A01-T7 - Honda Daklak
Dangfarm - A02
Cho thuê nhà 29 Lê Hồng Phong

Chung tay xoa dịu nỗi đau bom mìn

14:52 | 15/06/2018

Chiến tranh đã kết thúc hơn 40 năm, nhưng hiểm họa bom mìn vẫn rình rập, gây hậu quả nặng nề.

“Sống chung” với nỗi đau bom mìn

Đã nhiều năm trôi qua, nhưng nỗi đau do bom mìn vẫn mãi đeo đẳng với ông Nông Văn Thổ (xã Bình Thuận, thị xã Buôn Hồ). Ông kể lại, năm 1983, khi cả gia đình còn sống tại huyện Trùng Khánh (tỉnh Cao Bằng), trong lần ông lên rừng cắt dây về làm guồng dẫn nước thì bị vướng phải bom. Sau tiếng nổ vang trời, ông bị cụt chân phải, cơ thể chằng chịt vết thương, nhiều mảnh bom khác đến nay vẫn còn nằm lại trong cơ thể. Cuộc sống gia đình vốn thiếu thốn, vất vả, từ đó lại càng chật vật hơn bởi ông là lao động chính trong gia đình.

Bom mìn cũng khiến cuộc sống của gia đình ông Bùi Viết Thuần (xã Yang Reh, huyện Krông Bông) càng thêm khó khăn. Khoảng một năm trước, khi lên nương làm rẫy, ông Thuần vô tình cuốc phải đạn pháo 105 mm. Chỉ trong phút chốc, người đàn ông tuổi 60 bị cụt tay trái, còn con rể đi cùng là Lê Hoàng Giang bị cụt chân phải. Ông kể, phải mất gần nửa năm chữa trị vết thương, ông mới lao động lại bình thường, nhưng những lúc trái gió trở trời, vết thương cũ vẫn luôn hành hạ, khiến sức khỏe ông thêm giảm sút.

Còn rất nhiều người dân trên địa bàn tỉnh đang phải gánh chịu nỗi đau bom mìn, như ông Hà Sĩ Thành (xã Ea Pal, huyện Ea Kar) bị mù mắt trái và nhiều vết thương khác trên cơ thể; ông Dương Hoàng (xã Hòa Lễ, huyện Krông Bông) bị cháy mặt, đứt ruột; ông Vũ Mạnh Hùng (xã Ea Bông, huyện Krông Ana) bị mù một mắt, mắt còn lại cũng đang mờ dần; ông Y Tang H’Mốk (xã Nam Ka, huyện Lắk) bị cụt chân trái…

Trao hỗ trợ sinh kế tặng các nạn nhân bom mìn trên địa bàn tỉnh.

Tỉnh Đắk Lắk từng là chiến trường khốc liệt trong chiến tranh, cũng là địa phương chịu ảnh hưởng nặng nề hậu quả bom mìn thời chiến còn sót lại. Toàn tỉnh có 143/184 xã, phường, thị trấn với hơn 152 nghìn ha đất bị ô nhiễm bom mìn, nằm rải rác ở nhiều khu vực. Chỉ riêng trong 2 năm (2016 và 2017), lực lượng chức năng đã xử lý an toàn hàng chục quả bom cỡ lớn từ 250 kg trở lên, hàng trăm quả đạn pháo 105 mm, cùng hàng nghìn kilogam đạn còn nguyên kíp nổ được phát hiện khi thi công các công trình xây dựng, hay sản xuất nông nghiệp. Tính ra, từ năm 2010 đến nay, lực lượng chức năng đã phát hiện, xử lý tiêu hủy hơn 6.400 quả bom, mìn, vật liệu nổ; đã xảy ra 4 vụ tai nạn bom mìn khiến 10 người thương vong, gây hậu quả và tổn thất vô cùng nặng nề cho các nạn nhân, gia đình, xã hội.

Theo số liệu thống kê chưa đầy đủ, trong phạm vi cả nước có khoảng 800 nghìn tấn bom mìn, vật nổ còn sót lại sau chiến tranh; khoảng 6,6 triệu ha đất bị ô nhiễm bom mìn, vật nổ, rải khắp cả 63 tỉnh, thành phố. Từ năm 1975 đến nay, cả nước có trên 42 nghìn người chết, trên 62 nghìn người bị thương do bom mìn, trong đó 30% là trẻ em. Số nạn nhân bom mìn hằng năm không có dấu hiệu giảm bởi các vụ nổ do bom mìn vẫn không ngừng tăng lên…

Góp phần vì cuộc sống bình yên

Nhằm xoa dịu nỗi đau bom mìn, năm 2014, Hội Hỗ trợ khắc phục hậu quả bom mìn (HTKPHQBM) Việt Nam được thành lập. Thông qua nhiều hình thức, Hội đã tuyên truyền rộng rãi trong nhân dân về hiện trạng, tác hại và các biện pháp phòng tránh tai nạn bom mìn, vật nổ sau chiến tranh. Ngay sau khi thành lập, Hội đã tổ chức khám, lắp chân tay giả cho 45 nạn nhân; trao quà tặng 57 gia đình nạn nhân thuộc các xã thuộc huyện Vị Xuyên (tỉnh Hà Giang) bị ô nhiễm bom mìn nặng nề trong chiến tranh bảo vệ biên giới phía Bắc. Đến nay, Hội đã phối hợp tổ chức 18 đợt hoạt động hỗ trợ sinh kế cho trên 500 nạn nhân thuộc 17 tỉnh, thành phố trong cả nước. Hội còn tổ chức nhiều hoạt động hỗ trợ khác như điều trị vết thương, khám chữa bệnh, dạy nghề, tạo việc làm, thăm hỏi, tặng quà… giúp họ hòa nhập với cuộc sống cộng đồng.

Trưng bày các loại bom mìn, vật nổ còn sót lại sau chiến tranh.

Tại tỉnh Đắk Lắk, mới đây, Hội HTKPHQBM Việt Nam đã phối hợp cùng UBND tỉnh ra mắt Chi hội HTKPHQBM tỉnh; trao sinh kế có tổng trị giá 200 triệu đồng tặng 20 nạn nhân bom mìn có hoàn cảnh khó khăn. Đặc biệt, ngoài các thước phim sinh động, chân thực; tuyên truyền viên với phần thuyết minh gần gũi, dễ hiểu kèm hình ảnh trực quan đã giúp đông đảo người tham dự hiểu thêm tác hại khôn lường của bom mìn cũng như những nỗ lực, cố gắng của Chính phủ trong việc khắc phục hậu quả bom mìn trên cả nước. Mang niềm vui chung của 20 nạn nhân bom mìn được trao tặng sinh kế, ông Bùi Viết Thuần (xã Yang Reh, huyện Krông Bông) tâm sự: sự quan tâm giúp đỡ của cộng đồng là động lực lớn để gia đình thêm cố gắng vượt qua khó khăn. Vợ chồng ông sẽ sử dụng số tiền được tặng một cách hiệu quả để phát triển kinh tế gia đình.

Đánh giá về chương trình này, Phó Chủ tịch UBND tỉnh H’Yim Kđoh khẳng định: “Đây là sự kiện mang ý nghĩa nhân văn sâu sắc, nhằm huy động các tổ chức, cá nhân trong và ngoài tỉnh cùng chung tay phòng ngừa, khắc phục hậu quả bom mìn, vật nổ chiến tranh, góp phần đem lại cuộc sống bình yên cho nhân dân”.

Quỳnh Anh

    Nguồn: "Báo Đắk Lắk Điện tử”

    BÌNH LUẬN

      BÌNH LUẬN CỦA BẠN

      M03-Honda Daklak
      ĐỐI TÁC
      Lên đầu trang Đặt làm trang chủ