A01-T7 - Honda Daklak
Dangfarm - A02
Cho thuê nhà 29 Lê Hồng Phong

Xuất hiện tình trạng rắn lục đuôi đỏ tấn công người dân

10:21 | 23/12/2015

Thời gian qua, trên địa bàn tỉnh xảy ra nhiều trường hợp bị rắn lục đuôi đỏ cắn phải nhập viện. Theo ghi nhận của Khoa Hồi sức tích cực - chống độc, Bệnh viện Đa khoa tỉnh, ...

... từ khoảng tháng 9-2015 đến nay, bình quân cứ mỗi ngày có 1 trường hợp nhập viện do loài rắn này cắn, trong đó, các nạn nhân chủ yếu là những người đi thu hoạch cà phê.

Đã nằm điều trị tại Khoa được một tuần nhưng em H’Ly Sa (buôn Kđoh, xã Pơng Đrang, huyện Krông Búk) vẫn chưa thể xuất viện do chân còn bị sưng và phải theo dõi thêm. Em cho biết, sáng ngày 6-12 khi cùng gia đình lên rẫy hái cà phê, đang loay hoay kéo bạt vào gốc cà phê thì nghe nhói ở dưới chân. Thả bạt nhìn xuống thì thấy cạnh chân là một con rắn xanh lè đang ngo ngoe bỏ chạy, vết thương ở chân đang rỉ máu. Gia đình nhanh chóng đưa em vào bệnh viện tuyến huyện, được hai ngày thì thấy chân bị rắn cắn càng sưng to nên đưa lên Bệnh viện Đa khoa tỉnh để điều trị. Một trường hợp khác, anh Nguyễn Thành Khôi (khối 6, phường Thắng Lợi, TP. Buôn Ma Thuột) đang chăm sóc cho con trai Nguyễn Anh Khuê (9 tuổi) bị rắn cắn vừa nhập viện được 1 ngày. Anh cho biết, chiều ngày 13-12, trong lúc Khuê chơi trốn tìm với em trong vườn, cháu Khuê chui vào bụi cây không may bị rắn cắn, gia đình nhanh chóng đưa em vào đây cấp cứu, hiện bác sĩ đang truyền nước và huyết thanh kháng độc rắn cho cháu.

Bác sĩ Khoa Hồi sức tích cực - chống độc  đang kiểm tra vết thương rắn cắn ở chân  cho bệnh nhân H’Ly Sa.

Bác sĩ Khoa Hồi sức tích cực - chống độc đang kiểm tra vết thương rắn cắn ở chân cho bệnh nhân H’Ly Sa.

Bác sĩ điều trị Nguyễn Thị Chung, Khoa Hồi sức tích cực - chống độc, Bệnh việc Đa Khoa tỉnh cho biết, các bệnh nhân khi nhập viện được theo dõi các triệu chứng lâm sàng, nếu nhẹ thì theo dõi diễn tiến sức khỏe cho đến khi khỏi, còn nặng sẽ được truyền huyết thanh kháng độc rắn; truyền dịch để người bệnh tăng cường thải độc qua đường tiểu. Đến nay, Bệnh viện chưa ghi nhận ca tử vong nào do rắn lục đuôi đỏ cắn. 

Bác sĩ Chung cho biết, dấu hiệu khi bị rắn lục cắn là chỉ sau vài phút tại vết cắn sẽ bị sưng nề nhanh, đau nhức nhiều kèm theo tại chỗ cắn máu chảy liên tục không tự cầm. Sau khoảng 6 giờ phần tổn thương sưng nề lan rộng từ vết cắn có thể đến gốc chi dẫn đến toàn chi sưng to, đau nhức, tím, xuất huyết dưới da, xuất huyết trong cơ; có thể có bọng nước, xuất huyết trong bọng nước. Nọc độc của rắn lục đuôi đỏ không tác động lên hệ thần kinh mà thường tác động lên hệ tuần hoàn, gây rối loạn hệ tuần hoàn, có thể gây hoại tử da thịt, nếu không biết cách sơ, cấp cứu kịp thời sẽ gây rối loạn đông máu dẫn đến tử vong. Khi có người bị rắn cắn, cần động viên, trấn an để người bệnh đỡ lo lắng hốt hoảng, không để họ tự đi lại; dùng nước sạch rửa vết thương rắn cắn, tuyệt đối không chích, rạch ở vết thương, vì như thế sẽ làm chất độc phát tán nhanh hơn đến các bộ phận khác của cơ thể. Sau đó, nhanh chóng bất động chi bị rắn cắn, có thể bằng nẹp, miếng gỗ, que, bìa cứng... để cố định vết thương. Nếu bị cắn ở tay thì cố định bàn tay, cẳng tay, dùng khăn hoặc dây treo quàng lên cổ người bệnh. Trường hợp bị cắn ở chân thì cố định bàn chân, cẳng chân, đùi. Sau đó, khẩn trương đưa bệnh nhân đến cơ sở y tế có đủ điều kiện cấp cứu. Bộ Y tế cũng đã có khuyến cáo, để phòng ngừa rắn độc cắn cần phát quang bờ cây bụi rậm quanh nhà, không bắc giàn hoa, dây leo… ở sân trước nhà, trồng sả hoặc rắc bột lưu huỳnh quanh nhà là những biện pháp xua đuổi rắn có thể và nên áp dụng nhất là ở những vùng có nhiều rắn. Khi vào rừng hoặc những nơi nghi có rắn lục phải đội mũ rộng vành, mặc quần áo dài, đi giày cao cổ và nên khua gậy xua đuổi rắn.

Vạn Tiếp

 

    Nguồn: Báo Dak Lak điện tử

    BÌNH LUẬN

      BÌNH LUẬN CỦA BẠN

      M03-Honda Daklak
      ĐỐI TÁC
      Lên đầu trang Đặt làm trang chủ