A01-T7 - Honda Daklak
Dangfarm - A02
Cho thuê nhà 29 Lê Hồng Phong

Giải oan cho chất kích thích trái cây mau chín

07:39 | 30/12/2015

Nhiều nhà khoa học có tên tuổi trong ngành nông nghiệp đã khẳng định chất Ethephon giúp trái cây mau chín không gây hại tới sức khỏe người tiêu dùng.

Nông dân ĐBSCL thu hoạch thanh long (Ảnh minh họa cho bài)

Trong thời gian qua, những thông tin cho rằng nông dân dùng chất Ethephon chín trái cây làm ảnh hưởng tới người tiêu dùng, đã gây ảnh hưởng không nhỏ tới việc tiêu thụ, XK nhiều sản phẩm quả, củ Việt Nam.

Trước tình hình đó, ngày 28/12, Hiệp hội Doanh nghiệp Trang trại Nông nghiệp Nông thôn Việt Nam cùng Hội Doanh nghiệp Hàng Việt Nam chất lượng cao đã tổ chức buổi tọa đàm về vấn đề này. Tại buổi tọa đàm, nhiều nhà khoa học có tên tuổi trong ngành nông nghiệp đã khẳng định Ethephon không gây hại tới sức khỏe người tiêu dùng.

GS.TS Nguyễn Quang Thạch, Chủ tịch Hội đồng Khoa học của Viện Sinh học Nông nghiệp, cho biết, từ lâu các nước trên thế giới đã sử dụng rộng rãi Ethephon trong ngành trồng trọt cả trong và sau thu hoạch để kích thích sự chín đều và đồng loạt của các loại quả, tạo điều kiện thuận lợi hơn cho việc thu hoạch.

Trong Ethephon có Ethylen là một hormon thực vật dạng khí với nhiều hoạt tính. Ethylen điều khiển quá trình sinh trưởng của quả, sự sinh trưởng 3 chiều, già hóa, sự rụng lá và phản ứng với stress. Ethylen là nguyên nhân thúc đẩy quá trình hô hấp khiến cho quả chín.

Trong thực tế sản xuất nông nghiệp hiện nay, Ethylen ở dạng khí được sử dụng rất rộng rãi để giấm chín quả. Chẳng hạn, cách thắp vài nén nhang để giấm chín quả chuối theo kinh nghiệm dân gian, chính là giấm chín bằng Ethylen. Bởi Ethylen khí được sinh ra sẽ xâm nhập vào quả và làm chín quả. Những loại quả hô hấp bột phát đều có thể giấm chín bằng Ethylen, như chuối, xoài, cà chua, bơ, đu đủ, hồng, dưa lưới, táo, mận…

Các nghiên cứu khoa học trên thế giới cho thấy không có báo cáo nào về độc tính của Ethylen đối với con người hay động vật đối với các nguồn phơi nhiễm. Các nghiên cứu ở chuột cho thấy Ethylen không ảnh hưởng đến khà năng sinh sản của chuột đực và chuột cái.

Cơ quan quốc tế về nghiên cứu ung thư (IARC) kết luận không có bằng chứng chứng về khả năng gây ung thư của Ethylen. Kết luận từ báo cáo của OECD khuyến cáo không cần phải tiến hành các nghiên cứu về độc tính của Ethylen.

Vì vậy, trên thế giới hiện bkhông có một điều luật nào nghiêm cấm việc sử dụng Ethylen để giấm chín trái cây. Tuy nhiên, cần phân biệt Ethylen với Acetylen (có trong đất đèn) vì chất này sản sinh ra Phosphine là chất gây ung thư. Do đó, GS.TS Nguyễn Quang Thạch khuyến cáo không nên sử dụng đất đèn để giấm chín trái cây, mà nên dùng Ethephon.

Cũng theo GS.TS Nguyễn Quang Thạch, để đảm bảo an toàn tuyệt đối cho người tiêu dùng, khi giấm chín trái cây bằng Ethylen không nên dùng theo dạng xông, tức là làm buồng kín, để Ethephon trong đó rồi nhỏ vào vài giọt kiềm để giải phóng Ethylen. Ethylen được giải phóng sẽ làm chín trái cây trong buồng.

Còn nếu không có điều kiện làm buồng kín, có thể nhúng trái cây vào dung dịch Ethephon. Trong dung dịch này, sẽ có cả những hoạt chất khác, nhưng đều ở ngưỡng an toàn đối với sức khỏe con người.

TS Nguyễn Đăng Nghĩa, GĐ Trung tâm Nghiên cứu và Tư vấn nông nghiệp nhiệt đới, cũng khẳng định hợp chất Ethephon không độc như mọi người nghĩ. Chất này đã được thế giới sử dụng phổ biến trong trồng trọt, có tác dụng điều hòa sinh trưởng cây trồng, thúc hoa quả chín nhanh, chín đều, qua đó giảm mạnh được công và chi phí thu hoạch. Mới đây, TS Nghĩa cùng các cộng sự đã dùng Ethephon ở vùng cam Cao Phong (Yên Bái), giúp cho cây ra hoa trái mùa, quả nhiều và chín nhanh, chín đều một cách rất hiệu quả.

TS Trần Hạnh Phúc, Viện Sinh học Nhiệt đới, cho biết cách đây 20 năm, Nhà nước đã cho tiến hành dự án “Chuyển giao sản xuất thử nghiệm và ứng dụng chế phẩm Ethephon từ CHLB Nga vào Việt Nam”.

Kết quả nghiên cứu của Dự án được các Hội đồng nghiệm thu đánh giá cao và cho phép triển khai ứng dụng với các ứng dụng chính là: Sử dụng Ethephon để điều khiển quá trình ra hoa kết trái của cây trồng theo ý muốn của nhà nông nhằm rải vụ và nghịch vụ các loại cây trái để tránh trái cây chín tập trung trong một thời gian quá ngắn, thất thoát nhiều và bị rớt giá, nhằm phục vụ cho xuất khẩu quanh năm như xoài, nhãn, thanh long…; sử dụng hiệu quả cho công nghệ sau thu hoạch, tạo ra sản phẩm đẹp, đồng đều, chống thất thoát, chất lượng tốt đạt tiêu chuẩn xuất khẩu và trái cây Việt có khả năng cạnh tranh được với trái cây của các nước trong khu vực.

Ở nước ta, Ethephon đã được được phép sử dụng trong phân bón và điều này được ghi rõ trong Danh mục các chất điều tiết sinh trưởng được phép sử dụng trong phân bón ban hành kèm theo Thông tư số 36/2010/TT-BNNPTNT ngày 24/6/2010 của Bộ trưởng Bộ NN-PTNT.

Tuy nhiên, các cơ quan chức năng cũng cần có những khuyến cáo để nông dân sử dụng Ethephon đúng cách. TS Nguyễn Đăng Nghĩa cho rằng không nên dùng Ethephon ép chín trái cây một cách quá nhanh. Thay vì ép chín một ngày thì nông dân nên sử dụng liều lượng ít cho quá trình chín kéo dài ba bốn ngày.

Còn theo đại diện của Viện CĂQ Miền Nam, do ở Việt Nam, việc ghi nhãn không rõ ràng, vì thế với nông dân tốt nhất là nên hướng dẫn họ thu hoạch sao cho đúng độ chín của quả. Không nên khuyến khích nông dân nhúng quả vào dung dịch Ethephon, bởi sau khi nông dân nhúng xong rồi bán lại cho các vựa, đại lý thì những nơi này do không biết nông dân đã nhúng, lại có thể nhúng tiếp, khiến cho hàm lượng Ethephon trên quả tăng cao.

Các cơ quan quản lý Nhà nước cũng cần tăng cường quản lý chất điều hòa sinh trưởng trên thị trường để loại trừ những hợp chất Ethephon không rõ nguồn gốc, chất lượng, được nhập lậu từ Trung Quốc.

Ông Nguyễn Lâm Viên, Chủ tịch HĐQT Cty Vinamit, cho biết, trong năm 2015, khi ở nước ta rộ lên thông tin giấm chính trái cây bằng Ethephon gây hại cho sức khỏe, nhiều nước đã đưa nhiều sản phẩm củ, quả từ Việt Nam vào danh sách phải kiểm tra nghiêm ngặt về ATTP giống như với nông sản có nguồn gốc từ Trung Quốc.

Ở nhiều thị trường như Bắc Mỹ, châu Á, thậm chí cả Trung Quốc, đã có dấu hiệu người tiêu dùng dè dặt hơn với sản phẩm củ, quả đến từ Việt Nam.

Vì thế, nếu vẫn NK sản phẩm từ Việt Nam, nhiều nhà nhập khẩu đã buộc phải mua bảo hiểm ở mức cao cho người tiêu dùng nước họ, vì thế họ phải ép giá mua sản phẩm của Việt Nam xuống. Thậm chí nhiều nhà NK còn khuyên doanh nghiệp Việt Nam đưa hàng sang một doanh nghiệp trung gian ở một nước thứ 3, rồi từ nước này đưa về nước nhập khẩu để tránh tiếng hàng có nguồn gốc từ Việt Nam.

 

THANH SƠN

    Nguồn: nongnghiep.vn

    BÌNH LUẬN

      BÌNH LUẬN CỦA BẠN

      M03-Honda Daklak
      ĐỐI TÁC
      Lên đầu trang Đặt làm trang chủ