A01-T7 - Honda Daklak
Dangfarm - A02
Cho thuê nhà 29 Lê Hồng Phong

Ám ảnh đuối nước

09:12 | 01/06/2018

Giữa tháng 5, nhiều bộ, ngành, các địa phương trên cả nước đã đồng loạt phát động lễ phát động phòng, chống đuối nước trẻ em năm 2018.

Song thực tế cho thấy, dù đã có nhiều chính sách được triển khai, nhiều bản cam kết được ký, nhưng nhiều năm nay đuối nước vẫn là nguyên nhân hàng đầu gây tử vong nhiều nhất cho trẻ em và vị thành niên tại Việt Nam.

Dạy bơi cho thanh thiếu nhi.

Trung bình, hằng năm ở Việt Nam có hơn 2.000 trẻ em bị tử vong do đuối nước. Tai nạn thương tích, trong đó có đuối nước không những cướp đi sự sống, ảnh hưởng đến sự phát triển của các em mà còn để lại những nỗi đau không nguôi ngoai trong nhiều gia đình và các vấn đề xã hội sau này.

Trước tình trạng đuối nước ở trẻ em ngày càng gia tăng, Thủ tướng Chính phủ đã ký quyết định số 234/QĐ-TTg phê duyệt Chương trình phòng, chống tai nạn, thương tích trẻ em giai đoạn 2016 – 2020, đặt ra mục tiêu phấn đấu đến năm 2020 giảm 6% trẻ em bị tử vong do đuối nước so với năm 2015. Và, 40% trẻ em lứa tuổi tiểu học và THCS biết các kỹ năng an toàn trong môi trường nước. Thực hiện mục tiêu này, thời gian qua, Bộ LĐTB&XH và các bộ, ngành, các địa phương đã tích cực triển khai những hoạt động truyền thông phòng, chống đuối nước trẻ em; tổ chức dạy bơi, hướng dẫn kỹ năng an toàn trong môi trường nước cho trẻ em. Đồng thời thí điểm các mô hình dạy bơi an toàn cho trẻ em, tiếp tục thực hiện tiêu chí “Ngôi nhà an toàn”, “Cộng đồng an toàn”, “Trường học an toàn” nhằm loại bỏ các nguy cơ gây đuối nước cho trẻ em. Đặc biệt năm 2017, Bộ LĐTB&XH cũng đã chủ trì, phối hợp với 8 bộ, ngành, đoàn thể ký Kế hoạch liên ngành phòng, chống đuối nước trẻ em.

Theo Thứ trưởng Bộ LĐTB&XH, năm nay lễ phát động có chủ đề: “An toàn cho con trong môi trường nước”, do đó sẽ thúc đẩy thực hiện có hiệu quả các quy định của pháp luật, chương trình phòng, chống đuối nước cũng như tiếp tục nâng cao hơn nữa nhận thức, trách nhiệm, sự quan tâm của các cấp ủy đảng, chính quyền các cấp, các ngành, gia đình và xã hội với trẻ em và công tác phòng, chống đuối nước trẻ em.

Tuy nhiên, theo Thứ trưởng Nguyễn Thị Hà, trong các hoạt động dịp hè, đặc biệt là khi vui chơi, dã ngoại... không thể lường trước hết được các tình huống có thể xảy ra. Việc thiếu đi kỹ năng bơi lội khi xảy ra sự cố sẽ dẫn tới những tai nạn đáng tiếc. Dạy kỹ năng bơi cho trẻ là việc rất quan trọng và thực sự cần thiết thực hiện ngay khi còn nhỏ. Các kỹ năng sống cần thiết như bơi lội, xử lý tai nạn thương tích cho trẻ cũng thật sự cần thiết và cần được đưa vào đời sống. Các bậc phụ huynh nên trang bị kiến thức cần thiết để hướng dẫn con em mình khi gặp phải các tình huống như xử lý sao khi bị chuột rút, khi gặp vùng nước xoáy, cách sơ cứu khi gặp người bị đuối nước phù hợp với lứa tuổi... 

BS Nguyễn Trọng An - nguyên Cục trưởng Cục Chăm sóc Trẻ em (Bộ LĐTB&XH) cho rằng, tai nạn đuối nước hoàn toàn có thể phòng tránh được nếu phụ huynh chú ý giám sát, quan tâm đến trẻ, không để trẻ chơi một mình trong những khu vực có các nguy cơ gây đuối nước. Cần cảnh báo để trẻ hiểu và nhận biết nguy hiểm về những nơi tiềm ẩn đuối nước tại các khu vực sông, suối, ao, hồ, những vùng nước sâu... Và đây cũng là trách nhiệm của xã hội, do đó công tác tăng cường kiểm tra, giám sát các quy định về an toàn phòng, chống đuối nước tại cộng đồng, đầu tư ngân sách địa phương và kế hoạch xây dựng các hồ bơi cho trẻ là rất cần thiết, cần sớm đẩy mạnh triển khai thực hiện để hạn chế các tai nạn đáng tiếc xảy ra.    

Khanh Lê

    Nguồn:daidoanket.vn

    BÌNH LUẬN

      BÌNH LUẬN CỦA BẠN

      M03-Honda Daklak
      ĐỐI TÁC
      Lên đầu trang Đặt làm trang chủ