A01-T7 - Honda Daklak
Dangfarm - A02
Cho thuê nhà 29 Lê Hồng Phong

Tuyển sinh đào tạo ngành sư phạm: Không để lãng phí

14:39 | 18/08/2017

Tại cuộc họp với Bộ GD&ĐT diễn ra sáng 17/8 tại Văn phòng Chính phủ, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam khẳng định, không thể vì 8.000 cán bộ, giáo viên, công nhân viên đang công tác trong các trường ĐH, CĐ sư phạm mà coi nhẹ chất lượng đào tạo giáo viên.

Sự lãng phí của tuyển sinh đào tạo mới còn lớn hơn lãng phí của giảng viên sư phạm ngồi chơi...

Trong năm nay, Bộ GD&ĐT phải trình được cơ chế, chính sách về “đặt hàng” đào tạo sư phạm (Nguồn: vtc.vn).

“Thả” cho tuyển sinh tràn lan

Phát biểu tại cuộc họp, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam chỉ ra việc tuyển mới sư phạm đang có nhiều bất cập. Theo đó, khi phê duyệt

Đề án “Đào tạo, bồi dưỡng nhà giáo và cán bộ quản lý cơ sở giáo dục đáp ứng yêu cầu đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục phổ thông giai đoạn 2016 - 2020, định hướng đến năm 2025”, tinh thần của Chính phủ là chỉ tuyển mới để đào tạo rất ít ở những trường trọng điểm; còn lại lại tập trung cho bồi dưỡng đội ngũ.

Trên thực tế, quyết định đã có nhưng không làm nghiêm, cứ “thả” tiếp cho việc tuyển sinh. Giải quyết thế nào cho những cử nhân thất nghiệp trong thời gian qua là một bài toán khó, thêm việc tuyển sinh mới sẽ tăng lượng giáo viên dư thừa thì càng khó khăn hơn.  

Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ khẳng định, Bộ luôn xác định phát triển đội ngũ nhà giáo là trọng tâm của ngành và đã có giải pháp cụ thể.

Trước đó, chiều 16/8, Bộ GD&ĐT đã cùng với các trường họp tìm giải pháp nâng cao chất lượng đào tạo sư phạm, trong đó có vấn đề đầu vào sư phạm giảm sút.

Những giải pháp đã được đưa ra như tiếp tục cắt giảm mạnh chỉ tiêu tuyển sinh của các trường,. Theo đó, căn cứ vào nhu cầu sử dụng, ngành nào dư thừa dứt khoát phải dừng đào tạo.

Những ngành đang đào tạo nhưng không đáp ứng được các điều kiện đảm bảo chất lượng, không đảm bảo chuẩn đầu ra theo quy định cũng sẽ kiên quyết cho dừng.

Đối với các trường sư phạm đang hoạt động, sẽ đẩy mạnh kiểm định chất lượng các trường và chương trình đào tạo; đẩy nhanh việc quy hoạch lại mạng lưới các trường sư phạm, theo đó, các trường có chất lượng cao, có uy tín sẽ được chọn làm trung tâm, các trường khác sẽ chuyển đổi hoạt động để trở thành phân hiệu hay vệ tinh của các trường trung tâm để trước mắt tập trung vào nhiệm vụ đào tạo lại đội ngũ giáo viên.

Về chuyện tuyển dụng và sử dụng, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ cho biết, sẽ giải quyết một cách căn cơ chứ không chỉ là việc sửa đổi từng thông tư.

Cụ thể, Bộ sẽ cùng Bộ Nội vụ và các địa phương rà soát những bất cập trong quá trình tuyển dụng, sử dụng giáo viên. Về hiện tượng số lượng giáo sinh tốt nghiệp nhiều năm đang thất nghiệp hoặc “xếp hàng chờ biên chế”, Bộ sẽ chỉ đạo các trường sư phạm và những ngành liên quan có nhu cầu cần lao động như công nghệ thông tin hay du lịch, có chương trình như chuyển thông qua bổ túc tín chỉ.

Phải có “đặt hàng đào tạo” 

Về phía nhà trường, GS Nguyễn Văn Minh- Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm Hà Nội cho biết, điểm trúng tuyển sư phạm thấp chỉ xảy ra ở một số trường.

Cụ thể, thống kê đợt 1 xét tuyển ĐH, CĐ sư phạm chính quy 2017 cho thấy, mặc dù nhiều ngành có điểm xét tuyển chỉ bằng điểm sàn nhưng số thí sinh nhập học có điểm trúng tuyển 15,5 rất ít.

Cụ thể, ĐH Sư phạm - ĐH Thái Nguyên, ĐH Sư phạm - ĐH Huế chỉ có chưa đến 1% thí sinh có điểm trúng tuyển ở mức 15.5 điểm; ĐH Vinh chỉ có 44/638 thí sinh trúng tuyển ngành sư phạm dưới 18 điểm, trong đó chỉ có 2 em có điểm trúng tuyển ở mức 15,5 điểm (đăng ký vào ngành giáo dục quốc phòng an ninh). 

Trong số 673 ngành đào tạo sư phạm có thí sinh trúng tuyển, có 197 ngành lấy điểm xét tuyển dưới 15,5 điểm song mức điểm trúng tuyển trung bình vẫn đạt 17,5 điểm.

Nhiều ngành có điểm xét tuyển khá cao với 23 ngành lấy điểm xét tuyển từ 25 trở lên, 158 ngành lấy điểm xét tuyển từ 20 đến dưới 25 điểm; 302 ngành lấy điểm xét tuyển từ 15,5 đến dưới 20 điểm. 

Khẳng định đã từng có nhiều học sinh giỏi và đến bây giờ vẫn có học sinh giỏi vào học tại Trường ĐH Sư phạm Hà Nội, ông Minh cũng nêu một thực tế đáng buồn khác.

Đó là năm 2013, nhà trường tuyển thẳng hơn 70 học sinh giỏi. Năm nay tốt nghiệp, nhiều sinh viên trong số đó đã đến gặp và hỏi người đứng đầu nhà trường rằng, trước đây có nhiều ưu đãi khi vào thẳng ngành sư phạm nhưng bây giờ tốt nghiệp lại không có việc làm. 

Bên cạnh đó, ông Minh cho rằng chế độ đãi ngộ dẫn đến sự hấp dẫn nghề nghiệp. Cử nhân sư phạm giỏi may mắn được tuyển vào trường công lập cũng được hưởng mức lương khởi điểm rất thấp, nếu ở thành phố thì không thể đủ sống nên người học không mặn mà vào sư phạm. 

Về vấn đề này, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam chỉ đạo, Bộ GD&ĐT nên tích cực triển khai ngay phương án “đặt hàng” đào tạo, điều đã được nói đến mấy năm nay rồi nhưng chưa thực hiện được.

Cụ thể, Phó Thủ tướng yêu cầu trong năm nay, Bộ GD&ĐT dứt khoát phải trình được cơ chế, chính sách về “đặt hàng” đào tạo sư phạm.

Khi công khai chỉ tiêu, biên chế, việc làm và “đặt hàng” các trường sư phạm thì sẽ thu hút được người giỏi. Và dù số lượng đào tạo ít nhưng các trường sư phạm sẽ tính toán đầy đủ chi phí và tự đầu tư, nâng cấp cơ sở vật chất để đáp ứng yêu cầu “đặt hàng” từ ngành giáo dục.

Đối với đội ngũ giáo viên hiện hành, Phó Thủ tướng cho rằng, cần phải nhìn thẳng vào thực trạng là có một bộ phận rất tốt, nhưng một bộ phận có năng lực chậm cập nhật, không đáp ứng được yêu cầu, nhất là khi đổi mới.

Cần phải tạo được nếp nghĩ “luôn luôn phải đổi mới” khi bồi dưỡng, nâng cao chất lượng giáo viên, tránh quan niệm “biên chế suốt đời”.

Trong khi đó, đối với việc phân bổ nhân lực giáo viên hiện nay đang có tình trạng các giáo viên ở tỉnh nào phần lớn về dạy ở tỉnh đó.

Với cách làm như vậy, nếu không chú ý đến chất lượng các trường đào tạo sư phạm địa phương thì sẽ ảnh lâu dài đến giáo dục ở đó.

Bộ cần đánh giá để xác định mặt bằng các trường sư phạm địa phương, nhanh chóng sắp xếp lại, bảo đảm chất lượng đào tạo sinh viên, bồi dưỡng giáo viên đồng đều, thống nhất. 

Trả lời vấn đề này, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ cho biết, Bộ GD&ĐT đã chỉ đạo các Sở GD&ĐT phối hợp với các trường sư phạm địa phương tập trung bồi dưỡng đội ngũ giáo viên đang dư thừa ngay tại từng trường, từng cấp học, môn học theo chương trình chuẩn mà các trường ĐH sư phạm lớn thống nhất và được Bộ GD&ĐT phê duyệt.

Như vậy dù giảm mạnh chỉ tiêu đào tạo mới nhưng các trường sư phạm địa phương vẫn có cơ hội tồn tại. Còn các trường sư phạm lớn sẽ tập trung nhiều hơn vào biên soạn chương trình, sách giáo khoa mới, các chương trình đào tạo, bồi dưỡng cho giáo viên địa phương đạt chuẩn, áp dụng công nghệ thông tin, tạo điều kiện để thầy cô nâng cao trình độ, chuyên môn.

Các trường sư phạm sẽ có điểm sàn riêng từ năm 2018

Từ năm 2018, Bộ GD&ĐT sẽ bỏ ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào (điểm sàn) đối với các trường ĐH. Riêng đối với các trường ĐH sư phạm, CĐ sư phạm và các ngành đào tạo giáo viên Bộ vẫn sẽ quy định điểm sàn để đảm bảo chất lượng đầu vào. 

    Lam Nhi

 

    Nguồn: Daidoanket.vn

    BÌNH LUẬN

      Hyundai Hoang Viet - Thang 3

      Khẩn trương ban hành Đề án tổ chức Lễ hội Cà phê Buôn Ma Thuột lần thứ 9

      Ngày 16/4, UBND tỉnh tổ chức cuộc họp nghe Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch báo cáo dự thảo Đề án Lễ hội Cà phê Buôn Ma Thuột lần thứ 9. Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Ngọc Nghị chủ trì cuộc họp.

      BÌNH LUẬN CỦA BẠN

      M03-Honda Daklak
      ĐỐI TÁC
      Lên đầu trang Đặt làm trang chủ