A01-T7 - Honda Daklak
Dangfarm - A02
Cho thuê nhà 29 Lê Hồng Phong

Những phụ nữ dân tộc thiểu số năng động, giàu nghị lực

09:56 | 08/03/2017

Hoàn cảnh khó khăn song nhờ bản tính chăm chỉ, cần cù, chịu thương, chịu khó và sự hỗ trợ về vốn, khoa học kỹ thuật của các cấp Hội Phụ nữ, nhiều chị em người dân tộc thiểu số của huyện Cư M’gar đã nỗ lực vượt lên, phát triển kinh tế ổn định.

Năm 2008, sau khi lập gia đình, chị H’Huyên Ayun (buôn Đrai Xí, xã Ea Tar) được bố mẹ cho 6 sào đất, trong đó có 4 sào cà phê đã già cỗi và 2 sào đất màu. Thu nhập từ vườn cây chẳng là bao, hằng ngày vợ chồng chị phải đi làm thuê, làm mướn để có nguồn thu nhập trang trải cho cuộc sống của gia đình song mãi vẫn không thoát khỏi cảnh “ăn bữa sáng lo bữa tối”. Năm 2009, khi trở thành hội viên Hội Phụ nữ xã Ea Tar, chị H’Huyên được chia sẻ rất nhiều kinh nghiệm phát triển kinh tế, được tập huấn kỹ thuật chăn nuôi, trồng trọt nên chị bắt đầu suy nghĩ, tìm hướng phát triển kinh tế bền vững, từng bước thoát cảnh đói nghèo. Chị tiến hành tái canh 4 sào cà phê già cỗi, trong thời gian chờ tái canh thì trồng các loại hoa màu để có thêm nguồn thu nhập.

Năm 2012, được Hội Phụ nữ xã tín chấp cho vay 10 triệu đồng từ Ngân hàng Chính sách xã hội huyện và 2 triệu đồng từ nguồn quỹ tiết kiệm của chi hội buôn, chị H’Huyên mua phân bón cho vườn cà phê và mở một cửa hàng tạp hóa nhỏ. Ngoài ra, chị còn trồng xen tiêu trong vườn cà phê để tăng thêm thu nhập. Đến nay, với 600 cây cà phê và 400 trụ tiêu trong vườn,  chị đã xây được ngôi nhà khang trang trị giá 500 triệu đồng và mua sắm được nhiều phương tiện phục vụ sinh hoạt và sản xuất. Chị còn cho các chị em có hoàn cảnh khó khăn trong buôn mua nợ hàng hóa không tính lãi đến mùa thu hoạch trả với số tiền trên 40 triệu đồng.

Chị H’Huyên Ayun (buôn Đrai Xí, xã Ea Tar) tại buổi gặp mặt biểu dương phụ nữ dân tộc thiểu số tiêu biểu của huyện.   Ảnh: H'Xiu

Chị H’Huyên Ayun (buôn Đrai Xí, xã Ea Tar) tại buổi gặp mặt biểu dương phụ nữ dân tộc thiểu số tiêu biểu của huyện. Ảnh: H'Xiu

Không chỉ chăm lo phát triển kinh tế, chị H’Huyên còn năng nổ trong các phong trào, hoạt động của phụ nữ địa phương. Năm 2014, chị H’Huyên được tín nhiệm làm Chi hội trưởng Chi hội Phụ nữ buôn Đrai Xí. Để giúp các chị em trong buôn có nguồn vốn vay phát triển kinh tế, chị đã thành lập tổ vay vốn tín chấp tại Ngân hàng Chính sách xã hội huyện với tổng dư nợ đến nay đạt trên 600 triệu đồng. Chị còn tích cực vận động chị em chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật, nuôi, mạnh dạn áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất. Với sự năng nổ nhiệt tình của mình, năm 2016 chị H’Huyên Ayun đã được tín nhiệm giữ chức Phó Chủ tịch Hội Phụ nữ xã Ea Tar.

Vào lập nghiệp tại thôn Ea Mô, xã Cư Suê từ năm 1976, gia đình chị Bàn Thị Liễu, dân tộc Dao, từng gặp rất nhiều khó khăn, phải đi làm thuê làm mướn để sống. Năm 1998, chị Liễu tích cóp mua được 5 sào đất trồng cà phê và đến năm 2000 mở rộng diện tích lên 3 ha. Dù có đất sản xuất nhưng cuộc sống của gia đình chị Liễu vẫn gặp rất nhiều khó khăn do thiếu vốn đầu tư. Trước hoàn cảnh khó khăn của chị Liễu, Hội Phụ nữ xã Cư Suê đã tín chấp với Ngân hàng Chính sách xã hội huyện cho chị vay 20 triệu đồng. Từ nguồn vốn vay, chị Liễu đã đầu tư mua phân bón cho cây trồng. Đến năm 2014, do cà phê đã già cỗi, năng suất sụt giảm, chị Liễu đã chặt bỏ cà phê để trồng 350 trụ tiêu và trồng thêm 700 trụ tiêu vào năm 2016. Hiện nay, 350 trụ tiêu của gia đình chị Liễu đã cho thu bói với năng suất ước đạt gần 1 tấn tiêu hạt. Cuộc sống của gia đình chị đã ổn định hơn trước rất nhiều.

Ngoài ra, với vai trò là Chi hội trưởng Chi hội Phụ nữ thôn Ea Mô, chị Liễu đã vận động xây dựng Tổ hùn vốn với số tiền 110 triệu đồng, qua đó giải quyết cho nhiều chị em được vay không lấy lãi để đầu tư sản xuất. Nhờ phát huy hiệu quả nguồn vốn vay nên đã có 2 chị thoát được nghèo. Từ đầu năm 2017, chị Liễu còn đảm nhiệm công tác Mặt trận của thôn Ea Mô. Dù ở cương vị nào, chị Liễu cũng hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao và được bà con trong thôn tin yêu, quý trọng. 

Chị H’Pria Niê (thôn Cư H’Lâm, thị trấn Ea Pốk) cũng từng có hoàn cảnh vô cùng khó khăn. Dù có hơn 3 ha đất trồng cà phê nhưng do vẫn canh tác theo lối truyền thống, giống cây trồng không bảo đảm và không có vốn đầu tư nên thu nhập chẳng đáng là bao, con cái lại đông khiến gia đình chị H’Pria cứ mãi nghèo. Trước hoàn cảnh khó khăn của chị, Hội Phụ nữ thị trấn đã tín chấp cho chị vay 3 triệu đồng từ Ngân hàng Chính sách xã hội huyện. Có vốn, chị H’Pria quyết định đầu tư làm chuồng nuôi dê vì nhận thấy nuôi dê là phù hợp nhất.

Chị H’Pria Niê (thôn Cư H’Lâm, thị trấn Ea Pốk) đang chăm sóc đàn dê.  Ảnh: T. Dũng

Chị H’Pria Niê (thôn Cư H’Lâm, thị trấn Ea Pốk) đang chăm sóc đàn dê. Ảnh: T. Dũng

Hiện nay, chuồng dê của gia đình chị luôn duy trì khoảng 18 con dê, trong đó có 4 dê mẹ. Chăn nuôi có lãi, chị đã dùng tiền tích lũy được để cải tạo lại vườn cà phê, đồng thời đưa thêm cây bơ và hồ tiêu vào trồng xen. Đến nay, một số trụ tiêu đã bắt đầu cho thu hoạch. Cuộc sống của gia đình chị H’Pria ngày càng ổn định với nguồn thu nhập mỗi năm hơn 100 triệu đồng.

Bên cạnh phát triển kinh tế gia đình, chị H’Pria còn tích cực tham gia các phong trào phụ nữ ở địa phương, sẵn sàng hướng dẫn cách nuôi dê cho các chị em trong thôn. Đặc biệt, chị còn hỗ trợ về con giống cho những hộ nghèo, có hoàn cảnh khó khăn trong thôn. Từ năm 2014 đến nay, đã có 7 hộ được chị cho mượn 18 con dê giống để phát triển chăn nuôi. Nhờ đó, nhiều hộ đã thoát nghèo, có cuộc sống ổn định. 

H’Xiu – Trung Dũng

 

    Nguồn: Báo Dak Lak điện tử

    BÌNH LUẬN

      Hyundai Hoang Viet - Thang 3

      Khẩn trương ban hành Đề án tổ chức Lễ hội Cà phê Buôn Ma Thuột lần thứ 9

      Ngày 16/4, UBND tỉnh tổ chức cuộc họp nghe Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch báo cáo dự thảo Đề án Lễ hội Cà phê Buôn Ma Thuột lần thứ 9. Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Ngọc Nghị chủ trì cuộc họp.

      BÌNH LUẬN CỦA BẠN

      M03-Honda Daklak
      ĐỐI TÁC
      Lên đầu trang Đặt làm trang chủ