A01-T7 - Honda Daklak
Dangfarm - A02
Cho thuê nhà 29 Lê Hồng Phong

Luẩn quẩn buôn nghèo

14:10 | 10/10/2016

Hơn 5 năm thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới, đẩy mạnh công tác giảm nghèo, bộ mặt nông thôn của xã Yang Mao, huyện Krông Bông (Đắk Lắk) đã có bước khởi sắc.

Đường nội vùng một số thôn, buôn được bê tông và nhựa hóa, đã có công trình nước sạch, điện, đường, tỷ lệ hộ nghèo giảm... Tuy nhiên vẫn còn không ít buôn người đồng bào thiểu số bao năm qua các chỉ số giảm nghèo vẫn giậm chân tại chỗ.
 

Một góc buôn Hằng Năm.

Nằm ở cuối xã Yang Mao, buôn Hằng Năm có 156 hộ, 873 khẩu. Người dân chủ yếu là đồng bào M’nông. Theo số liệu thống kê hộ nghèo và cận nghèo giai đoạn 2011-2015, buôn có 52 hộ nghèo và 25 hộ cận nghèo, chiếm 49,7%.

Kết quả điều tra hộ nghèo và cận nghèo giai đoạn 2016-2020 buôn Hằng Năm có đến 100 hộ nghèo và cận nghèo (64,1%). Các hộ này bị tái nghèo hoặc khó thoát nghèo vì nhiều nguyên nhân như thiếu đất sản xuất, đất cằn cỗi, thiếu vốn đầu tư; trồng các loại cây kém năng suất, hiệu quả kinh tế thấp; không chăn nuôi gia súc, gia cầm…

Đặc biệt, nhiều người dân ở đây chưa thoát khỏi tư tưởng trông chờ, ỷ lại thậm chí một số thanh niên trong độ tuổi lao động lâm vào tệ nạn rượu chè, lười lao động.  

Mặc dù đã được tập huấn về kỹ thuật thâm canh, chuyển đổi các loại cây trồng, vật nuôi phù hợp với địa phương như cây ngô lai, cây lúa nước, cây dứa và một số cây trồng mang lại hiệu quả kinh tế cao như cây hồ tiêu, cây cà phê, ca cao, chăn nuôi trâu, bò, dê...

Song đến nay trong buôn vẫn chưa thực hiện được mô hình nào đem lại hiệu quả. Ông Ama Hen, Trưởng buôn Hằng Năm cho biết: “Cả buôn chỉ có 17 ha ruộng nước, 4 ha cà phê và 261 ha đất đồi dốc trồng sắn và bắp. Do không áp dụng khoa học kỹ thuật vào trồng trọt, ít đầu tư phân bón, thuốc trừ sâu nên năng suất của các loại cây trồng không cao; không phát triển được chăn nuôi. Nhiều hộ thiếu ăn quanh năm”.

Khó khăn nhất khiến nhiều gia đình ở đây khó thoát nghèo là tư tưởng ỷ lại, thiếu sự tranh đua, không có động lực thoát nghèo, nợ nần gối đầu; làm ăn theo kiểu “được ngày nào biết ngày đó”.

Gia đình Amí Khom có 6 người nhưng chỉ có hơn 8 sào đất trồng ngô và mấy sào trồng sắn. Không đủ ăn nên 3 đứa con phải nghỉ học đi lấy măng, lấy song mây hoặc đi làm thuê để mua gạo ăn qua ngày. Số nợ ở quán cứ tăng dần, không có tiền trả. Ngôi nhà 167 được Nhà nước hỗ trợ bị tốc mái từ năm 2010 đến nay vẫn không sửa lại để ở. 6 người tá túc trong ngôi nhà sàn tạm bợ, xuống cấp. 

Hay nhà Amí Van cách đó không xa cũng vậy. Ngôi nhà gỗ 134 được Nhà nước hỗ trợ xây dựng bị xuống cấp mấy năm nay nhưng vẫn không sửa, đành cùng con gái và con rể quay về nhà mẹ đẻ trên 80 tuổi ở nhờ. Amí Van cho biết: “Cũng muốn sửa lại nhà để ở nhưng làm còn không đủ ăn lấy đâu ra tiền để sửa”.

Ngoài ra, buôn M’nâng Dơng là buôn trung tâm xã Yang Mao nhưng có tỷ lệ hộ nghèo và cận nghèo cao nhất xã với 85,6%, trong đó có đến 99 hộ nghèo; buôn Kiều 80% hộ nghèo và cận nghèo, buôn Ea Chố 79%...

Nguyên nhân nghèo cũng giống như buôn Hằng Năm. Cấp ủy và chính quyền xã Yang Mao đã và đang tìm giải pháp khắc phục tình trạng này. Tuy nhiên đến nay vẫn chưa thành công, nhiều hộ dân ở đây vẫn chưa thoát khỏi cái nghèo. 

Ông Y’ Drai Mdrang Chủ tịch UBND xã Yang Mao chia sẻ: “Lãnh đạo xã đã phân công, giao nhiệm vụ ở mỗi buôn có 1 đồng chí Đảng ủy viên, 1 đại biểu HĐND xã và 1 đồng chí Bí là thư chi bộ có trách nhiệm giúp đỡ ban tự quản lập kế hoạch, hướng dẫn bà con lao động, sản xuất; ngoài ra còn tập huấn, đưa ra nhiều mô hình, hỗ trợ con giống, cây giống. Tuy nhiên hiệu quả vẫn không được như mong muốn”. 

Mới chỉ có 2 trên 8 buôn đồng bào tại chỗ của xã Yang Mao vượt khó vươn lên để giảm được tỷ lệ hộ nghèo hàng năm là buôn Tul và buôn M’ghi. Hiện 6 buôn còn lại tỷ lệ hộ nghèo vẫn còn rất cao, thậm chí năm sau cao hơn năm trước; nhà cửa tạm bợ, cuộc sống khó khăn.

Trồng cây gì, nuôi con gì phù hợp với điều kiện đất đai, thổ nhưỡng, tiềm năng của địa phương, đem lại hiệu quả kinh tế cao; làm thế nào để thay đổi cách nghĩ, cách làm giúp bà con các buôn sớm thoát nghèo một cách bền vững, đem lại cuộc sống ấm no cho người dân vùng căn cứ cách mạng đang là bài toán khó đặt ra rất cần cấp ủy, chính quyền tìm lời giải.  

 Tùng Lâm

 

    Nguồn: Daidoanket.vn

    BÌNH LUẬN

      Hyundai Hoang Viet - Thang 3

      Khẩn trương ban hành Đề án tổ chức Lễ hội Cà phê Buôn Ma Thuột lần thứ 9

      Ngày 16/4, UBND tỉnh tổ chức cuộc họp nghe Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch báo cáo dự thảo Đề án Lễ hội Cà phê Buôn Ma Thuột lần thứ 9. Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Ngọc Nghị chủ trì cuộc họp.

      BÌNH LUẬN CỦA BẠN

      M03-Honda Daklak
      ĐỐI TÁC
      Lên đầu trang Đặt làm trang chủ