A01-T7 - Honda Daklak
Dangfarm - A02
Cho thuê nhà 29 Lê Hồng Phong

Làm hại giống nòi

08:29 | 21/12/2015

Liên tục trong thời gian gần đây, ngày nào các cơ quan chức năng cũng phát hiện, bắt các vụ buôn bán, vận chuyển thực phẩm bẩn, ôi thiu, chất cấm lưu hành trên thị trường....

...Ai cũng biết những thứ gọi là hàng hóa kia vô cùng độc hại, triệt hạ không chỉ sức khỏe của mọi người dân trong bữa ăn hàng ngày, gây những căn bệnh nan y, mà còn di chứng tới mai sau, hại giống nòi, chẳng khác hành vi giết người. Vì sao tình trạng này vẫn không ngăn chặn được?

Thực phẩm bẩn vẫn vô tư lưu hành trên thị trường.

Ngày 18/12, trên Quốc lộ 1A thuộc địa phận huyện Thường Tín (TP. Hà Nội), Tổ công tác của Đội CSGT số 8 - Phòng CSGT (Công an TP Hà Nội) đã phát hiện xe ô tô BKS 29C-411.69 chở khoảng một tấn da trâu, bò và nội tạng đang bốc mùi hôi thối nồng nặc. Lái xe khai nhận đã gom mua số hàng trên mang về bảo quản rồi vận chuyển đi tiêu thụ.

Trước đó, ngày 14/12, Phòng cảnh sát phòng chống tội phạm về môi trường (PC49) TP Hà Nội, phối hợp với Đội quản lý thị trường số 6 phát hiện hơn 1 tấn hàng hóa thực phẩm gồm tim lợn, chân gà, mề gà... đông lạnh được đóng thùng đã hết hạn sử dụng, thâm đen, bốc mùi hôi thối tại kho hàng của Công ty cổ phần kinh doanh và chế biến thực phẩm Hà Nội.

Cũng trong ngày này, Cảnh sát môi trường TP Đà Nẵng đã phải đình chỉ một cơ sở sản xuất mỡ nước không có giấy phép kinh doanh ở gần bãi rác Khánh Sơn (phường Liên Chiểu). Hàng tạ mỡ đang chế biến không rõ nguồn gốc, hôi thối để dưới nền nhà, và gần tấn mỡ tươi tồn trữ. Được biết mỡ nước sau khi chế biến ở đây được chuyển đến các nhà hàng, bếp ăn, quán xá.v..v..

Còn ở TP HCM, cơ quan chức năng cũng mới phát hiện tại một kho chứa của một công ty có đến 5 tấn đường hóa học. Chỉ một hạt đường này đã đủ làm ngọt đến 30 lít nước. Không biết đã có bao nhiêu nhà hàng, người dân mua về chế biến thức ăn, nấu chè, làm bánh...

Đây cũng chỉ mới là một vài vụ điển hình cơ quan chức năng phát hiện, tại những cơ sở, công ty có tên tuổi hẳn hoi. Người ta tự hỏi, liệu đã có bao nhiêu tấn lòng thối, mỡ bẩn, đường hóa học khác được chế biến, luồn lách trót lọt, đưa ra thị trường, vào các nhà hàng, khách sạn, quán cơm...nhiều năm qua. Những tấn lòng thối, mỡ bẩn kia, khi đã được chế biến thì bỗng trở nên thơm lừng để đánh lừa, chui vào hàng ngàn, hàng vạn dạ dày khách hàng, sẽ gây ra đủ những thứ bệnh tật ngấm ngầm, giết dần, giết mòn sức khỏe người dân.

Chuyện ô nhiễm thực phẩm, hiện nay đã không còn là chuyện cảnh báo vu vơ mà quá báo động. Nó đã hiển hiện thực tế, đe dọa mạng sống con người hàng ngày, hàng giờ. Chẳng kể những món ăn đã qua chế biến từ nhà hàng, quán cơm mà người ăn không thể biết thịt lấy ở đâu, rán mỡ nào,đường gì... mà ngay cả những miếng thịt, cân xương tươi rói vừa giết mổ xong, đưa vào nồi nước đun lên đã đen sì, ngầu bọt, khiến người ta hoang mang.

Không ít người dân luôn dằn vặt, trước ngồn ngộn các loại thực phẩm, hoa quả nhìn thì tươi rói mà không biết ăn gì, mua gì? Nhìn miếng thịt lợn nạc ngon ai dám bảo là lợn sạch, không có chất salbutamol- chất tạo nạc. Cũng nhìn con gà vàng ươm, ai dám chắc đây không phải gà nuôi, tạo màu từ chất vàng ô...Với những quầy đu đủ, chuối...chín thơm kia ai dám chắc đó không được tẩm ướp hóa chất độc hại? Vô tình, hay hồn nhiên người dân ăn hàng ngày, đưa hóa chất vào cơ thể, những thứ không thể đào thải, gây ra các loại bệnh trọng như ung thư, vô sinh... 

Ai cũng biết việc buôn bán, vận chuyển, sử dụng những thực phẩm bẩn kia sẽ gây hậu quả vô cùng nghiêm trọng đối với con người. Không chỉ độc hại với người dùng trực tiếp, thậm chí còn gây hại đến cả đời con cháu. Đây chẳng khác gì một kiểu giết người. Tình trạng này gây tư tưởng hoang mang cho người dân, giết dần, giết mòn nền kinh tế lành mạnh. Tuy nhiên cho đến nay các cơ quan chức năng cũng còn hết sức lúng túng, chưa có cách ngăn chặn triệt để.

Luật pháp đã có các quy định rõ về an toàn thực phẩm. Khoản 1, Điều 6 Luật An toàn thực phẩm năm 2010 quy định: “Tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh thực phẩm vi phạm pháp luật về an toàn thực phẩm thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm mà xử lý vi phạm hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự, nếu gây thiệt hại thì phải bồi thường và khắc phục hậu quả theo quy định của pháp luật”.

Điều 244 Luật Hình sự năm 1999 quy định Tội vi phạm quy định về vệ sinh an toàn thực phẩm: “1. Người nào chế biến, cung cấp hoặc bán thực phẩm mà biết rõ là thực phẩm không đảm bảo tiêu chuẩn vệ sinh an toàn, gây thiệt hại cho tính mạng hoặc gây thiệt hại nghiêm trọng cho sức khỏe của người tiêu dùng, thì bị phạt tù từ một năm đến năm năm; 2.Phạm tội gây hậu quả nghiêm trọng thì bị phạt tù từ ba đến mười năm; 3.Phạm tội gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng thì bị phạt tù từ bảy năm đến mười lăm năm; 4.Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ năm triệu đồng đến năm mươi triệu đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ một năm đến năm năm”.

Tuy nhiên đa số các vụ việc phát hiện mới chỉ xử lý hành chính, phạt tiền, còn thực phẩm bẩn, hóa chất bẩn thì tiêu hủy. Việc xử lý này không chỉ chưa đủ sức răn đe đối với các đối tượng phạm pháp mà xã hội, Nhà nước còn mất một nguồn ngân sách đáng kể để tiêu hủy những sản phẩm độc hại kia.

Cần phải mạnh tay với vi phạm an toàn thực phẩm. Nếu người quản lý thực thi không mạnh tay, còn xử nhẹ, không triệt từ gốc thì chẳng khác nào dung túng, tiếp tay cho loại tội phạm này làm hại dân, triệt hạ giồng nòi.  

 Kiên Long

_________________________________________________________

    nguồn.nld.com.vn

    BÌNH LUẬN

      BÌNH LUẬN CỦA BẠN

      M03-Honda Daklak
      ĐỐI TÁC
      Lên đầu trang Đặt làm trang chủ