A01-T7 - Honda Daklak
Dangfarm - A02
Cho thuê nhà 29 Lê Hồng Phong

Những người thuộc về rừng

09:28 | 26/11/2013

Nhà văn Nguyên Ngọc từng nói: Nếu ai đó trong chúng ta vào rừng đều có cảm giác bất trắc và nguy hiểm. Nhưng đối với những con người thuộc về rừng, thì đó là không gian sống và rất đỗi thân thuộc của họ.

Từ ý tưởng này khiến tôi hứng thú và tìm gặp những con người “đặc biệt” ấy…

Những người tôi gặp là cư dân của các cộng đồng dân dân tộc bản địa sống lâu đời trên dãy Cư Yang Sin trải rộng từ mạng hồ Lak, Krông Nô cho đến vùng Yang Hanh, Yang Mao - Krông Bông. Những tộc người M’nông Gar, M’nông Kuênh và Êđê ở đây có đời sống hết sức đặc sắc và độc đáo. Trong đó tôi đã nhận ra rừng như một bà mẹ đầy ân sủng, bao trùm lên tất cả cuộc sống của họ. Già làng Ôe Kiêm ở lưng chừng đèo Dak Nuê-huyện Lak chậm rãi kể rằng: ngày xưa, những con đường mà mọi người đi lại dễ dàng như bây giờ chỉ là những lối mòn giữa mênh mông núi non hiểm trở. Việc sống nhờ những ân huệ của rừng là điều tất yếu. Và cách mà người M’nông, Êđê “ăn rừng” để làm nương rẫy thực ra là việc cầu xin rừng thiêng ban cho nguồn sống tối thiểu. Vì thế mới sinh ra những nghi lễ mùa vụ để tạ ơn rừng và Yàng từ khi tổ tiên họ biết cầm cái xà gạc, cái dùi để chọc trỉa hạt lúa, hạt ngô trên nương rẫy.


Bến nước cùng với rừng là không gian sống gần gũi và thân thuộc của các dân tộc bản địa.

Bến nước cùng với rừng là không gian sống gần gũi và thân thuộc của các dân tộc bản địa.

Già Kiêm chỉ cho tôi thấy những khoảnh lúa rẫy được gieo gần đó và luyến tiếc: Không như trước đây, bây giờ lúa rẫy còn ít thôi. Cả vùng Dak Nuê này, hằng năm chỉ gieo khoảng 5-7 mẫu để làm rượu ghè và cúng bái là chủ yếu, còn cơm ăn hàng ngày là lúa nước canh tác dưới vùng đầm lầy, hoặc bên khe suối. Người M’nông Gar giờ đây cũng được hướng dẫn làm ruộng nước như người Kinh: cũng cày bừa, gieo sạ, bón phân và thu hoạch…theo khoa học và kỹ thuật tiên tiến bây giờ. Vì thế lúa cho năng suất cao, không những đủ ăn mà còn bán ra ngoài, có tiền để dựng nhà và mua sắm nhiều thứ. Tuy nhiên, không phải vì thế mà người ta quên, hoặc rời xa ân sủng của “bà mẹ rừng” trong đời sống của mình. Ý già Kiêm là mặc dù rừng đã lùi sâu và được chính quyền địa phương bảo vệ nghiêm ngặt - và điều đó cũng đồng nghĩa với việc không gian sống và sinh tồn của cộng đồng người dân tộc tại chỗ ít nhiều bị loãng ra, mờ nhạt. Song, trong sâu thẳm mỗi người vẫn giữ tâm thế sống “Phii Breé- thuộc về rừng” như ông bà và tổ tiên họ đã có. Già Kiêm tri ân hạt lúa rẫy kia như món quà tặng của rừng: vô nhiễm và tinh khiết vô cùng, bởi quy trình canh tác của nó hoàn toàn không có chỗ cho khoa học, kỹ thuật tiên tiến có mặt! Tôi hỏi sao lạ vậy thì được giải thích: Hạt lúa rẫy làm ra là để cúng Yàng, cúng rừng trong những dịp lễ trọng nên không bao giờ người ta áp dụng quy trình sản xuất như lúa nước. Hạt lúa rẫy có đời sống và không gian sinh tồn hệt như những con người “thuộc về rừng” vậy, cũng độc đáo và tạo sự khác biệt trong “phổ văn hóa rừng” nói chung của cư dân sinh sống dọc dài bên triền núi, lưng đèo phía Nam Dak Lak.             

Những gì già Kiêm vừa nói, tôi đã trải nghiệm qua lễ mừng thọ cho một cụ bà người M’nông Kuênh ở Dak Nuê - huyện Lak: rằng do đời sống gắn bó với rừng, từ hạt lúa làm ra trên rẫy, cho đến các sản vật tự nhiên như nấm, măng rau, củ quả… nên lễ vật mừng thọ không bao giờ thiếu các thứ này. Và các vật phẩm ấy phải được đem về làm lễ cúng trước kho lúa của gia đình (thường được dựng lên ngay trong rẫy) trước khi rước về nhà chế biến thành thức uống và đồ ăn cho người hưởng thọ. Công đoạn ấy có khi diễn ra cả tuần trăng và người nhà được hưởng phúc không được phép cầm đến công cụ nào xâm hại đến rừng, dù là một cành cây, một con thú nhỏ. Dường như cách tri ân đó, cùng với phương thức luân canh mùa vụ có luật lệ rõ ràng của các tộc người “thuộc về rừng” đã góp phần làm giàu có tài nguyên rừng từ bao đời nay. 

Còn già Y Thin sống dưới chân núi Yang Hanh - Krông Bông đã mấy mươi mùa qua cho rằng: rừng (gắn với các vị thần) luôn có sức ảnh hưởng, chi phối sâu sắc trong đời sống của các tộc người ở đây. Giữa mênh mông rừng, ông bảo nếu ai đó lạc vào sẽ đầy sự ám ảnh, thậm chí cảm thấy bất trắc và hiểm nguy, nhưng đối với cộng đồng người Êđê ở đây, họ vẫn tự tại và an nhiên sống như thể đó là một phần không thể tách rời. Giờ đây, nguồn sống của gia đình già Y Thin vẫn chưa bao giờ tách khỏi rừng. Không những mây tre, nứa lá giúp ông đan lát những gùi, giỏ xách, thúng, mủng…,  mà cả những sản vật khác như măng, nấm và rau rừng được con cháu ông lấy về  đều là nguồn sống truyền đời của cư dân Êđê ở đây. Tất nhiên, cũng vì lẽ đó mà họ yêu rừng hơn ai hết. Và giờ đây, điều đó vẫn tiếp tục hiển hiện sinh động trong suy nghĩ cũng như  cung cách hành xử của cư dân bản địa đối với rừng. Bởi đơn giản, như nhà văn Nguyên Ngọc nói: họ là những người thuộc về rừng!

Tùy bút của Đình Đối

    Nguồn: Báo Dak Lak điện tử

    BÌNH LUẬN

      Hyundai Hoang Viet - Thang 3

      BÌNH LUẬN CỦA BẠN

      M03-Honda Daklak
      ĐỐI TÁC
      Lên đầu trang Đặt làm trang chủ