A01-T7 - Honda Daklak
Dangfarm - A02
Cho thuê nhà 29 Lê Hồng Phong

Gia tăng tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh ở Cư M'gar

07:58 | 17/08/2017

Mặc dù đã đẩy mạnh tuyên truyền, vận động, nhưng tỷ lệ chênh lệch giới tính khi sinh ở huyện Cư M’gar vẫn ở mức cao, thậm chí tại một số xã ở mức báo động.

Theo báo cáo của Trung tâm Dân số - Kế hoạch hóa gia đình (DS – KHHGĐ) huyện Cư M’gar, trong 6 tháng đầu năm 2017, xã Ea H’đing là địa phương có  tỷ số chênh lệch giới tính khi sinh cao nhất với 262 bé trai/100 bé gái. Chị H’Dê Niê, cán bộ chuyên trách dân số xã cho biết, do đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn theo chế độ mẫu hệ, mong có con gái để nối dõi, nên dù đã sinh 4 – 5 con trai vẫn tiếp tục mang thai với hy vọng sinh con gái. Rồi các hộ người Kinh thì lại mang tư tưởng “trọng nam khinh nữ”, muốn có nhiều con trai để gánh vác việc nhà. Chính điều này đã đưa tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh của xã lên mức báo động.

Đơn cử như trường hợp gia đình chị H’Lam M’lô và anh Y Wer Niê (buôn Ea Sang A, xã Ea H’đing), dẫu đã có 4 cậu con trai (lớn nhất 20 tuổi và nhỏ nhất 3 tuổi), kinh tế gia đình thì thiếu trước hụt sau, nhưng vẫn “quyết tâm” phải đẻ đến khi có con gái mới thôi. Hay như vợ chồng chị H’Nư Niê và anh Y Hải Mlô (cũng ở buôn Ea Sang A), chưa hài lòng với việc sinh con một bề toàn con trai, dù các con đều đã lớn (lần lượt là 18, 13 và 11 tuổi), nhưng mới đây chị H’Nư tiếp tục mang thai lần thứ 4 với mong mỏi sẽ sinh được con gái.

Anh Y Hải bộc bạch: “Cán bộ dân số thường đến nhà mình tuyên truyền về việc sinh đẻ có kế hoạch cũng như hậu quả của việc chênh lệch giới tính khi sinh, tôi cũng biết sinh nhiều con thì cuộc sống sẽ rất vất vả, nhưng vì phong tục của dân tộc mình theo mẫu hệ nên vợ chồng mình phải có con gái, chứ con trai sau này nó theo vợ không chăm sóc cho bố mẹ được”(?!)

Cộng tác viên dân số buôn Ea Sang A (bên trái) tư vấn cho người dân về chăm sóc sức khỏe sinh sản - KHHGĐ.

Cộng tác viên dân số buôn Ea Sang A (bên trái) tư vấn cho người dân về chăm sóc sức khỏe sinh sản - KHHGĐ.
 
Hiện nay, tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh trên địa bàn huyện Cư M’gar đang ở mức cao đáng báo động. Nếu như từ năm 2010-2014, tỷ số chênh lệch giới tính khi sinh duy trì ở mức bình quân chung của toàn tỉnh (108 bé trai/100 bé gái), thì năm 2015 đến nay, con số này đã tăng vọt và hiện tại là 121 bé trai/100 bé gái.

Không chỉ riêng xã Ea H’đing, tỷ số chênh lệch giới tính khi sinh cao còn xảy ra tại nhiều địa phương khác trên địa bàn huyện như: xã Ea Kiết (190 bé trai/100 bé gái), Ea Đrơng (177 bé trai/100 bé gái), Quảng Hiệp (165 bé trai/100 bé gái), Cư Suê (163 bé trai/100 bé gái). 

Theo ông Nguyễn Duy Lợi, Giám đốc Trung tâm DS – KHHGĐ huyện Cư M’gar, nguyên nhân dẫn đến tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh ở huyện tăng cao trong những năm gần đây là do ảnh hưởng của phong tục tập quán thích sinh nhiều con, tư tưởng “trọng nam, khinh nữ”, mong có con trai để nối dõi tông đường, thờ cúng tổ tiên; làm trụ cột lao động trong gia đình và chỗ dựa lúc tuổi già.

Mặt khác, với sự tiến bộ của khoa học công nghệ đã giúp các cặp vợ chồng dễ dàng nhận biết và lựa chọn giới tính thai nhi sớm. Điều này gây ảnh hưởng lớn tới cấu trúc dân số và sự phát triển của gia đình, xã hội. Trước tình trạng trên, Trung tâm đã tích cực triển khai nhiều biện pháp: chỉ đạo cán bộ dân số 17 xã, thị trấn và cộng tác viên dân số thường xuyên xuống các thôn, buôn tuyên truyền nâng cao nhận thức của người dân về dân số, bình đẳng giới; tăng cường tuyên truyền chính sách dân số trên hệ thống đài truyền thanh huyện, xã và pa nô, áp phích, băng rôn, khẩu hiệu, tờ rơi.

Cùng với đó, Trung tâm còn tổ chức các đợt chăm sóc sức khỏe sinh sản, KHHGĐ nhằm tư vấn và nâng cao hiểu biết về chăm sóc sức khỏe sinh sản, hệ lụy của mất cân bằng giới tính khi sinh; cấp phát dụng cụ cũng như hướng dẫn các biện pháp tránh thai; tư vấn trực tiếp cho nam nữ chuẩn bị kết hôn việc sinh con là quy luật tự nhiên chứ không phải lựa chọn giới tính khi sinh… Tuy nhiên, do địa bàn rộng, điều kiện đi lại khó khăn trong khi kinh phí hoạt động hạn chế; một số nơi cấp ủy đảng, chính quyền cơ sở chưa thật sự quam tâm đến công tác dân số nên hiệu quả tuyên truyền mang lại chưa cao.

Thiết nghĩ, để thu hẹp dần sự chênh lệch giới tính khi sinh nhằm giảm thiểu những hệ lụy của mất cân bằng giới tính ở huyện Cư M’gar, không chỉ đòi hỏi sự vào cuộc của cấp ủy, chính quyền địa phương và các ngành chức năng trong việc triển khai đồng bộ, hiệu quả các hoạt động tuyên truyền, giáo dục để nâng cao nhận thức, thái độ và chuyển đổi hành vi của người dân, mà còn cần sự chung tay của cả cộng đồng trong việc chấp hành tốt các chính sách DS-KHHGĐ.

Kim Oanh

 

    Nguồn: "Báo Đắk Lắk Điện tử”

    BÌNH LUẬN

      BÌNH LUẬN CỦA BẠN

      M03-Honda Daklak
      ĐỐI TÁC
      Lên đầu trang Đặt làm trang chủ