A01-T7 - Honda Daklak
Dangfarm - A02
Cho thuê nhà 29 Lê Hồng Phong

Nỗ lực chăm lo đời sống cho người có công

15:54 | 30/07/2018

Thời gian qua, các địa phương trong tỉnh luôn chú trọng thực hiện công tác “Đền ơn đáp nghĩa”, chăm lo cho các đối tượng chính sách. Nhờ vậy, đời sống của các đối tượng thương - bệnh binh, người có công với cách mạng ngày càng được cải thiện.

Ấm áp những ngôi nhà Tình nghĩa

Huyện Krông Búk hiện đang quản lý 1.500 đối tượng chính sách có công, trong đó có 387 người hưởng trợ cấp hằng tháng, còn lại là các đối tượng khác. Những năm qua, huyện đã quan tâm chỉ đạo, phối hợp thực hiện đầy đủ các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước đối với các đối tượng thương binh, gia đình liệt sỹ và người có công. Thực hiện chi trả đầy đủ, kịp thời các chế độ chính sách; trích ngân sách mua 4.182 thẻ bảo hiểm y tế cấp cho các đối tượng người có công với cách mạng với tổng kinh phí trên 2,7 tỷ đồng…

Từ năm 2013 đến nay, huyện đã huy động được gần 1 tỷ đồng quỹ Đền ơn đáp nghĩa, hỗ trợ xây dựng 16 nhà Tình nghĩa, sửa chữa 8 nhà cho các gia đình chính sách có công khó khăn về nhà ở. Ngoài ra, huyện còn hỗ trợ xây dựng, sửa chữa 10 căn nhà cho người có công theo Quyết định số 22/2013/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ; phối hợp với Ủy ban MTTQ Việt Nam huyện, các hội đoàn thể, doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh hỗ trợ xây dựng 18 căn nhà cho đối tượng chính sách.

Cán bộ LĐ-TB&XH xã Pơng Drang đến thăm gia đình bệnh binh Phạm Khắc Thìn ở thôn 9A. Ảnh: N. Xuân

Với tấm lòng tri ân và việc làm ý nghĩa đó, nhiều gia đình chính sách có công đã xây dựng được căn nhà mơ ước. Chẳng hạn như gia đình bà Nguyễn Thị Hảo (SN 1932, mẹ liệt sỹ) ở thôn 9, xã Pơng Drang có 5 người con, trong đó con đầu là Bùi Đình Nghị (SN 1953), nhập ngũ năm 1972, đến năm 1977 hy sinh. Sau khi khảo sát, năm 2017 huyện Krông Búk đã hỗ trợ gia đình bà 50 triệu đồng từ quỹ Đền ơn đáp nghĩa; con cháu, anh em đóng góp thêm 70 triệu đồng để xây dựng căn nhà rộng 50 m2.

Từng một thời vào sinh ra tử, chiến đấu ở khắp các chiến trường trong 14 năm (từ 1960 đến 1974), trở về cuộc sống đời thường khi đã là một bệnh binh, cuộc sống của gia đình ông Phạm Khắc Thìn  (SN 1940) ở thôn 9A, xã Pơng Drang thiếu thốn trăm bề. Chia sẻ khó khăn đó, giữa năm 2017, UBND huyện Krông Búk đã hỗ trợ gia đình ông 50 triệu đồng từ Quỹ Đền ơn đáp nghĩa để xây dựng căn nhà Tình nghĩa.

Ông Trần Minh Trân, Trưởng Phòng Lao động – Thương binh và Xã hội huyện Krông Búk cho biết: Nhìn chung, đời sống của người có công trên địa bàn huyện ngày càng được cải thiện, mức sống được nâng cao ngang bằng với mức sống người dân trên địa bàn. Tuy nhiên, đến cuối năm 2017, trên địa bàn huyện vẫn còn 13 hộ chính sách có công thuộc diện hộ nghèo (chiếm 0,085% tổng số hộ dân của huyện). Do đó, thời gian tới, phòng chủ động tham mưu cho lãnh đạo huyện huy động quỹ Đền ơn đáp nghĩa, hỗ trợ xây dựng nhà ở, phát triển sản xuất nhằm giúp các gia đình chính sách có công vươn lên trong cuộc sống.

Hỗ trợ phát triển kinh tế

Huyện Cư Kuin hiện đang quản lý 1.466 đối tượng có công với cách mạng. Những năm qua, các cấp, ngành và các địa phương trên địa bàn huyện luôn thực hiện tốt chính sách của Nhà nước đối với người có công với cách mạng, góp phần nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người có công. Huyện đề nghị truy tặng danh hiệu vinh dự Nhà nước cho 11 Mẹ Việt Nam Anh hùng; giải quyết chế độ trợ cấp hằng tháng cho 46.413 đối tượng với số tiền gần 71,3 tỷ đồng; tổ chức chi trả trợ cấp một lần cho 3.685 đối tượng với số tiền 3,8 tỷ đồng; giải quyết chế độ điều dưỡng tập trung, điều dưỡng tại chỗ cho hơn 1.900 đối tượng. Vào các dịp lễ, tết, UBND huyện đã thành lập đi thăm, tặng quà của Trung ương, của tỉnh cho 4.125 đối tượng người có công với cách mạng và thân nhân với số tiền 800 triệu đồng; UBND các xã đã trích ngân sách tặng quà cho 6.426 đối tượng với số tiền 500 triệu đồng.

Thương binh Đàm Văn Hinh (thôn Kim Phát, xã Hòa Hiệp, huyện Cư Kuin) chăm sóc vườn cây của gia đình. Ảnh: M.Hằng

Huyện Cư Kuin cũng đã vận động xây dựng Quỹ Đền ơn đáp nghĩa cấp xã được 2,9 tỷ đồng; hỗ trợ xây mới, sửa chữa 153 nhà cho người có công với cách mạng. Nhờ sự hỗ trợ, quan tâm, động viên này, đã có nhiều gia đình chính sách có công được tạo điều kiện để an cư lạc nghiệp, vươn lên trở thành điển hình trong phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo; như gia đình thương binh Nguyễn Văn Bốn (thôn 10, xã Ea Tiêu) đã được chính quyền địa phương hỗ trợ 50 triệu đồng để xây nhà vào năm 2017. Cùng với sự giúp đỡ của người thân, gia đình ông Bốn đã xây được ngôi nhà khang trang với diện tích 100 m2. Hay gia đình thương binh Đàm Văn Hinh (thôn Kim Phát, xã Hòa Hiệp) đã vượt lên hoàn cảnh khó khăn, vươn lên thành điển hình làm kinh tế giỏi ở địa phương. Ông Hinh vốn là quân nhân đơn vị C3, Tiểu đoàn 7, Sư đoàn 320 thuộc Quân đoàn 3 tham nghĩa vụ quốc tế tại Campuchia năm 1978. Trở về quê hương với thương tật 35%, năm 1982, ông Hinh vào lập nghiệp tại xã Hòa Hiệp (huyện Krông Ana, nay là huyện Cư Kuin). Nhờ cần cù lao động, đến nay, gia đình ông đã xây dựng được trang trại nuôi trồng tổng hợp rộng 8 ha gồm đàn bò 200 con, đàn dê 100 con, 5 sào ao nuôi thả cá, 2 ha cà phê, 2 ha tiêu, đồng thời trồng cây ăn trái và trồng cỏ nuôi bò, với thu nhập gần 500 triệu đồng mỗi năm.

Quan tâm giải quyết các chế độ chính sách

Đối với huyện Cư M’gar, trong những năm qua, địa phương cũng luôn quan tâm giải quyết các chế độ chính sách đối với người có công như: cấp thẻ bảo hiểm y tế; chăm sóc sức khỏe, điều dưỡng, hỗ trợ nhà ở, đất ở cho người có công… Riêng trong 5 năm (2013 - 2017), huyện đã tư vấn về chế độ cho hơn 250 trường hợp có công với cách mạng trong kháng chiến và hơn 1.500 trường hợp tham gia bảo vệ Tổ quốc, trong đó có 1.285 hồ sơ đủ điều kiện đề nghị cấp trên xem xét giải quyết; thực hiện chi trả chế độ cho người có công trên 103 tỷ đồng; hằng năm cấp thẻ bảo hiểm y tế cho hơn 2.000 người có công.

Huyện cũng đã hướng dẫn 115 người có công và thân nhân người có công làm các thủ tục để được cấp các phương tiện trợ giúp, dụng cụ chỉnh hình; giải quyết chế độ diều dưỡng cho 2.037 lượt người với số tiền hơn 2,5 tỷ đồng; giải quyết chế độ ưu đãi trong giáo dục và đào tạo cho hơn 600 lượt học sinh sinh viên là con thương bệnh binh, con liệt sỹ với số tiền hơn 3,6 tỷ đồng; hỗ trợ nhà ở theo Quyết định 22 của Thủ tướng Chính phủ về chính sách hỗ trợ cho người có công cho 72 hộ với trị giá trên 3,2 tỷ đồng... Ngoài các chế độ hưởng trợ cấp thường xuyên, vào các dịp lễ, tết, kỷ niệm Ngày Thương binh - Liệt sỹ, huyện đã thành lập các đoàn đến thăm và tặng quà cho 2.470 lượt gia đình chính sách, người có công, trị giá gần 880 triệu đồng…

Cán bộ Phòng Lao động – Thương binh và Xã hội huyện Cư M’gar thăm hỏi, tặng quà Mẹ Việt Nam Anh hùng Từ Thị Hiền (thị trấn Quảng Phú). Ảnh: T.Dũng

Bên cạnh đó, huyện Cư M’gar cũng đã tích cực triển khai phong trào chăm sóc, phụng dưỡng Mẹ Việt Nam Anh hùng. Đến nay 6/6 Mẹ Việt Nam Anh hùng còn sống trên địa bàn huyện đã được 12 doanh nghiệp, trường học trong và ngoài huyện nhận phụng dưỡng. Mỗi tháng các đơn vị đều cử cán bộ đến thăm và hỗ trợ cho các mẹ tối thiểu là 500.000 đồng/tháng; động viên, thăm hỏi lúc ốm đau, tặng quà nhân dịp lễ, tết...

Sự quan tâm kịp thời của các cấp chính quyền huyện Cư M’gar đã giúp nhiều gia đình chính sách có công vượt qua khó khăn, cải thiện cuộc sống. Đơn cử như gia đình ông Nguyễn Văn An (tổ dân phố 2, thị trấn Quảng Phú), con của liệt sỹ Phạm Thị Chi, không còn phải sống trong ngôi nhà xuống cấp bởi gia đình ông vừa được Quỹ Đền ơn đáp nghĩa của huyện hỗ trợ 70 triệu đồng, UBND thị trấn Quảng Phú hỗ trợ 3 triệu đồng, cùng sự đóng góp thêm của người thân để xây dựng ngôi nhà mới khang trang với diện tích gần 100 m2 trị giá 250 triệu đồng. Nhiều năm nay, ngoài được sự quan tâm chăm sóc về cả vật chất và tinh thần của cấp ủy đảng, chính quyền địa phương, Mẹ Việt Nam Anh hùng Từ Thị Hiền (tổ dân phố 5, thị trấn Quảng Phú), có hai con trai hy sinh trong kháng chiến còn được Nông trường Cao su Cuôr Đăng và Trường THPT Cư M’gar nhận phụng dưỡng.

Theo bà Nguyễn Thị Ngọc, Phó trưởng Phòng Lao động – Thương binh và Xã hội huyện Cư M’gar, toàn huyện có gần 3.000 người có công với cách mạng, trong đó có 6 Mẹ Việt Nam Anh hùng, 361 thương binh, 104 bệnh binh, 91 đối tượng là cựu tù yêu nước… Các hoạt động đền ơn đáp nghĩa được địa phương quan tâm thực hiện đã mang lại hiệu quả thiết thực, đến nay đời sống của các đối tượng chính sách, người có công trên địa bàn đã được cải thiện và từng bước nâng cao. Hầu hết các đối tượng chính sách đều có mức sống trung bình trở lên so với mức sống của người dân nơi cư trú.

Nguyễn Xuân - Mỹ Hằng - Trung Dũng

    Nguồn: "Báo Đắk Lắk Điện tử”

    BÌNH LUẬN

      Hyundai Hoang Viet - Thang 3

      Khẩn trương ban hành Đề án tổ chức Lễ hội Cà phê Buôn Ma Thuột lần thứ 9

      Ngày 16/4, UBND tỉnh tổ chức cuộc họp nghe Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch báo cáo dự thảo Đề án Lễ hội Cà phê Buôn Ma Thuột lần thứ 9. Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Ngọc Nghị chủ trì cuộc họp.

      BÌNH LUẬN CỦA BẠN

      M03-Honda Daklak
      ĐỐI TÁC
      Lên đầu trang Đặt làm trang chủ