A01-T7 - Honda Daklak
Dangfarm - A02
Cho thuê nhà 29 Lê Hồng Phong

Giản tiện cho dân

14:08 | 10/07/2017

Chính phủ vừa ban hành Nghị quyết số 58/NQ-CP về đơn giản hóa thủ tục hành chính, giấy tờ công dân liên quan đến quản lý dân cư thuộc phạm vi chức năng quản lý nhà nước của Bộ Tư pháp.

Có 15 lĩnh vực được đơn giản hóa thủ tục hành chính trong nghị quyết này, như: Đăng ký khai sinh, công chứng, bồi thường nhà nước... song nổi bật là bãi bỏ việc cấp giấy xác nhận tình trạng hôn nhân đối với công dân Việt Nam. Đây được xem là động thái tích cực trong nỗ lực cải cách hành chính của Chính phủ, nhằm giản tiện tối đa cho người dân.
 
Theo Nghị quyết 58 thì khi cha hoặc mẹ đi khai sinh cho con (kể cả những trường hợp khai sinh có yếu tố nước ngoài) thì không cần phải xuất trình giấy chứng nhận đăng ký kết hôn của mình.
 
Việc bãi bỏ quy định xuất trình giấy chứng nhận đăng ký kết hôn không chỉ tạo sự thống nhất về pháp luật giữa trường hợp cha (mẹ) có đăng ký kết hôn và không có đăng ký kết hôn, mà còn bớt đi được một thủ tục hành chính phiền phức không cần thiết cho người dân, tạo điều kiện cho họ được làm thủ tục hành chính một cách đơn giản, nhanh gọn.
 
Việc Nghị quyết 58 của Chính phủ bãi bỏ hẳn việc cấp giấy xác nhận tình trạng hôn nhân khi công dân đi làm các thủ tục hành chính cũng giảm thiểu tối đa những rắc rối phát sinh.
 
Đơn cử, theo quy định hiện nay thì hoặc là người chồng (nếu đăng ký kết hôn tại nơi cư trú của vợ), hoặc là người vợ (nếu đăng ký kết hôn tại nơi cư trú của chồng) buộc phải xin chính quyền địa phương giấy xác nhận tình trạng hôn nhân của mình mới có thể đến nơi cư trú (nơi đăng ký hộ khẩu thường trú) của chồng, hoặc vợ để làm thủ tục đăng ký kết hôn.
 
Cũng chính vì quy định “cứng” này mà không ít cán bộ tư pháp tại UBND các phường, xã, thị trấn “mượn cớ” gây phiền hà, nhũng nhiễu để vòi vĩnh phong bì của người dân.
 
Có những trường hợp đi đi lại lại tới cả tuần, thậm chí cả tháng cũng chưa xin được giấy xác nhận tình trạng hôn nhân để làm thủ tục đăng ký kết hôn chỉ với lý do đơn giản là cán bộ tư pháp đi tập huấn, nếu có cán bộ tư pháp ở nhà thì phó chủ tịch phụ trách việc ký đóng dấu đi công tác...
 
Trong những trường hợp như vậy thì hầu như 100% người có việc phải “khẽ khọt” với người có trách nhiệm để có thể xin giấy xác nhận tình trạng hôn nhân đơn giản, nhanh chóng hơn.
 
Hoặc như việc công chứng giấy tờ nhà đất để sang tên đổi chủ, chuyển nhượng, chia phần... người dân cũng gặp không ít rắc rối đối với mảnh giấy xác nhận tình trạng hôn nhân.
 
Có trường hợp sau khi ly dị mới phát sinh tài sản, theo quy định của pháp luật thì tài sản đó đương nhiên là của một mình người đó sở hữu. Song, khi người này đi làm thủ tục công chứng thì đều bị các văn phòng công chứng yêu cầu xuất trình giấy xác nhận tình trạng hôn nhân, dù đã xuất trình quyết định ly hôn của tòa.
 
Lẽ ra thì quyết định ly hôn của tòa phải có giá trị pháp lý cao nhất về tình trạng hôn nhân của công dân, bởi khi tuyên án Tòa án nhân danh Nhà nước. Song, phiền phức là các văn phòng công chứng không công nhận quyết định đó mà chỉ công nhận giấy xác nhận tình trạng hôn nhân của cấp... phường.
 
Thực ra cũng khó trách được các văn phòng công chứng, bởi họ lý luận cũng không phải là không có lý: Biết đâu sau khi ly hôn, anh (chị) lại đã kết hôn rồi thì sao? Với việc mọi thủ tục đều “làm bằng tay” như hiện nay thì đúng là cũng không thể tránh được phát sinh kể trên mà đôi khi cấp phường không nắm bắt được. Song, vô hình trung cái việc quy định “cẩn thận” ấy lại là một thủ tục hành chính phiền hà cho người dân.
 
Đương nhiên là khi văn phòng công chứng yêu cầu xuất trình giấy xác nhận tình trạng hôn nhân thì người có nhu cầu buộc phải ra phường xin. Nếu gặp được cán bộ tư pháp có trách nhiệm thì không nói làm gì, nếu gặp những trường hợp nhũng nhiễu thì đó há không phải là làm khó cho dân hay sao?
 
Giờ thì hết rồi cái thủ tục hành chính nhiêu khê ấy.Với Nghị quyết 58 của Chính phủ, Bộ Tư pháp sẽ chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan liên quan sửa đổi, bổ sung các thủ tục hành chính, quy định tại các văn bản quy phạm pháp luật để ban hành theo thẩm quyền hoặc trình cấp có thẩm quyền ban hành.
 
Điều đó đồng nghĩa với việc khi đi khai sinh cho con, bố (mẹ) không cần phải chuẩn bị giấy chứng nhận đăng ký kết hôn, khi đi đăng ký kết hôn thì chồng (vợ) không cần phải về quê xin giấy xác nhận tình trạng hôn nhân ở địa phương nữa. Còn người đi công chứng thì chỉ cần xuất trình quyết định ly hôn của mình là đủ...
 
Đương nhiên, sẽ có ý kiến đặt vấn đề là việc đơn giản hóa thủ tục hành chính như trên liệu có khiến phát sinh kẽ hở cho một số cá nhân lợi dụng? Xin khẳng định ngay rằng không có kẽ hở nào cả, bởi khi cơ sở dữ liệu quốc gia được vận hành thì không ai có thể khai gian dối được. Song, giản tiện thủ tục cho người dân cũng đồng nghĩa với việc đòi hỏi cao hơn ý thức trách nhiệm của những người thi hành công vụ.
 
Khi làm thủ tục khai sinh, đăng ký kết hôn... cho người dân, người có thẩm quyền buộc phải truy cập vào hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia để đối chiếu xem xét giải quyết. Và sau khi giải quyết các thủ tục hành chính cho người dân thì cán bộ giải quyết thủ tục hành chính lại phải cập nhật thông tin của công dân lên cơ sở dữ liệu quốc gia để đảm bảo không xảy ra sự nhầm lẫn và sai sót.
 
Với Nghị quyết 58 của Chính phủ, người dân rất phấn khởi, bởi nó tạo tiền đề để giảm bớt sự nhũng nhiễu của những cán bộ thoái hóa, biến chất, hành dân ở cơ sở.
 
Lê Anh Đức
 

 

    Nguồn: Daidoanket.vn

    BÌNH LUẬN

      BÌNH LUẬN CỦA BẠN

      M03-Honda Daklak
      ĐỐI TÁC
      Lên đầu trang Đặt làm trang chủ