A01-T7 - Honda Daklak
Dangfarm - A02
Cho thuê nhà 29 Lê Hồng Phong

Cảnh giác với những chiêu thức của bán hàng đa cấp

07:59 | 11/04/2016

Thổi phồng, hứa hẹn về nhiều khoản lợi ích kinh tế hấp dẫn và sẽ có thu nhập lớn hơn rất nhiều so với số vốn phải bỏ ra ban đầu, bằng chiêu thức ấy, ...

... thời gian qua nhiều doanh nghiệp bán hàng đa cấp (BHĐC) đang hoạt động trên địa bàn tỉnh đã lôi kéo hàng nghìn người tham gia với mục đích lừa đảo, chiếm đoạt tài sản, trục lợi…

Lộ mặt lừa đảo

Từ tháng 4-2015, Trung tâm hỗ trợ người nghèo trong phát triển nông thôn mới bắt đầu hoạt động trên địa bàn Đắk Lắk và tháng 8-2015 mở văn phòng đại diện tại 190 Lê Thánh Tông do ông Lê Viết Hải làm đại diện. Trong quá trình hoạt động, Trung tâm này đã triển khai chương trình “Trái tim Việt Nam” với mục tiêu “chung tay vì cộng đồng, hỗ trợ người nghèo trong phát triển nông thôn mới” thông qua hình thức huy động người tham gia đóng góp tiền vào Trung tâm. Tuy nhiên trên thực tế đây chỉ là hoạt động huy động vốn theo phương thức đa cấp. Để trở thành hội viên của Trung tâm, người tham gia phải đóng góp tối thiểu từ 1,2 triệu đồng (tương đương 1 mã) và ký “đơn tự nguyện tham gia” chương trình Trái tim Việt Nam, sau đó được Trung tâm hứa hẹn trong vòng 8-10 tháng sẽ hỗ trợ lại 5,4 triệu đồng; đồng thời khi giới thiệu, kêu gọi càng nhiều người tham gia sẽ được nhận 500 nghìn đồng/người. Tính đến tháng 11-2015, Trung tâm đã thu hút khoảng hơn 500 người tham gia, số tiền thu được hơn 2,5 tỷ đồng. Tuy nhiên, số tiền trên được đóng góp theo hình thức “đơn tự nguyện”  vì vậy Trung tâm không có ràng buộc trách nhiệm pháp lý với người tham gia, dẫn đến quyền lợi và tài sản của người dân không được bảo đảm, khó có khả năng thu hồi.

Gần đây nhất, tháng 2-2016, Cơ quan Cảnh sát điều tra – Bộ Công an tiến hành bắt giữ Lê Xuân Giang và các lãnh đạo Công ty Cổ phần Liên kết sản xuất thương mại Việt Nam (gọi tắt là Liên Kết Việt) vì có hành vi lừa đảo trong hoạt động BHĐC. Qua khai nhận, chỉ trong 1 năm, Liên Kết Việt đã lừa đảo khoảng 1.900 tỷ đồng của hơn 60.000 người tham gia tại 27 tỉnh thành, trong đó có Đắk Lắk. Kết quả xác minh ban đầu cho biết, tại Đắk Lắk, Liên Kết Việt đã mở trụ sở và hoạt động “chui” tại A12 Thăng Long, TP. Buôn Ma Thuột. Từ tháng 3-2015 cho đến trước thời điểm bị bắt giữ, các đối tượng đã lôi kéo hàng trăm người tham gia, đóng hơn 2.000 mã hàng, chiếm đoạt hơn 16 tỷ đồng.

Đầu tháng 4-2016, qua theo dõi trên các phương tiện truyền thông, kết quả điều tra ban đầu của cơ quan chức năng cho thấy tại tỉnh Thừa Thiên Huế các cơ sở kinh doanh đa cấp thuộc Công ty TNHH Thiên Ngọc Minh Uy có dấu hiệu lừa đảo. Nhiều người dân ở đây đã có đơn tố cáo gửi đến Sở Công thương tỉnh này về việc Thiên Ngọc Minh Uy đã lừa đảo họ khi họ yêu cầu rút lại tiền đã đóng thì bị công ty từ chối. Cách thức hoạt động của Thiên Ngọc Minh Uy là khi tham gia vào mạng lưới, khách hàng sẽ phải nộp số tiền 11,8 triệu đồng cho mỗi mã, sau 2 năm, không cần làm gì vẫn nhận được 25 triệu đồng. Với lãi suất hơn 200% cho mỗi mã, đã có hàng trăm người tham gia vào các mạng lưới này, với mức đóng từ vài chục triệu đồng đến vài tỷ đồng.

Lớp huấn luyện, đào tạo nhân viên của một công ty hoạt động theo mô hình  bán hàng đa cấp tại TP. Buôn Ma Thuột. Ảnh: Hoàng Gia

Lớp huấn luyện, đào tạo nhân viên của một công ty hoạt động theo mô hình bán hàng đa cấp tại TP. Buôn Ma Thuột. Ảnh: Hoàng Gia

Cách thức lôi kéo, phát triển mạng lưới của Trung tâm hỗ trợ người nghèo trong phát triển nông thôn mới và Công ty Liên Kết Việt cũng như nhiều doanh nghiệp BHĐC khác là thổi phồng, hứa hẹn về nhiều khoản lợi ích kinh tế hấp dẫn sẽ được nhận, mục đích nhằm đánh vào lòng tham, kỳ vọng của người tham gia vào tương lai có thu nhập lớn hơn nhiều so với số vốn phải bỏ ra ban đầu. Người muốn tham gia phải được người tuyến trên giới thiệu và tích lũy điểm thông qua mua hàng hóa hoặc giới thiệu người tham gia để trở thành thành viên của mạng lưới công ty; tiền hoa hồng, thù lao của người tham gia chủ yếu đến từ việc mở rộng mạng lưới, tức lôi kéo càng nhiều người tham gia vào mạng lưới, càng nhận được tiền hoa hồng và lên các cấp cao hơn.

Nhiều chiêu thức lôi kéo nhằm trục lợi

Trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk hiện có 21 doanh nghiệp BHĐC thông báo và được Sở Công thương xác nhận hoạt động BHĐC. Các doanh nghiệp trên đều là doanh nghiệp ngoài tỉnh, trụ sở chính đặt tại Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, Đồng Nai và Bắc Giang. Theo hồ sơ đăng ký hoạt động BHĐC với Sở Công thương, 8/21 doanh nghiệp có giám đốc đại diện theo pháp luật mang quốc tịch nước ngoài, trong đó 1 doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài; chỉ có 4 doanh nghiệp có đăng ký người đại diện và trụ sở, văn phòng đại diện tại tỉnh Đắk Lắk, số còn lại đăng ký đại diện tại địa phương nhưng không thông báo địa điểm hoạt động trên địa bàn tỉnh. Đáng chú ý có trường hợp doanh nghiệp chưa được Cục Quản lý cạnh tranh – Bộ Công thương cấp giấy phép BHĐC nhưng vẫn tổ chức hoạt động theo phương thức đa cấp. Hàng hóa được các doanh nghiệp đăng ký bán hàng theo hình thức đa cấp, chủ yếu là mỹ phẩm, thực phẩm chức năng, đồ gia dụng, phân bón…

Ước tính trên địa bàn tỉnh có hàng nghìn người tham gia BHĐC và tiếp tục gia tăng về số lượng. Thành phần người tham gia BHĐC rất đa dạng: sinh viên, công nhân, nông dân, người làm công việc nội trợ, đồng bào dân tộc thiểu số… Bên cạnh đó, các doanh nghiệp BHĐC cũng lôi kéo một số lượng nhất định người tham gia là cán bộ công chức, viên chức của cơ quan nhà nước hiện đang công tác hoặc đã nghỉ hưu.

Đa số các doanh nghiệp BHĐC đều sử dụng mô hình kinh doanh tương tự nhau, từ sản phẩm, phương thức bán hàng, trả thưởng đến cách thức mở rộng mạng lưới. Trong quá trình triển khai hoạt động, các doanh nghiệp đều có dấu hiệu vi phạm Điều 5 – những hành vi bị cấm trong hoạt động BHĐC, Nghị định 42/2014/NĐ-CP ngày 14-5-2014 về quản lý hoạt động BHĐC. Cụ thể: Các mặt hàng đăng ký kinh doanh của doanh nghiệp BHĐC thường có giá bán cao gấp 3 đến 5 lần so với mức  giá chung các sản phẩm có chất lượng tương đương trên thị trường, đồng thời quảng cáo sai sự thật về công năng, tác dụng của sản phẩm và chưa được cấp chứng nhận hoặc kiểm chứng bởi bất kỳ cơ quan chức năng nào. Nhiều doanh nghiệp định kỳ tổ chức các buổi huấn luyện, đào tạo cho nhân viên tại trụ sở kinh doanh hoặc các địa điểm hoạt động nhất định nhằm hướng dẫn các chiêu thức, thủ đoạn lôi kéo người tham gia BHĐC; tổ chức các hội thảo, đại hội thù lao để quảng bá sản phẩm, chính sách trả thưởng, khuyếch trương quy mô doanh nghiệp và chiêu dụ người mới nhưng không thực hiện việc thông báo với Sở Công thương.

Các doanh nghiệp BHĐC thường xuyên sử dụng nhiều thủ đoạn nhằm né tránh sự kiểm tra, giám sát của cơ quan chức năng: không đăng ký địa điểm, trụ sở hoạt động; liên tục thay đổi nơi tổ chức các hoạt động đào tạo, hội thảo, phân phối sản phẩm; hợp thức hóa các khoản tiền hoa hồng từ phát triển mạng lưới dưới dạng “tiền hoa hồng” từ việc bán sản phẩm, tiền thù lao, tiền thưởng khi lên thứ bậc cao hơn trong mạng lưới. Mọi hoạt động của doanh nghiệp BHĐC không có người lạ tham dự, người nào không phải nhân viên, mạng lưới của doanh nghiệp, khi tham gia sẽ bị chất vấn rất kỹ về việc ai là người giới thiệu, thông tin nhân thân.

Hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp BHĐC thời gian qua diễn biến phức tạp và không ít người đã trở thành nạn nhân. Cùng với việc tăng cường công tác quản lý của các cơ quan chức năng, mỗi người dân cần cảnh giác trước những chiêu bài mời chào, lôi kéo, thổi phồng, hứa hẹn về cách làm giàu không khó bằng cách tham gia phát triển mạng lưới BHĐC.

 Đàm Thuần

 

 

    Nguồn: Báo Đắk Lắk Điện tử

    BÌNH LUẬN

      Hyundai Hoang Viet - Thang 3

      Khẩn trương ban hành Đề án tổ chức Lễ hội Cà phê Buôn Ma Thuột lần thứ 9

      Ngày 16/4, UBND tỉnh tổ chức cuộc họp nghe Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch báo cáo dự thảo Đề án Lễ hội Cà phê Buôn Ma Thuột lần thứ 9. Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Ngọc Nghị chủ trì cuộc họp.

      BÌNH LUẬN CỦA BẠN

      M03-Honda Daklak
      ĐỐI TÁC
      Lên đầu trang Đặt làm trang chủ