A01-T7 - Honda Daklak
Dangfarm - A02
Cho thuê nhà 29 Lê Hồng Phong

Chống hạn ở Tây Nguyên

08:30 | 13/04/2016

Hạn hán khốc liệt xuất hiện lớn nhất trong gần 100 năm trở lại đây tại Tây Nguyên đang làm cho ruộng đồng nứt toác, ao hồ cạn kiệt, cây cà phê và tiêu chết khô...

.... Hàng chục ngàn gia đình thiếu nước sinh hoạt trầm trọng. Hàng trăm ngàn nhân khẩu có nguy cơ thiếu đói. Thực tế đang cần có những giải pháp chống hạn lâu dài và bền vững.

Vườn cà phê đang bị chết khô.

Hạn hán vẫn hoành hành

Trong suốt thời gian dài qua các tỉnh ở Tây Nguyên đang đối mặt với “cơn khát” đỉnh điểm khi hầu hết ruộng đồng nứt nẻ, cây cối chết khô, đời sống nhiều gia đình bị đảo lộn, gia súc, gia cầm cũng phải chịu trong cảnh khát nước. Hàng nghìn người dân Tây Nguyên đang tìm đủ mọi cách nạo vét kênh, đào giếng, chắt chiu từng giọt nước để cứu mùa màng. 

Theo thống kê chưa đầy đủ: Tại Gia Lai, tình trạng thiếu hụt nguồn nước đang diễn ra trên diện rộng khiến hơn 25.000 ha lúa, 21.000 ha cây công nghiệp và hoa màu bị ảnh hưởng nghiêm trọng (tăng hơn 810 ha so với cùng kỳ năm trước). Ước tính thiệt hại hàng trăm tỷ đồng. Tính đến cuối tháng 3, toàn tỉnh có gần 15.000 hộ với hơn 64.000 nhân khẩu thiếu đói.

Nhận định về tình hình khô hạn tại Tây Nguyên, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Hoàng Văn Thắng cho biết: Đây là đợt El Nino kéo dài nhất trong lịch sử quan trắc nước ta. Điều này khiến nhiệt độ tăng cao, lượng mưa ít gây thiếu nước nghiêm trọng, đe dọa đến sản xuất và đời sống của người dân. Hiện nay hàng trăm hồ chứa ở các tỉnh Tây Nguyên chỉ còn khoảng 20-40% so với dung tích thiết kế, thấp hơn nhiều so với năm 2015. 

Cụ thể tại Đăk Lăk có 115 hồ cạn nước, dự kiến đến cuối tháng 4 tăng lên khoảng 300 hồ. Tỉnh Đăk Nông 17 hồ cạn đáy, dự kiến tăng lên hơn 40 hồ, Kon Tum có 5 hồ. Đặc biệt, các hồ chứa ở Gia Lai chỉ đạt 10-50%. Thiệt hại toàn Tây Nguyên ước tính lên tới trên 3.000 tỷ đồng, riêng ở Đăk Lăk là trên 1000 tỷ đồng. Con số này còn tiếp tục lên cao khi những ngày tới ở đây vẫn chưa thể có mưa, theo dự báo của Trung tâm khí tượng thủy văn.

Không chỉ cây trồng, nắng hạn khiến hàng trăm ngàn hộ dân, vật nuôi rơi vào cảnh thiếu nước sinh hoạt, nhiều gia đình phải đi mấy km với lấy được được, hoặc phải đi mua nước về dùng hàng ngày. 

Theo ông Hà Văn Ninh ở Di linh, Lâm Đồng gia đình ông đã phải bỏ tiền ra khoan 4 cái giếng, bình quân mỗi chiếc lên tới trên 40 triệu đồng, nhưng cũng không có nước. Chi phí để khoan một giếng có nước rất đắt đỏ, có giếng khoan tốn đến 100 triệu đồng mới đến mạch nước ngầm, cũng có gia đình đào đến giếng thứ 5 mới có nước sử dụng. Người dân ở đây chủ yếu là lao động nghèo nhưng mỗi ngày vẫn phải thắt lưng buộc bụng bỏ ra vài chục ngàn đồng ra mua nước về ăn uống.

Lòng hồ cạn trơ đáy.

Chống hạn

Trao đổi với chúng tôi về một số giải pháp chống hạn bền vững ở Tây Nguyên ông Nguyễn Đại Ngọc – Giám đốc công ty cà phê Ia Giai, người đã có trên 40 năm gắn bó với mảnh đất Tây Nguyên đề nghị, Chính phủ, Bộ NN&PTNT cần phải tổng điều tra chi tiết từng loại cây trồng, để xem xét sự cần thiết nước tưới. Từ đó, có kế hoạch phát triển từng loại cây trên từng vùng, rà soát quy hoạch cây trồng phù hợp với địa bàn các tỉnh nhằm bảo đảm phát triển bền vững, thích ứng với điều kiện cực đoan của thời tiết, đặc biệt là hạn hán và thiếu nước. 

Tại hội thảo Giải pháp khoa học công nghệ chống hạn và phát triển bền vững cà phê, điều, hồ tiêu ở Tây Nguyên được tổ chức vào cuối tháng 3 vừa qua đã có trên 40 báo cáo của các nhà khoa học, các nhà quản lý và các địa phương về cách phòng chống hạn, tưới nước tiết kiệm để phát triển bền vững các loại cây. Trong đó có giải pháp là tưới nước nhỏ giọt đem lại hiệu quả năng suất chất lượng cao, giảm lượng nước tưới. 

Hiện trên địa bàn Tây Nguyên mới chỉ có 87/6500 ha cà phê được áp dụng công nghệ này. Tìm hiểu nguyên nhân được biết, để đầu tư tưới cho một ha cà phê mất khoảng 80 triệu đồng (cả đào giếng). Với giá cà phê xuống thấp như hiện nay (3100đ/kg cà phê nhân) thì nông dân lấy đâu ra tiền để đầu tư. Nên chăng Nhà nước cần có chính sách hỗ trợ về vốn cho người dân và doanh nghiệp trồng cà phê để họ sớm tiếp cận được với công nghệ tưới tiên tiến, tiết kiệm nước. 

Trong chuyến công tác kiểm tra tình hình hạn hán ở Tây Nguyên cuối tháng 3 vừa qua, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã đánh giá về tình trạng hạn hán ở đây là rất  nghiêm trọng, ảnh hưởng lớn đến sản xuất và đời sống của người dân. Thủ tướng  yêu cầu Ngân hàng thực hiện giãn nợ, khoanh các khoản vay cho người dân tập trung chống hạn.

Trước mắt, Chính phủ sẽ hỗ trợ mỗi tỉnh 500 tấn gạo để cứu đói cho người dân vùng hạn nặng. Về giải pháp chống hạn lâu dài ở Tây Nguyên cần tập trung xem xét đề xuất đầu tư kinh phí xây dựng mới các đập thủy lợi lớn. Nâng cấp, sửa chữa 48 các công trình thủy lợi nhỏ với kinh phí khoảng 300 tỷ, bổ sung nguồn vốn trung hạn hơn 4.000 tỷ đồng đầu tư 16 công trình thủy lợi trọng điểm…    

Hải Lộng

    Nguồn: Daidoanket.vn

    BÌNH LUẬN

      Khẩn trương ban hành Đề án tổ chức Lễ hội Cà phê Buôn Ma Thuột lần thứ 9

      Ngày 16/4, UBND tỉnh tổ chức cuộc họp nghe Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch báo cáo dự thảo Đề án Lễ hội Cà phê Buôn Ma Thuột lần thứ 9. Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Ngọc Nghị chủ trì cuộc họp.

      BÌNH LUẬN CỦA BẠN

      M03-Honda Daklak
      ĐỐI TÁC
      Lên đầu trang Đặt làm trang chủ