A01-T7 - Honda Daklak
Dangfarm - A02
Cho thuê nhà 29 Lê Hồng Phong

Ứng xử trên mạng xã hội: Không gian mạng cũng cần có giới hạn

10:03 | 01/12/2017

“Cộng đồng mạng dậy sóng” là một cụm từ giờ đây đã trở nên quen thuộc với phần lớn mọi người, nhất là những người có thói quen tương tác trên mạng xã hội hàng ngày, thậm chí hàng giờ.

 Nhưng lý do để “dậy sóng” đôi khi lại chẳng mấy liên quan như thông tin về một cặp đôi ở xứ Hàn tổ chức đám cưới, hay phát ngôn của một người nổi tiếng nào đó về bạn trai của người bạn thân của họ!

Học sinh sử dụng máy tính  Nguồn: Báo Quảng Ninh.
 
Mạng ảo, phiền lụy thật
 
Đôi khi vì một câu nói vu vơ kiểu câu like trên mạng xã hội như “đủ 1000 like sẽ đốt trường” dẫn đến việc bị “ép” phải thực hiện lời hứa trong thực tế. Có lẽ, trên thực tế khi gõ xong bàn phím, cô bé học sinh 13 tuổi ở Khánh Hòa không nghĩ nhiều đến thế. Những người ấn like và chia sẻ dòng trạng thái của cô bé cũng không lường được hết hậu quả của động tác ấn nút “like” của mình tưởng như vô hại hóa ra lại đang góp thêm một que diêm vào đám cháy đang âm ỉ có thể bùng lên bất cứ lúc nào. 
 
Hành động dại dột, vi phạm pháp luật cuối cùng đã xảy ra, trách ai bây giờ? Thiếu niên non nớt hay những người “bạn ảo” trên mạng xã hội đã “góp lửa” hay chính mạng xã hội đang tiếp tay, dung túng cho những hành vi đáng xấu hổ ấy? 
 
Tuy nhiên, chấp nhận đưa vụ việc lên mạng xã hội, nơi kẻ khen người chê – mà phần lớn là không biết tường tận vụ việc, chỉ “nghe nhạc hiệu đoán chương trình”, để người khác mặc sức nói và bình phẩm, suy luận theo hàng trăm hướng khác nhau có lẽ cũng là trải nghiệm không mấy vui vẻ mà người chủ động đăng tải thông tin phải nhận lấy. Thậm chí, những tổn thương từ những nhận xét, bình phẩm ác ý của đám đông trên mạng, hơn ai hết, tác giả cũng là người cảm nhận rõ nhất. 
 
Đưa ra những  ví dụ trong số vô vàn, liên tiếp các vụ việc xảy ra trên mạng xã hội và ảnh hưởng thực tế đến cuộc sống thực, để thấy dù là tham gia vào thế giới ảo cũng cần có những ứng xử phù hợp với văn hóa, chuẩn mực và giới hạn nói chung, nếu không sẽ phải gánh những phiền lụy nhất định. 
 
Nói như chuyên gia tâm lý - TS Khuất Thu Hồng, nếu bạn đi trên đường, bạn cũng không thể đi nghênh ngang trái luật, muốn đi thế nào thì đi, muốn đâm vào ai thì đâm. Trong cuộc sống hàng ngày, khi tương tác với nhau cũng phải có những chuẩn mực ứng xử. Mạng xã hội chính là một xã hội thu nhỏ. Vậy cần có những chuẩn mực gì đối với những phát ngôn trên đây? 
 
Lành mạnh hóa môi trường mạng
 
Hiện nay đang tồn tại nhiều cách phân loại mạng xã hội, thứ nhất là của các doanh nghiệp trong nước do Bộ TT&TT cấp phép, thứ hai là mạng xã hội nước ngoài cung cấp dịch vụ xuyên biên giới tại Việt Nam và đang có nhiều người Việt Nam sử dụng như Facebook, Youtube... 
 
Theo thống kê chưa đầy đủ, hiện, ở Việt Nam có khoảng 50 triệu người sử dụng internet, đạt tỷ lệ 53% dân số. Trong đó, hơn 38 triệu người sử dụng mạng xã hội và con số này được dự đoán vẫn tiếp tục gia tăng trong thời gian tới. 
 
Chỉ tính riêng Facebook, tính đến tháng 7-2017, theo công bố của đơn vị này, số người dùng tại Việt Nam đạt 64 triệu, chiếm 3% trên tổng số 2 tỷ thành viên, đứng thứ 7 trên thế giới về số người dùng Facebook.  
 
Với tốc độ phát triển không ngừng, sức mạnh ảo mà thật của cộng đồng mạng xã hội cũng như những tác động của nó tới đời sống thực là không thể phủ nhận. Đặc biệt, với một lượng lớn những người trẻ tuổi tham gia tương tác trên mạng xã hội khi tâm sinh lý vẫn chưa ổn định, chưa đủ kiến thức xã hội và bản lĩnh vững vàng thì việc “chòng chành”, thậm chí là bị ảnh hưởng tiêu cực bởi những gì xảy ra trên mạng xã hội đặt ra yêu cầu phải giáo dục kỹ năng ứng xử trên mạng xã hội cho thanh thiếu niên. 
 
Theo TS Khuất Thu Hồng, đây là một vấn đề lớn chứ không phải câu chuyện dành cho một nhóm nhỏ nào đó hoặc là một vài cá nhân hay chỉ là vấn đề giải trí đơn thuần. Cần thực hiện việc giáo dục này trong nhà trường, từ phía phụ huynh trong gia đình và chính xã hội, cụ thể là các phương tiện truyền thông đại chúng cũng cần tuyên truyền, phổ biến những kiến thức khi sử dụng mạng xã hội để tránh những nguy cơ tiềm ẩn mà mạng xã hội có thể gây ra. 
 
Mới đây nhất, ngày 24-11, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết về hoạt động chất vấn tại kỳ họp thứ 4, trong đó đối với lĩnh vực Thông tin Truyền thông, Quốc hội yêu cầu Chính phủ và bộ, ngành liên quan xây dựng và triển khai bộ quy tắc ứng xử trên mạng xã hội cho các nhà cung cấp dịch vụ và người sử dụng mạng xã hội tại Việt Nam, hướng tới xây dựng môi trường mạng lành mạnh, an toàn tại Việt Nam. Bộ quy tắc ứng xử, chuẩn mực chung này được kỳ vọng có thể bù đắp những “khoảng trống” mà văn bản pháp luật hiện không điều chỉnh được.
 
Theo ông Lê Quang Tự Do- phó cục trưởng Cục Phát thanh-Truyền hình và Thông tin điện tử (Bộ TT&TT),  hiện nay môi trường mạng xã hội bị vẩn đục chủ yếu là vì yếu tố dân sự, vì các hành vi giao tiếp, ứng xử chưa văn hóa trong môi trường mạng, cách sử dụng mạng xã hội chưa văn minh hoặc lợi dụng các diễn đàn công khai này để đả kích, nói xấu, bôi nhọ lẫn nhau. Vì vậy, việc xây dựng một bộ quy tắc ứng xử nhằm lập lại trật tự, chấn chỉnh và tái lành mạnh hóa môi trường mạng xã hội có mục đích cao nhất là phục vụ người sử dụng. 
 
Đề xuất xây dựng Bộ quy tắc ứng xử cho mạng xã hội Việt Nam sẽ được tham khảo, dựa trên Bộ quy tắc ứng xử của Liên minh châu Âu đã ký với 4 doanh nghiệp cung cấp dịch vụ mạng xã hội lớn trên thế giới là Facebook, YouTube, Twitter và Microsoft. Mục tiêu là xây dựng bộ quy tắc ứng xử được các nhà cung cấp dịch vụ nước ngoài vào Việt Nam chấp nhận và người Việt Nam cũng cảm thấy phù hợp, tạo được sự đồng thuận của toàn xã hội. Đây sẽ là quy định mềm, không có tính pháp lý nhưng chịu sự điều chỉnh, giám sát của xã hội... nhằm chung tay xây dựng môi trường mạng xã hội lành mạnh. 
 
Dự kiến, Bộ quy tắc sẽ được hoàn thiện trong năm 2017 và sẽ được đưa ra lấy ý kiến doanh nghiệp và các tầng lớp xã hội. 
 
Lam Nhi

    Nguồn: Daidoanket.vn

    BÌNH LUẬN

      BÌNH LUẬN CỦA BẠN

      M03-Honda Daklak
      ĐỐI TÁC
      Lên đầu trang Đặt làm trang chủ