A01-T7 - Honda Daklak
Dangfarm - A02
Cho thuê nhà 29 Lê Hồng Phong

Còn nhiều khó khăn trong phòng chống tệ nạn mại dâm

14:00 | 30/10/2015

Tệ nạn mại dâm trên địa bàn tỉnh thời gian qua diễn biến phức tạp, tinh vi dưới nhiều hình thức với nhiều thành phần tham gia và sử dụng các kỹ thuật thông tin hiện đại… khiến công tác phòng chống mại dâm ngày càng khó khăn…

Theo thống kê của Chi cục Phòng chống tệ nạn xã hội (thuộc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội), hiện nay trên địa bàn tỉnh có 3.845 cơ sở kinh doanh các loại hình dịch vụ có điều kiện với khoảng 4.500 nữ nhân viên phục vụ. Trong đó có 75 cơ sở và khoảng 350 nhân viên nữ có dấu hiệu hoạt động, hành nghề mại dâm.

Trước tình hình trên, Chi cục Phòng chống tệ nạn xã hội đã chủ động, tích cực tổ chức phối hợp với các cơ quan thông tin truyền thông, tổ chức đoàn thể chính trị - xã hội về công tác tuyên truyền, phổ biến chính sách phòng, chống tệ nạn xã hội. Đôn đốc, hướng dẫn chính quyền các cấp trong tỉnh xây dựng và tổ chức triển khai thực hiện có hiệu quả Kế hoạch phòng, chống mại dâm năm 2015 tại cơ sở. Đồng thời, xây dựng và triển khai Kế hoạch mô hình thí điểm “Phòng ngừa mại dâm tại cộng đồng kết hợp thực hiện các biện pháp phòng ngừa, giảm tác hại về phòng chống HIV trong phòng, chống mại dâm” năm 2015 tại 2 phường Tân An và Tân Lập (TP. Buôn Ma Thuột) và đạt được một số kết quả bước đầu như: giúp đỡ người bán dâm phòng ngừa, trợ giúp làm giảm tổn thương, phòng, chống lây nhiễm HIV/ AIDS; tư vấn giáo dục kỹ năng sống, trợ giúp tái hòa nhập với cộng đồng. Chú trọng đến các hoạt động trợ giúp người bán dâm trong việc tiếp cận với các dịch vụ xã hội (giáo dục, dạy nghề, chăm sóc sức khỏe, thay đổi công việc…); giới thiệu, chuyển gửi đến các dịch vụ khám, điều trị HIV và các bệnh qua đường tình dục, tư vấn cho người bán dâm về học nghề, tìm việc làm, tiếp cận các nguồn vốn ưu đãi để ổn định cuộc sống… Kết quả thống kê 9 tháng năm 2015 cho thấy vẫn duy trì được 164 xã, phường, thị trấn lành mạnh không có tệ nạn mại dâm, đạt tỷ lệ 89%; duy trì được hoạt động có hiệu quả của 121 Đội công tác xã hội tình nguyện cấp xã trên địa bàn toàn tỉnh; thường xuyên xây dựng kế hoạch và triển khai tập huấn nâng cao năng lực cho các thành viên Đội công tác xã hội tình nguyện.

Các học viên tại Trung tâm Giáo dục Lao động Xã hội được học nghề may để sớm hòa nhập cộng đồng.

Các học viên tại Trung tâm Giáo dục Lao động Xã hội được học nghề may để sớm hòa nhập cộng đồng.

Trong 9 tháng qua, lực lượng liên ngành 178 của tỉnh đã tổ chức 18 lượt kiểm tra 88 cơ sở kinh doanh dịch vụ có điều kiện dễ phát sinh tệ nạn mại dâm trên địa bàn thành phố Buôn Ma Thuột; các huyện: Ea H’leo, Krông Pắc, Ea Kar, Ea Súp, Cư M’gar và thị xã Buôn Hồ. Trong đó có 8 cơ sở vi phạm pháp luật bị xử lý hành chính; 80 cơ sở bị nhắc nhở về chấp hành nội quy kinh doanh. Đồng thời, lực lượng công an các cấp cũng chủ động nắm tình hình phối hợp với Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự xã hội, đấu tranh, triệt phá 8 tụ điểm mại dâm, bắt 64 đối tượng gồm 8 chủ chứa, môi giới; 42 người bán dâm (trong đó Công an TP. Buôn Ma Thuột bắt 28 lượt người bán dâm đứng đường); 14 người mua dâm. Các cơ quan chức năng đã xử lý hình sự: khởi tố 7 vụ với 8 bị can là chủ chứa, môi giới mại dâm; xử lý hành chính 14 người bán dâm và 15 người mua dâm…

Theo đánh giá của cơ quan chức năng, 9 tháng năm 2015, hoạt động mại dâm ở khu vực thành phố Buôn Ma Thuột, các cơ sở kinh doanh dịch vụ nhạy cảm trên địa bàn tỉnh đã có xu hướng giảm về bề nổi, ít lộ liễu công khai, nhưng lại chuyển sang hoạt động trá hình rất tinh vi dưới nhiều hình thức, có nhiều thành phần tham gia và sử dụng các kỹ thuật thông tin hiện đại.  Công tác phòng, chống mại dâm vẫn chưa thực sự đạt kết quả như mong muốn và còn nhiều khó khăn, tồn tại như: Chính quyền địa phương cấp cơ sở chưa thực sự quan tâm, coi trọng đến công tác phòng, chống tệ nạn mại dâm; chưa chỉ đạo quyết liệt, liên tục đối với công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm và các hành vi vi phạm pháp luật hành chính liên quan đến mại dâm… Trong khi đó, Pháp lệnh phòng, chống mại dâm và các văn bản hướng dẫn thi hành hiện nay đã được ban hành hơn 10 năm, do vậy, một số quy định không còn phù hợp với thực tiễn, chưa đáp ứng yêu cầu về quản lý, đấu tranh, phòng ngừa mại dâm trong tình hình mới; chưa có cơ chế, chính sách pháp luật phù hợp cho việc thực hiện các biện pháp can thiệp giảm hại, hỗ trợ người bán dâm. Hiện nay, việc phòng, chống mại dâm tập trung vào các hoạt động phòng ngừa, kiểm tra các cơ sở kinh doanh dịch vụ dễ phát sinh tệ nạn mại dâm, trong khi đó, cơ quan chuyên trách là Chi cục Phòng, chống tệ nạn xã hội lại không có thẩm quyền xử phạt… nên hiệu quả phòng ngừa không cao, không đủ sức răn đe đối với các cơ sở kinh doanh dịch vụ vi phạm pháp luật về phòng, chống mại dâm.

Để tiếp tục đẩy lùi tệ nạn mại dâm trong 3 tháng cuối năm, Chi cục Phòng chống tệ nạn xã hội tỉnh, phối hợp với các ngành chức năng đã đưa ra một số giải pháp như: đẩy mạnh công tác tuyên truyền giáo dục đến với người dân; tiếp tục vận động và xây dựng xã phường lành mạnh không có tệ nạn mại dâm; tích cực lồng ghép các chương trình an sinh xã hội với các dịch vụ phòng ngừa, hỗ trợ tái hòa nhập cộng đồng cho các đối tượng mại dâm. Tăng cường công tác kiểm tra liên ngành phòng, chống tệ nạn mại dâm tại các cơ sở kinh doanh dịch vụ, các tụ điểm kinh doanh trá hình trên địa bàn tỉnh;...                          

Minh Quân

 

    Nguồn: Báo Dak Lak điện tử

    BÌNH LUẬN

      Hyundai Hoang Viet - Thang 3

      Khẩn trương ban hành Đề án tổ chức Lễ hội Cà phê Buôn Ma Thuột lần thứ 9

      Ngày 16/4, UBND tỉnh tổ chức cuộc họp nghe Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch báo cáo dự thảo Đề án Lễ hội Cà phê Buôn Ma Thuột lần thứ 9. Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Ngọc Nghị chủ trì cuộc họp.

      BÌNH LUẬN CỦA BẠN

      M03-Honda Daklak
      ĐỐI TÁC
      Lên đầu trang Đặt làm trang chủ