A01-T7 - Honda Daklak
Dangfarm - A02
Cho thuê nhà 29 Lê Hồng Phong

Phòng chống HIV/AIDS: Khó khăn với nữ giới

08:56 | 04/12/2015

Nếu vợ nhiễm HIV mà chồng không nhiễm HIV thì rõ ràng họ sẽ bị kỳ thị kép, vì họ hàng, gia đình, hàng xóm, người này người kia sẽ truy tìm “à cô này nhiễm HIV, cô này hư hỏng, hay cô sống không lành mạnh?”.

Diễu hành tuyên truyền phòng chống HIV/AIDS. (Nguồn: baobaclieu.vn).

Tỷ lệ nữ giới nhiễm HIV đang có chiều hướng tăng - là thông tin được đưa ra tại Hội thảo góp ý dự thảo báo cáo đánh giá nhanh về vấn đề giới trong chương trình phòng, chống HIV/AIDS, do Cục Phòng, chống HIV/AIDS (Bộ Y tế) phối hợp cùng UNWOMAN vừa thực hiện tại Hà Nội. Hội thảo đã đưa ra những góc nhìn khác nhau về tình hình HIV/AIDS tại Việt Nam, đặc biệt là vấn đề giới trong công tác phòng chống HIV/AIDS.

Tăng cường phòng chống HIV/ADIS

Bà Phan Thị Thu Hương - Phó Cục trưởng Cục Phòng, chống HIV/AIDS chia sẻ: Việt Nam (VN) là 1 trong những quốc gia có những công ước mạnh mẽ nhằm xóa bỏ tất cả những phân biệt đối xử đối với phụ nữ, đặc biệt là phòng chống HIV/AIDS cho nữ giới. Tuy nhiên bà cũng cho biết thêm, tỷ lệ nữ giới bị nhiễm HIV đã tăng rất nhanh trong thời gian qua. 

Theo số liệu đưa ra tại hội thảo: Năm 2013, VN báo cáo tỉ lệ lây nhiễm HIV toàn quốc ở người lớn tuổi từ 15-49 tuổi là 0,45% với số trường hợp báo cáo nhiễm HIV giảm trong khoảng năm 2007 và 2009, giữ ở khoảng 14.000 ca một năm trong năm 2010 và 2013. Số ca nhiễm HIV năm 2014 được báo giảm tuy nhiên dịch lại tăng lên trong nhóm phụ nữ.… 

Đại diện nhóm người yếu thế đến từ Hải Phòng cho rằng, tỷ lệ tăng đó có lí do từ khoảng trống trong công tác phòng và chống HIV: Thứ nhất, trong chương trình phân phát bơm kim tiêm chúng ta chưa phân chia và phân định được tỷ lệ tiếp cận của nam và nữ là bao nhiêu, để chúng ta có những can thiệp phù hợp. Chúng ta cũng chưa có mô hình riêng cho nhóm nữ nghiện chích ma túy và nữ hành nghề mại dâm nghiện chích ma túy. Thực tế nhóm nữ nghiện chích ma túy để tiếp cận rất khó, nguồn phân phát bơm kim tiêm chung cho các đối tượng cũng rất hạn chế.

Với chương trình bao cao su, thực tế thiếu hụt so với yêu cầu cũng đang tồn tại. Ví dụ ở Hải Phòng, trước kia phân phát bao cao su và bơm kim tiêm rất dồi dào, từ các nguồn dự án chương trình quốc gia. Nhưng đến nay giảm hẳn, đặc biệt là không có chương trình nào hỗ trợ về bao cao su nữ, để chị em dự phòng cho chính mình.

Về phòng chống, cũng có ý kiến liên quan đến vấn đề nâng cao nhận thức cho cán bộ y tế để không kỳ thị khi những người nhiễm HIV/AIDS đến các cơ sở y tế khám. Hiện tại bây giờ các chương trình đang hoàn toàn miễn phí dịch vụ rất tốt nhưng trong thời gian tới cũng sẽ là rào cản. Không phải phụ nữ nào cũng biết đến quyền sức khỏe sinh sản của phụ nữ.

Thông thường phụ nữ thường bị động trong quan hệ tình dục, can thiệp và dự phòng bao cao su chưa được đầy đủ, nên nhiều phụ nữ họ phải đến cơ sở y tế để nạo hút thai. Nhưng không phải cơ sở y tế nào cũng nạo hút thai cho vì họ bị nhiễm HIV...

Một vấn đề tồn tại nữa là bạo lực giới, có ý kiến đưa ra về động cơ che giấu. Với một người chồng bị nhiễm HIV thì có nhiều phù hợp, nhưng nếu vợ nhiễm HIV mà chồng không nhiễm HIV thì rõ ràng họ sẽ bị kỳ thị kép, vì họ hàng, gia đình, hàng xóm, người này người kia sẽ truy tìm “à cô này nhiễm HIV, cô này hư hỏng, hay cô sống không lành mạnh?”. Vấn đề này sẽ ảnh hưởng rất lớn đến tâm lý người nhiễm HIV. 

Người nhiễm HIV mong muốn gì?

Nhìn nhận thực tế ở VN, Giám đốc quốc gia UNAIDS Kristan chia sẻ: Việc VN thông qua Luật Bình đẳng giới năm 2006 đã tạo điều kiện cho các chương trình hoạt động phòng chống HIV/AIDS. 

Tuy nhiên, bà Kristan cũng cho rằng, công tác tuyên truyền về phòng chống HIV/AIDS vẫn còn nhiều sơ hở. Đơn cử như bí mật thông tin của phụ nữ bị HIV đi khám và lộ thông tin cá nhân là điều vô cùng ảnh hưởng đến cuộc sống của người đó.

“Đánh giá về giới là sự nhìn nhận rõ ràng về phụ nữ, em bé gái có khả năng bị nhiễm HIV sẽ là cơ hội quan trọng để chúng ta có cái nhìn toàn cảnh về phòng chống HIV/AIDS”. 

Kết quả đánh giá nhanh tại hội thảo cũng chỉ ra rằng, môi trường chính sách đối với HIV cho thấy nhiều chính sách vẫn đang thiếu cách tiếp cận hệ thống đối với vấn đề giới. Tuy các chính sách về bình đẳng giới đã đạt được một số kết quả nhất định nhưng bất bình đẳng giới vẫn còn tồn tại. Trong công tác phòng, chống HIV/AIDS, Luật Phòng, chống HIV năm 2006 là luật quan trọng nhất. Tuy nhiên bất chấp những nỗ lực đúng hướng trong công cuộc xoá bỏ tình trạng bất bình đẳng giới, thì vấn đề bất bình đẳng giới vẫn tồn tại.

Hội thảo cũng đưa ra một số khuyến nghị, trong đó có ý kiến lồng ghép giới một cách hệ thống vào tất cả các luật và chính sách HIV dựa trên những bằng chứng về tình hình HIV của VN; Tiến hành đánh giá các chương trình và chính sách giới của VN nhằm xác định các cơ hội giải quyết các quyền của phụ nữ đối với các vấn đề về tình dục và sinh sản, bạo lực trên cơ sở giới và HIV; Một tài liệu chính sách hoặc hướng dẫn nêu rõ sự tương quan giữa giới và HIV, và phát triển bộ chỉ số về giới mà có thể được thực hiện; Xây dựng năng lực cho đội ngũ cán bộ từ cấp Trung ương, tỉnh đến cấp huyện nhằm giải quyết các vấn đề về giới và HIV…

Trước các ý kiến đóng góp, đại diện Cục Phòng, chống HIV/AIDS (Bộ Y tế) cho biết, trong thời gian tiếp theo sẽ cùng UNWOMAN làm báo cáo về những góp ý, đồng thời truyền tải các góp ý như một thông điệp. 

    Phương Linh

    Nguồn: Daidoanket.vn

    BÌNH LUẬN

      BÌNH LUẬN CỦA BẠN

      M03-Honda Daklak
      ĐỐI TÁC
      Lên đầu trang Đặt làm trang chủ