A01-T7 - Honda Daklak
Dangfarm - A02
Cho thuê nhà 29 Lê Hồng Phong

Sập bẫy vay tiêu dùng tín chấp

09:52 | 05/06/2018

Sau một thời gian tạm lắng, gần đây các cơ sở cho vay tiêu dùng tín chấp lại bùng phát. Quảng cáo dán khắp nơi. Có người một ngày nhận tới chục cuộc điện thoại mời vay tiền với thủ tục đơn giản, nhanh gọn “tiền tươi thóc thật” tức thì.

Nhưng, đó cũng chính là cái bẫy đã giương lên chỉ chờ con mồi sa chân là sập xuống.

Quảng cáo cho vay tiền với thủ tục “gọn ghẽ nhất có thể” trưng ra mọi nơi.

Khủng bố từ đội ngũ xiết nợ

Loại hình vay tiêu dùng tín chấp của các công ty tài chính không phải là mới, nhiều người đã oan gia vì nó, nhưng vẫn có nhiều người dính vào.

Khi đã không có tiền trả nợ vì lãi suất tăng một cách chóng mặt, thì đến lúc con nợ bị “lực lượng đòi nợ” gây áp lực. Không chỉ người vay, mà thân nhân của người đó cũng bị “lực lượng” này gây phiền toái, có nghĩa là họ sẽ tìm đủ mọi cách để lấy được tiền, trong khi pháp luật không quy định buộc người thân phải trả nợ thay cho nhau. Vì thế, chỉ có thể gọi cách đòi nợ đó là cách hành xử theo kiểu xã hội đen. Nhiều người cho biết, không chỉ họ bị gọi điện thúc nợ ban ngày, mà đêm hôm khuya khoắt, cả khi đã hơn 1 giờ sáng cũng bị những cú điện thoại đe dọa“dựng dậy”. Đó là kiểu khủng bố tinh thần thường được các chủ nợ áp dụng.

Nhưng vì sao nhiều người vẫn tìm đến dịch vụ cho vay tiêu dùng của các tổ chức tài chính? 

Câu trả lời là trong khi các ngân hàng đòi hỏi khá nhiều giấy tờ (như hợp đồng lao động đã ký trên một năm, hoặc giấy xác nhận chức vụ, thời gian công tác và mức lương, bản sao kê tài khoản của ngân hàng thể hiện mức lương của 3 tháng gần nhất; hay là người đi vay phải có hộ khẩu/ KT3 cùng địa bàn với ngân hàng cung cấp khoản vay) mới được vay tiền, thì các công ty tài chính lại rất ít thủ tục, có khi chỉ cần một tờ chứng minh nhân dân, hay tờ photo hộ khẩu là đủ.

Nhưng khi cầm được tiền rồi thì cũng đừng vội mừng, vì các công ty tài chính cho vay đã “dự bị” sẵn một đội ngũ xiết nợ rất chuyên nghiệp. Nếu người nào đó hoảng hốt, trả nợ sớm thì cũng lại rơi vào cái bẫy khác là bị phạt tiền vì vi phạm hợp đồng.

Đằng sau sự tiện lợi là lãi suất cắt cổ

Trong số những khách hàng vay tín chấp tiêu dùng, thì số người vay trả góp để mua điện thoại di động chiếm khá lớn trong đó có không ít sinh viên các tỉnh về thành phố lớn học đại học; hay là người mới có việc làm. Trong các cửa hàng xe máy hay điện thoại di động, thường có nhân viên tư vấn của các công ty tài chính thường trực, đon đả mời chào, gạ cho vay trả góp với lãi suất “hợp lý”: trả trước 30-50%, cho tới không cần trả trước, từ kỳ hạn 3 tháng cho đến 12-18 tháng.

Mới đầu, thấy lãi suất đưa ra chỉ là 3% cho đến 7%/tháng, chỉ cần trả trước 30 - 50% giá trị sản phẩm, phần còn lại chia đều trả trong 6-9 tháng. Nhưng nếu tính ra, người đi vay chỉ cần trễ 1 ngày là phí phạt bắt đầu được áp dụng, với lãi suất ngất ngưởng. Tính ra, thường thì trong trường hợp này, tổng lãi suất 1 năm lên tới 30%.

Một người vay tiêu dùng tín chấp kể lại trường hợp của mình. Anh đến một cửa hàng xe máy, được nhân viên giới thiệu phương thức trả góp nếu  mua xe SH (125) giá 69,2 triệu đồng (bao tiền làm biển số), trả trước 29,2 triệu đồng, thì mỗi tháng sẽ trả 2,46 triệu đồng trong 24 tháng. Anh đồng ý. Thế nhưng, khi tính lại, tổng lãi phải trả trong 24 tháng sau khi trừ nợ gốc (40 triệu đồng) thì phải trả lãi suất tương đương 23,8%/năm.

Một người khác cho biết, cũng vay nợ mua xe SH. Khi vay mua xe, anh trả trước 25,1 triệu đồng (tương ứng với 30% tổng tiền) thì anh sẽ phải trả bên cho vay 3,676 triệu đồng/tháng trong suốt 18 tháng. Điều này có nghĩa, trong khoảng thời gian đó, khách hàng trả tổng cộng là 66,168 triệu đồng (trong đó, gốc 44,1 triệu đồng, lãi 22,068 triệu đồng). Như vậy, lãi suất cho vay của công ty tài chính này lên đến 33,36%/năm. Một con số khủng khiếp mà không buôn bán gì cho lại.

Do hỏa mù từ phía người cho vay, mà người đi vay lại không biết cách tính toán, nên việc sập bẫy là khá dễ dàng. Một ví dụ sau đây cho thấy điều đó. Một người vay tín chấp để mua 1 chiếc xe máy giá 37 triệu đồng. Được nhân viên cho vay cho biết chỉ trả trước 18 triệu đồng, số còn lại (19 triệu đồng) thanh toán theo phương thức trả góp mỗi tháng 1,492 triệu đồng. Nhưng sau 7 tháng, khi đã thanh toán được 10,444 triệu đồng, người này muốn trả hết nợ để lấy giấy tờ xe thì mới ngã ngửa khi số nợ cơ bản chưa ít hơn là bao so với ban đầu, với 19,3 triệu đồng. Giải đáp thắc mắc, nhân viên công ty cho vay tài chính cho biết: Nợ gốc vẫn còn cao là do lãi suất khoản nợ là 4,82%/tháng, tức là khoảng 58% mỗi năm. Như vậy, để trả hết số nợ 19 triệu đồng thì người vay phải trả khoảng 35 triệu đồng sau 24 tháng.

Nhìn chung, người đi vay tiêu dùng mua hàng trả góp thường chỉ quan tâm số tiền phải trả ban đầu là bao nhiêu và số tiền phải góp hằng tháng là bao nhiêu, không mấy người tính được chi phí tổng thể, và cũng không hỏi nhân viên tư vấn cụ thể về các khoản phạt nếu trả chậm so với kỳ trả nợ mỗi tháng hay trả trước kỳ hạn thỏa thuận.

Với những lời mời chào “khách hàng trả trước tối thiểu 30% giá trị món hàng, phần còn lại chia đều cho 6 tháng, không thêm một khoản phí nào”, nhưng thực tế cho thấy nếu khách hàng trả trước từ 20% đến 70%, còn lại trả góp hàng tháng, lãi suất 2,2%/tháng thì cả năm sẽ phải chịu lãi suất 26,4%/năm.

Vay tín dụng tiêu dùng thế chấp là dựa vào nguyên tắc lãi suất cho vay căn cứ trên thỏa thuận giữa bên vay và bên cho vay, không bị khống chế mức trần. Các công ty tài chính sẽ áp dụng mức lãi suất ngất ngưởng, đúng vào lúc người tiêu dùng cần tiền nhất. Đối với người đi vay, trên phương thức thanh toán là những món tiền trả góp tưởng như dễ thở, nhưng thực sự lại là gánh nặng tài chính rất lớn.

Vì vậy, trước khi có sự can thiệp của cơ quan chức năng- kể cả việc kiểm tra, giám sát lãi suất cho vay cũng như cách “xiết nợ” của các công ty tài chính; thì trước hết người tiêu dùng hãy cảnh giác, vì cái bẫy lãi suất đang chờ sập xuống.    

Một ví dụ cho thấy “lãi mẹ đẻ lãi con” thật sự khủng khiếp: Theo thỏa thuận nếu muốn mua 1 máy tính bảng giá niêm yết 9.999.000 đồng, với thời hạn 12 tháng, khách hàng trả trước 20% (tương đương 1.998.000 đồng), trả góp 873.000/tháng. Như vậy, tổng giá trị món hàng này là 12.474.000 đồng, cao hơn giá niêm yết là 2.484.000 đồng.

Nếu vay với thời hạn 24 tháng, khách trả 540.000 đồng/tháng, tổng giá trị là 14.958.000 đồng, cao hơn giá niêm yết là 4.968.000 đồng. Có nghĩa la mua 1 máy tính bảng lại phải trả số tiền gấp rưỡi của chính chiếc máy tính đó.

Đỗ Quang

    Nguồn:daidoanket.vn

    BÌNH LUẬN

      BÌNH LUẬN CỦA BẠN

      M03-Honda Daklak
      ĐỐI TÁC
      Lên đầu trang Đặt làm trang chủ