Dễ chừng đã gần 10 năm, Tết Thượng Nguyên năm Quý Tỵ này, Yên Trang, cô bạn gái thi sĩ ở trường Đại học Tây Nguyên mới đột ngột về thăm tôi ở vùng biển Nghi Xuân, Hà Tĩnh. Đứng trên bãi biển, nhìn con đê bằng bê tông sừng sững chạy dài tít tắp bên bờ sóng, cô thi sĩ cao nguyên không khỏi sững sờ.
Hình như đoán được ý nghĩ Yên Trang qua nét mặt em, cha tôi - một ngư phủ quen luồn sóng, chém gió, gắn bó với biển mấy đời nay - cả cười:
- Con đê làm cháu bất ngờ lắm phải không?
- Dạ! Bất ngờ lắm bác ạ. Quê cháu ở Buôn - Mê, không có biển, chỉ có rừng. Trong quê cháu cũng có nhiều người dân quê mình di cư vào lập nghiệp. Họ kể về biển, về bão tố, về lũ lụt kinh hoàng lắm. Cháu tìm về đây là muốn biết bác và dân mình sống chung với biển, với bão tố ra sao mà? - Yên Trang ngập ngừng.
Một khúc đê biển Nghi Xuân. Ảnh Trần Chung
|
- Có chi mô cháu! Thì cũng như người dân đồng bằng sông Cửu Long sống chung với lũ, cũng như đồng bào Tây Nguyên mình sống chung với rừng thôi. Thế nên, câu chuyện bắt đầu từ con đê ni đó. Non thế kỷ trước, ở vùng ni có một nhà trí thức tên là Nguyễn Lý Thái, ông được triều Nguyễn phong Hàn lâm Thị giảng, hàm Ngũ phẩm. Thời trẻ ông sống ở Hà Nội, nhưng hay đi đây đi đó nên biết được nhiều điều hay của nước Nam mình. Ngày nớ, con sông Lam chảy phía tây hiền lành lắm, nó cần mẫn đưa phù sa từ thượng nguồn về đỏ ngầu cả ruộng vườn, nhà cửa. Phía đông, biển cũng hiền như sông vậy. Sóng gió hàng năm đẩy cát ngoài biển vô, cùng phù sa sông Lam bồi đắp thành vùng bãi ngang ni. Nhưng thời gian dâu bể, biết lúc mô sông lở, biển bồi? Nếu không kịp thời đắp đê giữ đất, chỉ cần sông Lam giở quẻ đổi dòng, phù sa sông đưa về lại theo nó ra biển hết. Là người có tâm với quê hương, khi hồi hưu, học theo bậc tiền bối Dinh điền sứ Uy Viễn Tướng công Nguyễn Công Trứ người cùng quê Nghi Xuân, từng đắp đê chắn sóng, mở đất lập nên hai huyện Tiền Hải, Kim Sơn, ở Thái Bình, ông giã từ Hà Nội về quê. Sau những ngày lội bùn khảo sát bãi bồi dọc sông Lam, để giữ phù sa ở lại mở mang đất đai trồng trọt, ông tự bỏ tiền bạc thuê nhân công đắp ròng rã suốt 3 năm mới nên con đê Đan Tràng, là đê Hội Thống bây giờ. Phía biển, ông mang cây phi lao chẳng biết mua tận đẩu, tận đâu về cùng người dân trồng lên thành rừng chắn cát, ngăn sóng biển để giữ đất. Từ khi phía tây có con đê, phía đông có rừng phi lao chắn cát, đất đai có thêm phên dậu, vùng đất bãi ngang phía bắc huyện Nghi Xuân ni trải qua bao cơn bão, lũ, hàng vạn cư dân bốn xã Xuân Phổ, Xuân Đan, Xuân Trường, Xuân Hội vẫn sống bình yên…!
Dừng một lát, khoát rộng vòng tay về phía biển, phía sông, tiếng cha tôi trầm xuống:
- Cháu biết không, vùng đất ni giống như một bán đảo, nằm kẹp giữa ba bề sóng nước. Sông Lam chảy phía tây, Biển Đông ở phía đông, phía bắc là cửa Lạch, nên lũ lụt, bão tố rình rập thường xuyên. Vì thế, người dân nơi đây cũng tự biết lo cho mình. Từ ngày biển lấn, tỉnh, huyện huy động nhân dân đắp con đê biển chạy dài hơn 10 cây số dọc bờ biển bốn xã Phổ, Đan, Trường, Hội, nối với con đê sông thành một vành đai ngăn lũ, chắn sóng. Hàng năm, lực lượng dân quân tự vệ, thanh niên, phụ nữ, CCB… năm nào cũng ra quân bồi đắp cho cả hai con đê. Nhiều năm, tỉnh, huyện còn cử cả các trung đoàn, tiểu đoàn bộ đội về đắp đê giúp dân cả tháng ròng. Vẫn biết ông Trời ngày càng trở tính, trái nết. Mưa gió, bão tố thất thường. Đã mưa là mưa thối đất, đã bão là bão xiêu trời. Phía tây, sông Lam dữ dằn đưa lũ về cuồn cuộn. Phía đông, biển ngoạm bãi, lấn bờ. Mỗi năm nó nuốt vào lòng biển cả rừng phi lao, cả bãi cát rộng dài hàng cây số. Biết thế, nhưng ngày đó cả nước đang khó khăn, lấy tiền đâu ra mà xây con đê cho vững chãi? Thế là lũ tràn sông Lam xé toang con đê sông mạn Xuân Phổ, Xuân Trường. Biển dâng sóng theo bão chặt đứt con đê biển đắp bằng đất ớ xóm Hùng Cường, xóm Đan Kiếu ra từng khúc, xói ruộng nương thành sông, thành hói, cuốn trôi hàng chục ngôi nhà của cư dân đi mất tích. Nước lũ ngập phía tây, nước biển tràn phía đông trắng xóa, mặn chát ruộng vườn, đến cây cối cũng héo quay, héo quắt nói chi đến lúa, khoai. Đất không nuôi nổi người. Chỉ riêng 4 xã vùng ni đã có hàng nghìn hộ dân, đành gạt nước mắt rời bỏ quê nhà lặn lội vào trong quê cháu đó, kiếm sống… Người ra đi đã vậy, người ở lại đâu có được yên. Cứ đến mùa bão, nghe loa xóm, loa xã thông báo là lo ngay ngáy. Trước khi tản cư tránh bão, nhà nào nhà nấy chuẩn bị bao cát, cọc tre để sẵn, cho lực lượng ở lại hộ đê. Bão chưa ập đến mà xóm làng đã vắng hoe, vắng hoắt. Chỉ còn lực lượng dân quân, trai tráng ở lại. Lực lượng ni thành lập ra từng đội cùng bộ đội, công an giữ gìn an ninh, nơi nào đê sắp vỡ thì cơ động đến chống đỡ, hàn khẩu. Còn người già, con trẻ, thì được xe ô tô bộ đội do tỉnh, huyện cử về chở lên vùng trên. Làng xóm xáo xác, nỏ khác chi thời tản cư tránh nạn giặc giã. Ngày nớ, trước cảnh đó, ai thối chí, trụ răng nổi. Ai cũng mong có được con đê chắc chắn chống được nước xiết, chắn được gió to, sóng cả để ở lại quê cha đất tổ, yên phận làm ăn…!
Kể đến đó, giọng cha tôi nghèn nghẹn. Hình như Yên Trang cũng đang xúc động. Em run run cầm lấy bàn tay tôi như kiếm tìm sự chia sẻ. Húng hắng ho, lại đặng hắng mấy lần, cha tôi mới kể tiếp được:
- Mãi tới đầu những năm 2000 khi ngoài bờ sông, bờ biển, trên những con đê đắp bằng đất từ ngày xưa, những chiếc xe ben chở xi măng, đất đá; những chiếc xe cần cẩu, máy xúc, máy đào, máy trộn bê tông cắm cờ đỏ sao vàng ầm ầm kéo về, người dân nơi đây mới nhìn nhau thở phào. Con đê ra đời thế đấy, cháu ạ…!
*
* *
Sáng ấy tôi và “ thi sĩ cao nguyên” lại thả bộ dọc con đê. Tiết trời xuân dìu dịu mát, mưa bụi lất phất bay bay, hai đứa cứ dắt tay nhau theo con đê biển mới xây dựng mấy năm nay về cửa Lạch Hội. Nhìn con đê, Yên Trang reo lên:
- Con đê đẹp quá, kỳ vĩ quá!
- Đúng là đẹp và kỳ vĩ thật! - Bỗng dưng trong tiếng sóng, tiếng gió vô hồi có tiếng ai xen vào. Ngoảnh lại thì ra là ông Nguyễn Xuân Hương. Bữa nay chủ nhật, ông Hương về nhà nghỉ nên ra đi bộ trên đê biển. Là Trưởng phòng Văn hóa huyện Nghi Xuân, nhưng ông lại là hậu duệ của bao đời ngư phủ, từ đời cụ kỵ đến đời cha chú ở đất này. Nhận ra chúng tôi, vừa tay bắt, mặt mừng ông Hương vừa nói như tâm sự:
- Quê mình giờ được thế này phần lớn là nhờ con đê sông và con đê biển này đấy. Đầu năm 2000, dù là một tỉnh, một huyện nghèo, nhưng quyết không để cho sông và biển lấn đất; quyết để cho người dân an cư lạc nghiệp, được Trung ương hỗ trợ, tỉnh, huyện đã rất quyết tâm chi ra hàng trăm tỉ đồng xây dựng con đê biển và con đê sông bao quanh cái “ bán đảo” bãi ngang này. Mỗi con đê chiều rộng 5 m, chiều cao cả chục mét và chiều dài thì đến gần 20 km. Phía tây, có đê ngăn lũ sông Lam, hàng ngàn ha đất canh tác, hàng ngàn ao, đồng nuôi tôm, cua xuất khẩu không còn sợ bị nước lũ đánh vỡ bờ, vỡ đập, cuốn trôi tôm cua, lúa má nữa. Phía đông, có con đê biển bảo vệ, làng xóm không còn sợ sóng đập, sóng tràn, đất đai bình yên, mọi người càng chí thú làm ăn.
Ông Trưởng phòng Văn hóa huyện, chỉ tay về phía những cánh đồng trong đê xanh mướt một màu xanh lúa đang thì con gái; lại chỉ về phía các ô nuôi tôm trên cát, lấp loáng ánh nước màu ngũ sắc được các giàn quạt khí quạt tung lên như hoa dưới mặt trời; rồi ông khoát tay về phía xóm làng lô nhô những ngôi nhà cao tầng mới xây dựng đủ dáng, đủ kiểu, cất giọng vui vẻ:
- Anh và cô nhìn mà xem, từ ngày đê biển, đê sông được bê tông hóa, nhất là từ ngày đất nước ta “xây dựng nông thôn mới”, có bao nhiêu là dự án kinh tế vùng bãi ngang này ra đời. Hàng chục km đường sinh thái, đường liên thôn đổ bê tông, láng nhựa ở các xã đã thay thế hoàn toàn các con đường đất lầm bụi, chật hẹp. Nhiều con em vùng quê này đi xa làm ăn phát đạt, nay trở về mang theo bao dự án xây dựng khu du lịch sinh thái biển, làm đẹp, làm giàu cho quê hương. Ở xã Xuân Trường, khoa Thủy Hải sản của trường Đại học Vinh sắp chuyển về đây, đang xây dựng. Ở xã Xuân Hội, Xuân Đan, Xuân Phổ những mô hình nuôi tôm trên cát đang phát huy hiệu quả, mỗi năm mỗi đồng chỉ 4- 5 ha mặt nước mà cho thu hoạch hàng tỉ đồng. Ai bảo cát trắng cỗi cằn không sinh ra được tiền bạc, không làm nên giàu có? Nói cho cùng biển có cáí thế biển, sông có thế của sông, nhưng con người cũng có cái thế của người chứ! Chỉ cần chúng ta can trường, không lùi bước sẽ tìm ra cách chế ngự, sẽ biến được nước sông, nước biển, biến cát trắng thành vàng, mang giàu có cho mình, cho quê hương mình!
Chia tay ông Hương rồi, tôi bồi hồi nắm chặt bàn tay Yên Trang. Trước mặt chúng tôi con đê biển sừng sững như một gạch nối giữa biển xuân thăm thẳm xanh và bầu trời xuân lồng lộng. Gió biển xuân phóng khoáng xõa tung mái tóc đang bồng lên của cô thi sĩ cao nguyên. Tôi nhìn em ngập ngừng:
- Em định làm thơ về con đê, về vùng đất quê anh à?
- Đúng là sự tích về con đê cứ như một huyền thoại, anh ạ. Thơ về con đê thì nhất định em sẽ viết. Nhưng một bài thơ thì làm sao nói hết sự cảm phục con người ở đây, làm sao nói sao hết tình yêu lòng mình với đất, với biển ở đây, và cả về huyền thoại con đê nữa? Có viết cả ngàn bài thơ, e cũng chưa nói hết anh ơi! Bỗng dưng em thấy con đê cứ như là tình yêu, anh ạ. Tình yêu càng bền chặt thì lứa đôi càng hạnh phúc. Tình yêu càng nồng cháy, hạnh phúc càng lâu bền. Còn con đê. Con đê càng vững chãi thì xóm làng càng bình yên, cuộc đời càng ấm no, hạnh phúc. Phải không anh?
Biển Nghi Xuân tháng 2/2013
Nguyễn Xuân Diệu
BÌNH LUẬN