A01-T7 - Honda Daklak
Dangfarm - A02
Cho thuê nhà 29 Lê Hồng Phong

Chăm sóc trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt: Những cách làm hay dựa vào cộng đồng

07:56 | 14/12/2015

Trong những năm qua, thực hiện Chương trình Quốc gia bảo vệ trẻ em, trên địa bàn tỉnh đã xuất hiện nhiều mô hình, câu lạc bộ (CLB) giúp đỡ các em vượt lên khó khăn, vươn lên trong cuộc sống.

Được thành lập từ tháng 7-2012, CLB Bảo vệ trẻ em dựa vào cộng đồng buôn Pu Huê, xã Ea Ktur (huyện Cư Kuin) đã trở nên quen thuộc với các em thanh thiếu nhi, đặc biệt là em gái và những em có hoàn cảnh khó khăn trong cuộc sống. Em H’Ngin B’tor, sinh năm 2003, bộc bạch: “Sinh hoạt tại CLB đã giúp em mạnh dạn hơn khi nói chuyện trước đám đông, hay tổ chức sinh hoạt văn nghệ, ca múa… Em cũng biết cách tự bảo vệ mình trước những người xấu”. Còn em Y Xuân Knul, sinh năm 2000, tâm sự: “Gia đình khó khăn, khi tham gia CLB được các cô chú thường xuyên động viên thăm hỏi, tặng quà; đầu năm học còn được tặng sách, vở nên em cảm thấy rất vui và có động lực để đến trường. Em còn có thêm các bạn để chia sẻ và học được nhiều điều hay từ những buổi sinh hoạt tại CLB”.

Các thành viên CLB Bảo vệ trẻ em dựa vào cộng đồng buôn Pu Huê trao đổi với các em gái tham gia CLB.

Các thành viên CLB Bảo vệ trẻ em dựa vào cộng đồng buôn Pu Huê trao đổi với các em gái tham gia CLB.

 Ông Y Nik Êban, Chủ nhiệm CLB cho biết, CLB hiện có 30 thành viên là đồng bào dân tộc thiểu số. Ngay từ khi thành lập, đội ngũ cộng tác viên CLB phối hợp với cán bộ xã thường xuyên tổ chức các buổi sinh hoạt cho các em. Nội dung sinh hoạt rất chú ý đến việc phổ biến Luật Bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em, Luật Phòng chống bạo lực gia đình, Luật Bình đẳng giới cũng như những kiến thức về giới tính… Ông Y Nik chia sẻ: “Luật thường khô cứng và khó thuộc nên tôi và các cộng tác viên thường lồng ghép những câu chuyện có thật, hình ảnh minh họa vui nhộn để các em dễ hiểu và tiếp thu nhanh hơn. Từ đó các em về kể lại cho người thân và bạn bè, đây cũng là một cách tuyên truyền gián tiếp nhưng rất hiệu quả. CLB cũng luôn theo sát, tìm hiểu hoàn cảnh gia đình của từng em để kịp thời đề xuất giải pháp giúp các em giải quyết những vấn đề đang gặp phải; tìm kiếm thông tin về các chương trình: mổ tim bẩm sinh, phẫu thuật sứt môi, hở hàm ếch… và thông báo đến từng hộ gia đình, giúp các em hưởng quyền lợi chính đáng. CLB cũng đã khuyên nhủ thành công 2 em bỏ học đi Bình Dương làm thuê, trở về nhà”.

Ông Lương Viết Gia, Phó Chủ tịch UBND xã Ea Ktur cho biết, hiện toàn xã có 61 trẻ em hoàn cảnh đặc biệt khó khăn. Các em luôn được chính quyền địa phương quan tâm và cùng với các đơn vị, doanh nghiệp trên địa bàn tặng quà, thăm hỏi, cũng như hỗ trợ một phần về điều kiện vật chất để khắc phục khó khăn vươn lên trong học tập và cuộc sống.

Còn ở phường Thành Công (TP. Buôn Ma Thuột), những năm trước đây, việc thanh thiếu niên vi phạm pháp luật và thanh thiếu niên có nguy cơ vi phạm pháp luật tăng khoảng 2%/năm đã khiến địa bàn này trở thành một điểm nóng. Trước tình hình đó, Công an tỉnh và thành phố đã thống nhất chọn phường Thành Công là đơn vị điểm để xây dựng mô hình “Phòng ngừa, quản lý, giáo dục, trợ giúp người chưa thành niên vi phạm pháp luật dựa vào cộng đồng dân cư”.

Đầu tiên, lãnh đạo phường đã phối hợp với lực lượng Công an chủ động xây dựng mô hình, thành lập Ban chỉ đạo, phân công triển khai thực hiện nhiệm vụ cho các thành viên và đưa mô hình vào Nghị quyết của HĐND để chỉ đạo thực hiện. Các hoạt động được triển khai như: khảo sát phân loại đối tượng, tổ chức tuyên truyền giáo dục pháp luật cho trẻ em chưa ngoan, tuyên truyền về bảo vệ trẻ em ở cộng đồng dân cư… Ông Phạm Văn Long, Phó Bí thư Đảng ủy phường Thành Công cho biết, ngày mới thành lập mô hình vào tháng 11-2012, trên địa bàn phường có hơn 20 em vi phạm pháp luật và có nguy cơ cao vi phạm pháp luật. Thông qua tìm hiểu, đa phần các em thiếu sự quan tâm của gia đình, người thân do bố mẹ ly dị, nuông chiều con cái, đi làm ăn xa, bỏ mặc cho xã hội…, từ đó nhiều em đua đòi, bỏ học, tụ tập chơi bời hoặc nghe kẻ xấu lôi kéo dẫn đến vi phạm pháp luật… Sau khi nắm bắt từ thực tế, Ban chỉ đạo cùng các cộng tác viên phối hợp với từng tổ dân phố đưa ra một số phương pháp tiếp cận, gặp gỡ làm quen, ân cần hỏi thăm như những người hàng xóm, tạo mối quan hệ tốt trước khi quản lý, giáo dục các em nhằm đạt hiệu quả cao. Bên cạnh đó, các cấp cũng thường xuyên thăm hỏi từng gia đình động viên các em học tập, học nghề, phụ giúp gia đình… phấn đấu trở thành “con ngoan, trò giỏi”, công dân tốt của xã hội.

Đến nay phần lớn các em đã có những chuyển biến tích cực, tình hình trẻ em vi phạm pháp luật, gây mất trật tự an ninh trên địa bàn phường Thành Công đã giảm rõ rệt, Thiếu tá Đoàn Minh Trung, Phó Trưởng Công an phường cho hay: “Sau 4 năm thực hiện, mô hình đã tư vấn can thiệp trợ giúp 23 em trở lại hòa nhập cộng đồng, hỗ trợ 1 em được vay vốn phát triển kinh tế, 2 em đi học nghề, trong đó một em đã có việc làm. Phần nhiều các em đã trở lại đi học và không tham gia băng nhóm quậy phá. Gia đình các em cũng rất phấn khởi trước sự quan tâm của cộng đồng, nhất là cộng tác viên mô hình, từ đó họ có trách nhiệm hơn trong phối hợp thực hiện mô hình này”.

Bà Từ Thị Khanh, Trưởng Phòng Bảo vệ và Chăm sóc trẻ em (Sở LĐ-TB&XH) cho rằng, với những kết quả của các mô hình CLB trợ giúp trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt dựa vào cộng đồng, có thể nhận thấy, ở những địa phương mà các cấp ủy đảng, chính quyền triển khai bằng kế hoạch cụ thể hằng năm, có phân bổ nguồn lực, phân công cán bộ phụ trách và thường xuyên kiểm tra, giám sát, đánh giá thì ở cơ sở đó công tác phối hợp, nhận thức của người dân về bảo vệ trẻ em tốt hơn, trẻ em được bảo vệ, các quyền trẻ em được bảo đảm và ít có những vấn đề nổi cộm, phức tạp…

 Hoàng Gia

 

 

    Nguồn: Báo Dak Lak điện tử

    BÌNH LUẬN

      BÌNH LUẬN CỦA BẠN

      M03-Honda Daklak
      ĐỐI TÁC
      Lên đầu trang Đặt làm trang chủ