A01-T7 - Honda Daklak
Dangfarm - A02
Cho thuê nhà 29 Lê Hồng Phong

Có một nghề đang dần… "chết"

07:51 | 28/10/2015

Trước đây, nghề sửa ti vi, thiết bị điện tử khá thịnh hành, giúp nhiều người ăn nên làm ra. Tuy nhiên, hiện nay do vắng khách nên nghề này đang dần… “chết”, nhiều người phải bỏ nghề hoặc chuyển sang nghề khác.

Lâu lắm mới có dịp ghé vào tiệm sửa chữa ti vi của ông Trần Đức Độ trong con hẻm nhỏ đường Nguyễn Văn Cừ, phường Tân Lập, TP. Buôn Ma Thuột tầm 10 giờ sáng, nhưng ông đang sửa… xe máy. Ông Độ phân trần: “Mấy năm nay, nghề sửa ti vi đói quá, phải làm thêm việc khác mới đủ sống”. Ông mở tiệm cách đây 20 năm và từ cái nghề này mà kiếm được thu nhập khá, có tiền mua đất, cất nhà. Không những thế, làm nghề này cũng chẳng nặng nhọc gì mà chỉ cần chút năng khiếu, sự chăm chỉ và cẩn thận. Khi mới vào nghề, do chưa có kinh nghiệm nên làm rất chậm, có khi vô tình làm máy hỏng nặng hơn, phải sửa cả tuần mới xong. Dần dần, đôi tay ngày càng lão luyện, chỉ kiểm tra sơ sơ, ông cũng biết được ti vi bị mất tiếng, mất màu, màn hình trắng hay lỗ chớp đèn để khắc phục một cách nhanh chóng. Theo ông, trước đây, ti vi, đầu đĩa, đài cassette là những thứ đắt tiền, phải khó khăn lắm mới mua được nên khi bị hỏng, người ta buộc phải đem đi sửa. Tuy nhiên, những năm gần đây, do các thiết bị điện tử đời mới giá rẻ, chất lượng tốt nên chẳng mấy khi bị hỏng, nếu không may hư hỏng, chủ nhân cũng thay mới chứ không đưa đi sửa, từ đó tiệm ngày càng vắng khách, có khi vài ngày chẳng có ai đưa đồ đến sửa. Trong khi đó, anh Nguyễn Văn Vinh, phường Thống Nhất, TP. Buôn Ma Thuột cũng đã gắn bó với nghề sửa ti vi từ năm 1995 và đang tính chuyện bỏ nghề. Với sở thích đồ điện tử, sau khi tốt nghiệp THPT, anh đi học nghề rồi vay tiền mở tiệm sửa chữa điện tử. Anh cho biết, những năm thuộc thập niên 1990 là giai đoạn hoàng kim của nghề sửa chữa điện tử, người thợ có việc thường xuyên, thu nhập cao. Từ khi hàng điện tử đủ các hãng tràn ngập thị trường, nghề này trở nên khó khăn. Theo anh, giá sửa một chiếc đầu đĩa khoảng 150.000 - 200.000 đồng, trong khi mua mới có loại giá chỉ khoảng 500.000 đồng, nên khi bị hư, ít người đưa đi sửa mà phần lớn mua máy mới. Trong khi đó, những loại ti vi đời mới đắt tiền, sử dụng màn hình led đều có bảo hành nên rất ít khi phải nhờ đến thợ sửa chữa điện tử, còn đài cassette hầu như chẳng còn ai sử dụng. Khi đang trò chuyện với chúng tôi, anh Vinh mừng ra mặt vì có người đem ti vi hãng Samsung đến sửa màn hình. Tuy nhiên sau khi kiểm tra, anh báo giá 800.000 đồng thì vị khách kia đem ti vi về bán đồng nát và mua cái mới.

Chủ tiệm sửa chữa đồ điện tử trên đường Nguyễn Du, TP. Buôn Ma Thuột.

Chủ tiệm sửa chữa đồ điện tử trên đường Nguyễn Du, TP. Buôn Ma Thuột.

Nghề sửa chữa ti vi, đồ điện tử không còn dễ kiếm sống nên nhiều người đã bỏ nghề, có người chỉ xem đây là nghề làm thêm. Anh Vinh cho biết, vì yêu cái nghề đã gắn bó với mình nhiều năm nên cố gắng duy trì tiệm đến chừng nào hay chừng đó, nhưng sắp tới có lẽ phải bỏ nghề chuyển sang làm việc khác để kiếm tiền nuôi gia đình. Trong khi đó, những người thợ muốn tiếp tục gắn bó với nghề cũng phải chật vật xoay xở, một số nhận làm bảo hành cho các cửa hàng điện máy hay mở bán thêm đồ điện tử như loa, âm ly, micro, đĩa nhạc..., có người thì không mở cửa tiệm thường xuyên, khi có khách thì mới đến sửa, những thợ trẻ thì mày mò tìm hiểu thêm về kỹ thuật sửa màn hình led, LCD, đầu kỹ thuật số HD. Những thợ sửa ti vi chia sẻ, chẳng ai muốn bỏ nghề vì đó là sở thích, là niềm vui của họ, nhưng vì miếng cơm manh áo cũng phải từ bỏ mà kiếm nghề khác. Suy cho cùng thì nghề sửa ti vi đã qua giai đoạn hoàng kim và sắp hết thời, có lẽ 5, 10 năm nữa chẳng còn nhiều người làm nghề này nữa.

Minh Thông

    Nguồn: Báo Dak Lak điện tử

    BÌNH LUẬN

      BÌNH LUẬN CỦA BẠN

      M03-Honda Daklak
      ĐỐI TÁC
      Lên đầu trang Đặt làm trang chủ