một vài lần dự hội thì cảm thấy nhàm chán và không còn hứng thú đi chơi hội nữa”.

GS.TS Tô Ngọc Thanh - Chủ tịch Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam, âu lo: “Những thứ nhếch nhác chúng ta nhìn thấy tại lễ hội không phải là mặt trái của lễ hội mà chỉ là những yếu tố ký sinh. Nó được sinh ra không phải từ lễ hội mà do tính vụ lợi của nền kinh tế thị trường và sự thiếu niềm tin trong tâm lý người dân. Có lẽ người tham dự lễ hội nghĩ rằng mình cúng thần thánh bao nhiêu thì sẽ được nhận lại ít nhất là bằng hoặc hơn thế. Cách tốt nhất để quản lý tốt lễ hội là cần tăng cường công tác tuyên truyền ý thức của người dân, bắt đầu từ việc giáo dục trong nhà trường, để người dân hiểu và không tin vào những điều mê muội”.

TUY HÒA

    nguồn “nongnghiep.vn”

    BÌNH LUẬN

      Hyundai Hoang Viet - Thang 3

      BÌNH LUẬN CỦA BẠN

      M03-Honda Daklak
      ĐỐI TÁC
      Lên đầu trang Đặt làm trang chủ