A01-T7 - Honda Daklak
Dangfarm - A02
Cho thuê nhà 29 Lê Hồng Phong

Nan giải tình trạng lao động trẻ em

14:39 | 09/03/2018

Sau Tết, cùng với làn sóng người lớn đổ xô đi các tỉnh tìm việc làm thì nhiều trẻ em ở các xã vùng sâu tỉnh Đắk Lắk cũng được một số đối tượng “cò lao động” chèo kéo đi lao động ở các thành phố.

Trẻ em vùng sâu, vùng xa luôn là đối tượng các cò lao động tìm tới dụ dỗ.

Theo báo cáo của Phòng Lao động-Thương binh và Xã hội huyện Krông Năng cho biết, vào ngày 21/2 (mùng 6 Tết) tại thôn Giang Đông, xã Ea Dah, huyện Krông Năng đã có 5 trẻ em tuổi từ 12 đến 15, gồm Vàng Thị Sông (12 tuổi), Vàng Thị Mái (13 tuổi), Hờ A Giang (15 tuổi), Hờ Thị La (15 tuổi) và Phùng Thị Dúa (14 tuổi) bị lôi kéo đi lao động. Cả 5 em đều là người dân tộc Mông được một số đối tượng đến dụ dỗ đi làm ở TP Hồ Chí Minh.

Sau khi nắm thông tin, Phòng Lao động-Thương binh và Xã hội huyện Krông Năng đã cử cán bộ đến thôn Giang Đông để gặp gỡ gia đình các em và tìm hiểu tình hình thì được biết, sau Tết có hai người phụ nữ tên là Thảo và Quyên (trú ở huyện Ea Kar) đã đến các gia đình ở thôn Giang Đông vận động cho con em vào TP Hồ Chí Minh làm việc. Cha mẹ của 5 em trên đều đồng ý.

Ông Hờ A Chu (thôn Giang đông, Xã Ea Darh, huyện Krông Năng) cha ruột của em Hờ Thị La cho biết: “Thấy người ta đến hỏi có muốn cho con đi làm may ở thành phố không, vừa học nghề vừa được họ trả lương tháng 2 triệu đồng. Nghe họ nói vậy mình hỏi con có muốn đi làm không, con gái nó đồng ý nên mình đã cho con đi”. Do cuộc sống gia đình khó khăn nên anh Hờ A Chống hàng xóm của anh Hờ A Chu nghe thông tin anh Chu cho con gái đi làm may, cũng cho em mình đi làm theo con anh Hờ A Chu.

Anh Chống cho biết: “Thấy trong thôn mấy nhà cho con đi nên mình cũng cho em mình đi theo làm ăn. Hiện bà kia đưa mấy đứa nhỏ trong thôn đi đâu thì gia đình cũng không biết địa chỉ cụ thể”. Liên lạc qua điện thoại với con gái Hờ Thị La, ông Chu cho biết, hiện con gái ông và 4 đứa nhỏ trong thôn đang học việc tại một cơ sở may công nghiệp tại quận Bình Tân, TP Hồ Chí Minh, với mức lương mỗi tháng là 2 triệu đồng/em.

Ông Lê Anh Duẩn, Trưởng Công an xã Ea Dah cho biết: “Phần lớn các em đi lao động ngoại tỉnh gia đình có hoàn cảnh khó khăn, đông con, đất đai canh tác ít nên các em thường bỏ học sớm và khi có người dụ dỗ đi làm có tiền lương thì gia đình cũng chấp thuận. Hiện chúng tôi đang phối hợp với các cơ quan chức năng vận động gia đình kêu gọi các em trở về. Bởi trước đây tình trạng trẻ em đi lao động ngoại tỉnh trên địa bàn xã đã xảy ra, nhiều trường hợp đi làm được vài tháng phải gọi điện về nhà cầu cứu gia đình vì làm việc quá sức trong một cơ sở may mặc và không được trả lương như những người tuyển dụng đã hứa hẹn”.

Sau khi nắm bắt tình hình, Phòng Lao động-Thương binh và Xã hội huyện Krông Năng đã tổ chức tuyên truyền, vận động, đến nay đã có 1 em trong số 5 trẻ em đi lao động sớm trở về địa phương.  

Tình trạng dụ dỗ, lôi kéo trẻ em đi làm việc ngoại tỉnh đã xảy ra nhiều năm nay tại Đắk Lắk. Theo số liệu của Sở Lao động-Thương binh và Xã hội tỉnh Đắk Lắk, đến cuối năm 2017, toàn tỉnh có 205 trẻ em lao động ngoài tỉnh, chủ yếu ở các huyện Krông Bông, Lắk, Krông Pắk, Cư Kuin, Ea Kar và Cư M’gar. 

Ông Nguyễn Văn Tâm- Chủ tịch UBND xã Cư Pui, huyện Krông Bông cho biết: Các năm trước, tình trạng trẻ em bỏ học đi lao động ngoại tỉnh sau Tết thường xuyên diễn ra. Năm nay sau khi thực hiện các công tác tuyên truyền vận động, sau 1 năm đi làm, đến nay các em đi lao động năm trước về quê ăn Tết không còn đi nữa. Các em chia sẻ do làm việc vất vả và lương bổng không được trả như lời hứa nên năm nay các em không đi nữa mà ở nhà với gia đình. 

Ông Nguyễn Văn Nam- Phó trưởng Phòng Bảo vệ, chăm sóc trẻ em và Bình đẳng giới (Sở Lao động-Thương binh và Xã hội tỉnh Đắk Lắk) cho biết: “Ngay trước Tết, chúng tôi đã gửi công văn tới Phòng Lao động-Thương binh và Xã hội các huyện, thị xã nêu cao công tác tuyên truyền nhằm hạn chế thấp nhất tình trạng trẻ em đi lao động ngoại tỉnh. Sau khi có thông tin về tình trạng trẻ em ở huyện Krông Năng đi lao động ngoại tỉnh, Phòng đã tham mưu văn bản gửi tới các địa phương cần nhanh chóng nắm tình trạng trẻ em đi lao động sau Tết để báo cáo Sở”. 

Chính quyền địa phương các cấp, các đoàn thể cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền; nắm bắt tình hình; đồng thời kiên quyết xử lý các trường hợp “cò lao động” để phòng ngừa, giảm thiểu trẻ em ra ngoài tỉnh lao động, tránh những hậu qủa đáng tiếc xảy ra.

Nguyễn Tuấn Anh

    Nguồn:daidoanket.vn

    BÌNH LUẬN

      BÌNH LUẬN CỦA BẠN

      M03-Honda Daklak
      ĐỐI TÁC
      Lên đầu trang Đặt làm trang chủ