A01-T7 - Honda Daklak
Dangfarm - A02
Cho thuê nhà 29 Lê Hồng Phong

Tác hại từ game mobile

13:47 | 10/05/2018

Một nhóm học sinh vẫn còn khoác trên người đồng phục cấp 2 ngồi túm tụm trong quán trà sữa trên đường Đồng Đen (quận Tân Bình).

 Trên tay ai cũng cầm chiếc điện thoại thông minh bấm liên tục. Bỗng nhiên, một bạn trong nhóm văng tục rất lớn khiến mọi người giật mình. Thì ra cả nhóm học sinh đang chơi game trên điện thoại, do đồng đội chơi dở, thua trận nên nổi đóa. 

Không chỉ chơi game mobile ngoài trường học, mà hiện tại việc học sinh lén lút chơi game ngay trong tiết học cũng không phải là ít. Một số ngôi trường cho học sinh sử dụng điện thoại thông minh trong giờ học để tìm kiếm tài liệu trên mạng phục vụ bài vở. Nhờ đó, các em thay vì tìm kiếm thông tin trên mạng lại tranh thủ chơi game từ lành mạnh cho đến bạo lực.
Nguyễn Thị P. (Hà Nội) đang học lớp 12 - một trong những “nữ game thủ” có tiếng trong cộng đồng game online - cho biết, vào những tiết học, P. vẫn chơi game với các thành viên trong đội. P. nói, tranh thủ lúc giáo viên đang giảng bài thì chơi, đến khi giáo viên đi xuống thì tắt màn hình điện thoại. P. cũng dùng “kế sách” này để đối phó với phụ huynh khi về nhà.
Chúng tôi thử trải nghiệm tham gia một game trên điện thoại có nhiều vị tướng nổi tiếng trong các bộ phim nước ngoài, chơi theo kiểu dàn trận. Trò này đang thịnh hành và lượng người chơi lên đến cả triệu. Dù trò chơi này cấm trẻ em dưới 18 tuổi, nhưng thực chất có rất nhiều bạn trẻ ở lứa tuổi này, thậm chí là học sinh cấp 2 cũng tham gia.
Đơn giản, các em dưới 18 tuổi để “lách” thì khai man tuổi và các nhà phát hành game thường làm lơ, nhằm tăng doanh thu. Để game tồn tại, các nhà phát hành nhờ vào lượng tiền mặt nạp vào tài khoản và học sinh không có tiền thì “lừa” phụ huynh đóng các khoản tiền trên lớp, học thêm… để nạp vào.
Chị Võ Thị Tâm (quận Tân Bình) cho biết, từ khi sắm cho cậu con trai lớn học lớp 8 điện thoại để phục vụ việc học, con trai bắt đầu chơi game. “Do không thể ngăn cản, tôi cùng chồng bàn bạc đưa ra kế sách phải “hòa nhập”, thế rồi chồng tôi phải vào chơi cùng con để quản lý thời gian. Một thời gian ngắn sau, cô con gái thứ hai cũng… nhiễm game theo hai cha con. Vậy là mỗi buổi tối gia đình quây quần nhau lập tổ chơi đánh trận”, chị Tâm buồn bực, kể.
Thật ngạc nhiên khi hiện nay nhiều trẻ học cấp 2 nhưng được gia đình sắm cho chiếc điện thoại đi động thông minh và đem đi học. Có phụ huynh cho rằng, với con trẻ chỉ cần sắm chiếc điện thoại nghe được, nhắn tin được để có việc gấp gọi cho cha mẹ, thay vì là chiếc điện thoại thông minh. Ngoài chuyện quản lý giờ giấc học hành, ngủ nghỉ, để cho trẻ tham gia các hoạt động cộng đồng cũng là một trong những cách hướng các em đến việc sử dụng thời gian có ích, xa rời những thú vui tai hại nhiều hơn lợi ích như game mobile... 

QUÝ NGỌC

 

    Nguồn: Báo SGGP online

    BÌNH LUẬN

      BÌNH LUẬN CỦA BẠN

      M03-Honda Daklak
      ĐỐI TÁC
      Lên đầu trang Đặt làm trang chủ