A01-T7 - Honda Daklak
Dangfarm - A02
Cho thuê nhà 29 Lê Hồng Phong

Mộc bản triều Nguyễn - Hành trình đến với di sản văn hóa thế giới

08:03 | 25/11/2013

Ngày 26-12 sắp tới, trong tuần văn hóa du lịch năm 2013 Di sản UNESCO Việt Nam-ASEAN lần thứ nhất với sự tham dự của 10 nước ASEAN và 4 nước đối tác

gồm Ấn Độ, Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc, Mộc bản triều Nguyễn của Việt Nam sẽ được trưng bày, giới thiệu nhằm quảng bá hình ảnh về khối tư liệu quý giá của nước nhà đến bạn bè năm châu.

Hành trình của Mộc bản triều Nguyễn

Trước khi được UNESCO công nhận và đưa vào trong chương trình Ký ức nhân loại, Mộc bản triều Nguyễn đã trải qua quá trình thiên di từ Huế về Đà Lạt để ngày hôm nay, khối tài liệu này vẫn được gìn giữ vẹn nguyên tại đây. Độc bản và quý hiếm là đặc điểm nổi bật của Mộc bản triều Nguyễn, nó là chứng tích cho  thời đại phong kiến kéo dài suốt nhiều thế kỷ tại Việt Nam. Mộc bản tại Trung tâm Lưu trữ Quốc gia IV ở TP. Đà Lạt mà chúng ta biết đến ngày nay đa phần sản sinh dưới triều Nguyễn, một phần nhỏ được chuyển từ Văn Miếu Bắc thành về kinh đô Phú Xuân Huế dưới chỉ dụ của vua Minh Mạng.

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Theo sách “Khâm định Đại Nam hội điển sự lệ” cho biết: “Minh Mạng năm thứ 8 (1827), xuống chỉ: Văn Miếu ở Bắc thành, nguyên trữ các bản in Ngũ kinh Tứ thư đại toàn và võ kinh trực giải. Chuẩn cho sức soạn lấy đủ số. Nếu như tấm in bản nào lâu năm mọt nát, thì khắc bản khác bổ sung vào, đến khi có đoàn thuyền vận tải thì đưa đến kinh giao Quốc tử giám lưu giữ, đặng phòng khi dùng in ra để ban cấp”. Sách Minh Mạng chính yếu cũng ghi rõ: “Vua sai quan ở Bắc thành kiểm điểm sách vở nguyên trữ ở Văn Miếu trong thành, như Tứ thư, Ngũ kinh đại toàn”.

Trong thời nhà Nguyễn, toàn bộ số Mộc bản được bảo quản ở Tàng bản đường phía sau Quốc sử quán và một phần ở Quốc tử giám. Theo “Đại Nam thực lục” cho biết: Vua Minh Mạng cho xây dựng Quốc sử quán nhằm biên tập và bảo quản các ván khắc của những bộ sách chính văn chính sử của triều đình. Đến năm 1933, Quốc sử quán bị bãi bỏ, nhà được dùng làm trụ sở thư viện đầu tiên của Nam triều. Sau đó, cơ sở này được tiến hành sửa chữa, nâng cấp với quy mô lớn, biến thành một Tổng Thư viện Trung ương. Năm 1937, công việc hoàn tất, thư viện được đặt tên là Thư viện Bảo Đại, tập trung rất nhiều sách vở tài liệu của các khố văn thư lớn nhỏ từng thiết lập tại Huế, kể cả kho sách và tài liệu của Nội các.

Trước khi được chuyển về Đà Lạt, toàn bộ khối tài liệu quý hiếm này vẫn được bảo quản tại Huế. Mãi đến năm 1960, dưới chế độ Việt Nam Cộng hòa ở miền Nam, toàn bộ Mộc bản và Châu bản mới được khởi sự đưa về Đà Lạt và Sài Gòn. Ngày 2-4-1960, thực hiện chỉ thị của Tổng thống Ngô Đình Diệm, một phái đoàn được cử đi công tác tại Huế để “xem xét tại chỗ và nghiên cứu thể thức di chuyển lên Đà Lạt các cổ thư cùng tài liệu lịch sử đang tàng trữ tại Huế’’. Thông qua đoàn khảo sát năm đó, toàn bộ tài liệu Châu bản và Mộc bản của triều Nguyễn được đưa lên cao nguyên Đà Lạt. Những toa xe lửa của tuyến đường sắt răng cưa được đưa vào sử dụng để vận chuyển toàn bộ khối tài liệu này.

Từ đó đến nay, những tấm Mộc bản mà xưa kia là những bản gốc dùng để in ra các sách của triều đình đã được bảo quản tại thành phố cao nguyên này nhằm hạn chế những mất mát do thời tiết và duy trì độ bền của tài liệu đặc biệt này.

Hiện nay, Cục Văn thư và Lưu trữ nhà nước đã đầu tư xây dựng kho chuyên dụng bảo quản Mộc bản triều Nguyễn với những trang bị hiện đại vào bậc nhất Việt Nam. Ngày nay, đến Đà Lạt, du khách sẽ được chiêm ngưỡng những tấm Mộc bản quý hiếm này, bởi theo Chỉ thị số 05 của Thủ Tướng Chính phủ, để phát huy giá trị của tài liệu lưu trữ, Mộc bản đã được đưa ra trưng bày triển lãm phục vụ độc giả và khách tham quan. Việc Mộc bản triều Nguyễn được UNESCO công nhận là Di sản tư liệu thế giới đã góp phần nâng cao giá trị của di sản này.

Mộc bản triều Nguyễn – nguồn sử liệu vô giá

Khối tài liệu Mộc bản quý hiếm của triều Nguyễn đã được chỉnh lý khoa học, được phân loại thành các chủ đề khác nhau: lịch sử, địa lý, chính trị - xã hội, quân sự, pháp chế, Văn hóa – giáo dục, tôn giáo, tư tưởng triết học, ngôn ngữ - văn tự  với hơn 152 đầu sách, tổng số Mộc bản lên đến trên 30.000 tấm.

Trong số đó, có rất nhiều những tác phẩm nổi tiếng được biên soạn dưới triều Nguyễn như: các tác phẩm thơ văn ngự chế của các vua triều Nguyễn, các tác phẩm chính văn chính sử của vương triều… Riêng trong mảng lịch sử, có đến gần 30 bộ sách với gần 900 quyển, với nhiều những bộ sách quý như: “Đại Việt sử ký toàn thư”; “Đại Nam liệt truyện”; “Khâm định Đại Nam hội điển sự lệ”; “Ngự chế minh văn cổ khí đồ”… Tiêu biểu nhất là bộ Đại Nam thực lục với 6 kỷ được Viện Sử học dịch ra tiếng Việt với 10 cuốn. Đây là bộ sách biên soạn và khắc in gần 90 năm, về những sự kiên lịch sử và những hoạt động của nhà Nguyễn.

Có thể nói, Mộc bản của triều Nguyễn được lưu giữ đến ngày nay là những tài liệu rất có giá trị khi nghiên cứu về lịch sử triều Nguyễn nói riêng và lịch sử Việt Nam nói chung. Đây là những bảng gỗ khắc chữ ngược (âm bản) dùng để in sách viết bằng chữ Hán và chữ Nôm của người Việt Nam thế kỷ 19 và đầu thế kỷ 20, có nội dung khoa học phong phú và giá trị nghệ thuật điêu khắc cao. Được biết, trong hơn 100 đầu sách được lưu giữ đến ngày nay, có những bộ sách rất quý mà bản gốc (bản khắc gỗ) vẫn chưa được các nhà khoa học tiếp cận nghiên cứu.

Vì thế, vấn đề đặt ra là chúng ta không chỉ lưu trữ và bảo quản khối tư liệu này thật tốt, mà còn phải biết khai thác nội dung thông tin của mỗi một đầu sách để phát huy hết giá trị của tài liệu lưu trữ.

 Nguyễn Huy Khuyến

    Nguồn: Báo Dak Lak điện tử

    BÌNH LUẬN

      Hyundai Hoang Viet - Thang 3

      BÌNH LUẬN CỦA BẠN

      M03-Honda Daklak
      ĐỐI TÁC
      Lên đầu trang Đặt làm trang chủ