A01-T7 - Honda Daklak
Dangfarm - A02
Cho thuê nhà 29 Lê Hồng Phong

Hành vi nguy hiểm

13:47 | 05/06/2018

Bộ Giáo dục và Đào tạo (GDĐT) vừa đề nghị cơ quan công an vào cuộc điều tra, làm rõ việc giả mạo công văn của Bộ trưởng Bộ GDĐT Phùng Xuân Nhạ gửi các sở GDĐT, phòng GDĐT và hiệu trưởng các trường THCS,...

...  về việc giảm tải nội dung ra đề môn Ngữ văn trong kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 năm học 2018-2019.

Công văn giả mạo này không chỉ gây hoang mang cho các phụ huynh học sinh, mà còn làm nhiễu loạn công tác tuyển sinh vào lớp 10 tại các địa phương. Thật quá to gan.    

Nội dung công văn giả mạo đang lan truyền trên mạng xã hội mấy ngày qua yêu cầu các địa phương khi ra đề thi tuyển sinh lớp 10 môn ngữ văn không đề cập những tác phẩm: Bến quê (Nguyễn Minh Châu), Lục Vân Tiên cứu Kiều Nguyệt Nga (Nguyễn Đình Chiểu), Bếp lửa (Bằng Việt), Nói với con (Y Phương), Làng (Kim Lân). Các trường THCS có biện pháp ôn tập cho học sinh trọng tâm vào các tác phẩm: Sang thu (Hữu Thỉnh), Viếng lăng Bác (Viễn Phương), Ánh trăng (Nguyễn Duy), Lặng lẽ Sapa (Nguyễn Thành Long), Chiếc lược ngà (Nguyễn Quang Sáng).

Trong khi có khá nhiều học sinh và các bậc phụ huynh hết sức hoang mang với thông tin trên vì không biết là thật hay giả, thì Bộ GDĐT đã kịp thời phản ứng, khẳng định công văn trên hoàn toàn là giả mạo, từ chữ ký của Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ đến con dấu của Bộ GDĐT. Đồng thời Bộ GDĐT cũng đã đề nghị cơ quan công an vào cuộc điều tra làm rõ động cơ của người làm giả và phát tán công văn nói trên, đồng thời xử lý nghiêm minh trước pháp luật.

Bộ GDĐT cũng nhấn mạnh rằng, tại Thông tư số 11/2014/TT-BGDĐT ban hành quy chế tuyển sinh THCS và THPT, Thông tư số 05/2018/TT-BGDĐT sửa đổi bổ sung Thông tư số 11 nêu rõ: Trách nhiệm xây dựng phương án tuyển sinh, bao gồm môn thi, ra đề thi, hình thức thi, thời gian làm bài thi... thuộc thẩm quyền của các sở GDĐT, trình UBND cấp tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chỉ đạo, phê duyệt. Theo quy định phân cấp trên thì Bộ GDĐT sẽ không có công văn can thiệp, chỉ đạo về việc tuyển sinh lớp 10 tại các địa phương.

Việc ai đó cố tình làm giả công văn, giả chữ ký, giả con dấu của Bộ GDĐT với động cơ, mục đích gì thì phải chờ cơ quan công an điều tra làm rõ. Song, rõ ràng hành vi giả mạo trên đã gây ra tâm lý hoang mang, xáo trộn tư duy đối với không ít các em học sinh và các bậc phụ huynh có con em chuẩn bị thi vào lớp 10 THPT. Nếu không kịp thời phát hiện, công bố đó là công văn giả mạo, thì có biết bao nhiêu học sinh, phụ huynh học sinh, thậm chí cả một số thày cô thiếu thông tin... làm theo những yêu cầu giả mạo đó thì hậu quả thật không thể tưởng tượng được.

Nếu đặt vấn đề là công văn giả mạo nói trên sẽ khiến kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 của các địa phương đều bị đổ bể thì hơi quá, song nếu thực sự các cơ quan quản lý nhà nước phản ứng chậm thì sẽ có nhiều em “học tủ” theo chỉ đạo giả mạo trên thì có phải là trượt vào lớp 10 một cách oan uổng hay không? Đó là còn chưa kể khi nhiều học sinh học lệch, học tủ, dẫn đến trượt nhiều thì các trường THPT cũng sẽ không thể tuyển sinh đủ chỉ tiêu. Đó chỉ là một ví dụ nhỏ về tác hại ghê gớm của công văn giả mạo đang lan truyền trên mạng xã hội mấy ngày qua.

Tác hại đối với học sinh, phụ huynh học sinh thì đã đành và ai cũng có thể nhìn thấy rồi, nhưng còn những hậu họa khôn lường đằng sau việc giả mạo đó thì không thể cân, đo, đong, đếm hết được. Việc giả mạo cả chữ ký của Bộ trưởng, con dấu của một cơ quan quản lý nhà nước cấp bộ thì quả thật là to gan và “xưa nay hiếm”. Nó tạo ra một tiền lệ xấu để một số đối tượng “học theo”, thậm chí không dừng lại ở việc giả chữ ký, con dấu của cấp bộ nữa mà còn giả mạo ở những cấp có thẩm quyền cao hơn. Hoặc việc giả mạo đó không chỉ ở lĩnh vực GDĐT, mà còn ở các lĩnh vực khác có liên quan đến an ninh - quốc phòng thì sẽ ra sao? Nếu thực sự như vậy thì quả là đại họa cho xã hội.

Một số người thì cho rằng đây chỉ là trò đùa vui, bồng bột của ai đó “rảnh việc”. Song, dù không phải là giả mạo với động cơ phá hoại, hay mục đích đen tối nào đó, mà chỉ thuần túy là “giỡn chơi” thì đây cũng là trò đùa hết sức dại dột, nguy hiểm cần phải bị trừng phạt nghiêm khắc. Theo quy định tại Điều 341, Bộ luật Hình sự 2015, người nào làm giả (hoặc sử dụng) con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức có thể bị phạt tù từ 6 tháng đến 7 năm, tùy theo mức độ nghiêm trọng của tội phạm. Theo đó, hành vi làm giả và phát tán công văn giả của Bộ trưởng Bộ GDĐT sẽ bị nghiêm trị trước pháp luật.

Người có hành vi làm giả công văn của Bộ GDĐT đương nhiên sẽ phải chịu sự chế tài của pháp luật. Song, vấn đề đặt ra ở đây là hiện trên các trang mạng xã hội đang trôi nổi rất nhiều thông tin không đúng sự thật mà chưa được kiểm soát chặt chẽ. Danh dự, nhân phẩm của cá nhân, tổ chức dễ dàng bị bôi nhọ, phỉ báng trên các trang mạng xã hội, thậm chí sự nghiệp cả đời gây dựng của một cán bộ có thể bị mất hết chỉ vì những thông tin vô căn cứ được lan truyền trên mạng, bởi những người thiếu hiểu biết pháp luật. Vậy nên, đã đến lúc các cơ quan chức năng cần có những biện pháp mạnh tay để ngăn chặn những hành vi nguy hiểm này.

Lê Anh Đức

    Nguồn:daidoanket.vn

    BÌNH LUẬN

      BÌNH LUẬN CỦA BẠN

      M03-Honda Daklak
      ĐỐI TÁC
      Lên đầu trang Đặt làm trang chủ