A01-T7 - Honda Daklak
Dangfarm - A02
Cho thuê nhà 29 Lê Hồng Phong

Lễ hội Ê-đê

10:28 | 26/12/2013

Trong một năm, người Ê-đê có nhiều lễ hội, cùng đó là những tập tục đẹp được duy trì từ thế hệ này đến thế hệ khác. Cộng đồng người Ê-đê cho dù ở tỉnh nào trên Tây Nguyên thì cũng đều có những lễ hội giống nhau, tập tục giống nhau, sự khác biệt là rấ

Trong các lễ hội của người Ê-đê, đáng chú ý là lễ hội K’pan, lễ hội cúng Thần Lúa và tục làm lễ trưởng thành.

Rượu cần trong ngày lễ trưởng thành
 

1. Lễ hội K’pan tượng trưng cho sự giàu có của gia đình và là niềm tự hào của cả buôn. "K’pan” là một chiếc ghế bằng gỗ nguyên khối dài khoảng 15m, rộng chừng 70cm, cao 45-50cm, dày chừng 7-8cm. Để làm được một chiếc K’pan tốt, người ta phải chọn loại một cây rừng lâu năm, cao, to, thẳng, thuộc loại gỗ tốt. Sau khi hạ được cây gỗ, người ta chung sức làm cả chục ngày mới xong một chiếc K’pan. Trong khi "thợ” đang làm, bà con trong buôn chủ động lo thịt trâu, thịt lợn, thịt gà, rượu... phục vụ. Vì thế đây là công việc mang tính đoàn kết cộng đồng rất cao.

Một nhà nào đó muốn làm một chiếc K’pan thì việc tìm và chặt cây phải được bàn định trước với gia đình bên vợ (vì với người Ê-đê cho tới ngày nay thì vai trò của người phụ nữ vẫn rất lớn), sau đó đẽo một mảnh vỏ cây nhỏ mang về cúng thần, xin được ngả cây. Ngày đi chặt cây phải dậy từ tinh mơ, phải chọn được ngày trong buôn phải không có đám tang. Đoàn đi chặt cây gồm 7 người, trong đó người quản lý luôn là anh hoặc em trai bên vợ. Còn dân trong buôn thì đi theo mang lương thực phục vụ.

Khi mang cây gỗ về nhà, người ta tiến hành đẽo thành hình chiếc K’pan, khâu rất quan trọng là chạm khắc nối những đường nét hoa văn tinh tế mang tính biểu tượng truyền thống. Khi K’pan hoàn thành, mọi người tập trung lại đưa ra cửa trước, đặt ghếch một đầu lên sàn nhà. Người chủ ăn mặc đẹp đi lại trên K’pan 7 lần để xua thần xấu.

Phụ nữ Ê Đê xã Ea Bar (huyện Sông Hinh, tỉnh Phú Yên) làm đàn đinh-tut

Sau đó, thanh niên trai tráng trong buôn khiêng K’pan vào gian khách, đặt dọc vách phía tây nhà. Lúc này, lễ cầu Giàng mới chính thức bắt đầu. Trong lễ, bao giờ cũng có rất nhiều rượu cần và thịt trâu. Người ta lấy tiết lợn pha rượu bôi dọc theo K’pan để yểm giữ tài sản cho chủ nhà. Sau đó, mọi người cùng nhau ăn mừng với chủ của K’pan.

Bà con Ê-đê vẫn thường bảo rằng, còn gì thích thú hơn khi tối đến lại tập trung bên bếp lửa bập bùng giữa ngôi nhà dài. Trên chiếc K’pan, mọi người trong gia đình, dòng họ cùng quây quần tấu lên những giai điệu cồng chiêng quen thuộc để tỏ lòng cùng với thần linh, buôn làng, giải trừ các ưu tư, lo lắng trong cuộc sống. Với người đàn ông Ê-đê, K’pan còn là nơi để họ ngả lưng nghỉ ngơi mỗi khi đi làm rẫy về và chờ vợ con dọn bữa cơm chiều kết thúc một ngày làm việc vất vả.

Chiếc K’pan là niềm tự hào của mỗi gia đình người Ê-đê

2. Lễ cúng Cơm mới của người Ê-đê chia làm 2 phần cơ bản: phần lễ cúng thần và phần hội ăn cơm mới. Phần ăn cơm mới được tổ chức theo từng gia đình. Nhà nào được mùa, điều kiện khá giả thì lễ ăn cơm mới được tổ chức thâu đêm suốt sáng. Tuy nhiên, người ta cũng mời bà con lân cận đến cùng chung vui. Lễ cúng cơm mới trong một buôn có thể kéo dài cả tháng, do nhiều gia đình tổ chức vào những ngày khác nhau. Theo già làng Ama Bích (buôn Tring, thị xã Buôn Hồ, tỉnh Đắk Lắk), trước kia mỗi năm đồng bào tổ chức lễ ăn cơm mới 2 lần, lần đầu vào khoảng tháng 8, tháng 9 sau khi thu hoạch giống lúa ngắn ngày; lần thứ 2 vào khoảng tháng 11, tháng 12 sau khi thu hoạch giống lúa dài ngày.

Đặc biệt, lễ cúng cơm mới hoàn toàn do người đàn ông đảm trách, từ việc chuẩn bị rượu cần, mổ heo, giết gà cho đến gánh nước, vào rừng chặt củi, mời khách. Phụ nữ thì chỉ giã gạo và tập trung cho việc sửa soạn váy áo thật đẹp. Lễ cúng cơm mới các gia đình tổ chức không trùng nhau là do lúa của từng nhà chín không đều nhau, gia đình nào lúa chín trước, tuốt lúa sớm thì ăn cơm mới sớm. Gia đình nào lúa chín muộn, tuốt lúa muộn thì ăn cơm mới muộn.

Nghi lễ ăn cơm mới của người đồng bào Ê-đê tại buôn Ea Anur (xã Pơng Drang, huyện Krông Buk, tỉnh Đắk Lắk)

Còn lễ trưởng thành được ghi nhận là một trong những nét văn hóa đặc sắc của người Ê-đê, là nghi thức bắt buộc đối với những người khi đến tuổi trưởng thành.

Việc tổ chức lễ trưởng thành với mỗi "công dân” phải được làm 5 lần, do cha mẹ chuẩn bị. Theo phong tục, lần đầu tiên cúng một ché rượu và một con gà. Lần thứ hai cúng ba ché rượu và ba con gà. Lần thứ ba cúng ba ché rượu và một con heo. Lần thứ tư cúng năm ché rượu và một con heo thiến (heo thiến phải lớn, phải đãi đủ bà con trong buôn làng ăn một bữa). Lần thứ năm cúng bảy ché rượu và một con heo thiến. Cũng chính vì khá tốn kém nên có nhiều người đàn ông dù đã lớn tuổi vẫn không được công nhận là đã trưởng thành, do không làm nổi lễ lần thứ năm. Trong lễ lần thứ năm, người đàn ông sẽ được già làng đeo cho một chiếc vòng tay, có nghĩa là buôn làng đã trao cho sức mạnh.

Tới nay, nhiều nơi bà con không còn giữ lễ này nữa, hoặc nếu còn thì cũng tổ chức đơn giản, không tốn kém.

BẮC PHONG (tổng hợp)

    Nguồn: Báo Đại Đoàn Kết

    BÌNH LUẬN

      BÌNH LUẬN CỦA BẠN

      ĐỐI TÁC
      Lên đầu trang Đặt làm trang chủ