A01-T7 - Honda Daklak
Dangfarm - A02
Cho thuê nhà 29 Lê Hồng Phong

Xóa bỏ 'văn hóa ăn chia'

16:10 | 28/08/2018

Đằng sau sự cắt giảm thủ tục hành chính phải là một sự đơn giản mang ý nghĩa thực tế chứ không chỉ là những cắt giảm mang tính cơ học.

Nếu vẫn duy trì một chế độ kiểm tra, xác nhận, thay vì hướng tới hậu kiểm e rằng sự phiền hà vẫn sẽ xảy ra đối với doanh nghiệp.

Chưa bao giờ thủ tục hải quan được đề cập nhiều như giai đoạn hiện nay, bởi hàng hóa có “thông quan” thì xuất nhập khẩu mới lưu thông. Nhất là trong bối cảnh Thủ tướng Chính phủ đã yêu cầu các bộ, ngành phải rà xét và xây dựng phương án, nghị định cắt giảm 50% các điều kiện kinh doanh. Một chỉ đạo mang tính cấp thiết để tạo thuận lợi cho doanh nghiệp (DN) trong sản xuất kinh doanh.

Thẳng thắn mà nói, Nghị định 68/2016/NĐ-CP được Chính phủ ban hành ngày 1/7/2016, với nhiều quy định về điều kiện kinh doanh hàng miễn thuế, kho bãi, địa điểm làm thủ tục hải quan, tập kết, kiểm tra, giám sát hải quan để đảm bảo công tác quản lý hải quan, đồng thời hướng tới mục tiêu hiện đại hóa quản lý kho, bãi, địa điểm làm thủ tục hải quan. Tuy nhiên, sau 2 năm thực hiện, nhiều vấn đề đang lại là “rào cản” đối với doanh nghiệp. Điển hình là việc nhiều địa điểm vẫn không đáp ứng điều kiện. 

Ông Đặng Hoàng Điệp- Trưởng phòng giám sát quản lý về hải quan Cục Hải quan Hà Nội đã thẳng thắn chỉ ra rằng, khi tiến hành rà soát cho thấy có 24 trong số 31 kho thuộc địa bàn quản lý của Cục Hải quan Hà Nội không đáp ứng các yêu cầu, quy định về điều kiện kinh doanh hàng miễn thuế, kho bãi, địa điểm làm thủ tục hải quan, tập kết, kiểm tra, giám sát hải quan.  Hay như 11/12 chi cục hải quan trực thuộc Cục Hải quan Hà Nội là chi cục hải quan ngoài cửa khẩu, các đơn vị này đều gặp khó khăn về địa điểm kiểm tra thực tế hàng hóa. Ví dụ, Chi cục Hải quan Hòa Bình không có địa điểm kiểm tra, hoặc có địa điểm kiểm tra nhưng nằm trong nội đô, bị hạn chế phương tiện ra vào theo giờ. “Các ý kiến DN phản ánh, các kho bãi, địa điểm mặc dù đã cố gắng nhưng DN chưa thể mở rộng để đáp ứng điều kiện về diện tích, chưa tìm được địa điểm phù hợp để đáp ứng yêu cầu về vị trí và diện tích. Bên cạnh đó, các địa điểm này vẫn đang hoạt động hiệu quả theo mục tiêu kinh doanh của doanh nghiệp”- theo ông Điệp.

Vấn đề được đặt ra là, tại sao quy định mới được ban hành 2 năm, là yêu cầu bắt buộc, là điều kiện chung yêu cầu DN phải thực hiện nhưng tại sao nhiều địa điểm vẫn không đáp ứng điều kiện? Phải chăng do chính sách không đáp ứng yêu cầu thực tiễn đặt ra hàng ngày, hàng giờ khiến DN vẫn phải “chạy” theo để đáp ứng. Hay nói cách khác là làm khó DN, mà suy cho cùng là lực cản cho sự phát triển của nền kinh tế khi DN được coi là “xương sống của nền kinh tế” nhưng lại đang “khó sống” trước những điều kiện đặt ra buộc phải đáp ứng trong một quy luật bất biến là phải theo các quyết định. Điều đó đặt ra thực tế cần phải một sự thay đổi, để khắc phục những bất cập do chính những quy định đặt ra chứ không đơn thuần nằm ở bộ máy, là nhân lực thực thi nhiệm vụ như lâu nay vẫn đang đề cập.

Để tháo gỡ khó khăn, hiện tại Tổng cục Hải quan đang hoàn thiện Dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định 68/2016/NĐ-CP để đảm bảo công tác cải cách thủ tục hành chính, thuận lợi cho hoạt động của DN, phù hợp với thông lệ quốc tế. Theo đó, những vấn đề được sửa đổi liên quan đến thẩm quyền thành lập, chấm dứt hoạt động đối với địa điểm tập kết, kiểm tra, giám sát hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu tập trung tại khu vực cảng thủy nội địa, cảng biển quốc tế, cảng hàng không quốc tế đường sắt liên vận quốc tế. Bên cạnh đó, Dự thảo Nghị định cũng sửa đổi đối với các quy định về điều kiện công nhận các loại hình kho bãi, địa điểm theo quy định tại Nghị định 68/2016/NĐ-CP; sửa đổi, bổ sung về hồ sơ đề nghị thành lập, mở rộng, thu hẹp, di chuyển, chuyển quyền sở hữu của các kho, bãi, địa điểm; đồng thời sửa đổi, bổ sung đối với trình tự tạm dừng, chấm dứt hoạt động của các kho bãi, địa điểm đã được công nhận.

Thế nhưng, ngay cả khi Dự thảo được sửa đổi và đang lấy ý kiến thì dự thảo sửa đổi Nghị định này vẫn đang gặp phải sự phản ứng mạnh mẽ của cộng đồng DN vốn là đối tượng tác động trực tiếp có liên quan. Hay nói cách khác, phương án sửa chưa đáp ứng được sự mong mỏi của cộng đồng DN. Đơn cử như theo quy định tại Dự thảo thì: Đối với trường hợp đổi tên, di chuyển, chuyển quyền sở hữu kho ngoại quan, DN phải có “văn bản thỏa thuận giữa bên chuyển quyền sở hữu và chủ hàng hóa gửi kho ngoại quan bao gồm: Hợp đồng liên quan đến chuyển quyền sở hữu; Văn bản thống nhất của chủ hàng về việc tiếp tục gửi hàng hóa tại kho ngoại quan sau khi chuyển quyền sở hữu trong trường hợp tại thời điểm chuyển quyền sở hữu chủ hàng vẫn có hàng gửi kho ngoại quan.

“Tuy nhiên, theo Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), việc yêu cầu DN phải cung cấp “văn  bản thống nhất của chủ hàng về việc tiếp tục gửi hàng hóa tại kho ngoại quan sau khi chuyển quyền sở hữu trong trường hợp tại thời điểm chuyển quyền sở hữu chủ hàng vẫn có hàng gửi kho ngoại quan” dường như  chưa hợp lý, hạn chế quyền sở hữu của chủ sở hữu kho ngoại quan. “Ví dụ trường hợp người gửi hàng không đồng ý tiếp tục gửi hàng thì chủ sở hữu kho ngoại quan không được chuyển quyền sở hữu?”- VCCI đặt vấn đề, đồng thời cho rằng quy định về việc phải có văn bản đồng ý tiếp tục gửi hàng của bên gửi hàng trong hồ sơ chuyển quyền sở hữu là “không có căn cứ pháp lý”.

Hay như theo quy định tại Khoản 4 Điều 13 sửa đổi thì trình tự đổi tên, chuyển quyền sở hữu kho ngoại quan được thực hiện như trình tự công nhận kho ngoại quan. Tuy nhiên theo nhìn nhận của VCCI, điều này là chưa hợp lý. Do đó, để tạo thuận lợi cho DN và đảm bảo về đơn giản hóa thủ tục hành chính, VCCI cho rằng cần quy định riêng về thủ tục đổi tên, chuyển quyền sở hữu kho ngoại quan theo hướng: Chỉ kiểm tra hồ sơ giấy tờ mà không kiểm tra thực tế; thời gian giải quyết thủ tục rút ngắn hơn so với thời gian giải quyết của thủ tục công nhận kho ngoại quan.

Một bên là cơ quan quản lý nhà nước, còn một bên là sự mong mỏi chờ đợi của cộng đồng DN về một cuộc “đãi phẫu” trong đơn giản hóa thủ tục hành chính, xóa bỏ những điều kiện phi lý đang làm khó cho DN cũng như tạo kẽ hở cho cán bộ thực thi công vụ vin vào đó để “vòi vĩnh”, ăn chia để “thông quan” theo một nguyên tắc “có đi - có lại”. Và muốn xóa bỏ “văn hóa ăn chia”, rất cần những phương án cắt giản mang tính triệt để, để trong nội bộ từng cơ quan không thể giữ lại những quyền của mình. Muốn vậy, việc cải cách rất cần giao cho các đơn vị độc lập, khách quan trong đánh giá, cũng như đề cao tính chịu trách nhiệm của các tư lệnh ngành trong cải cách.

Hoài Vũ

    Nguồn:daidoanket.vn

    BÌNH LUẬN

      Hyundai Hoang Viet - Thang 3

      Khẩn trương ban hành Đề án tổ chức Lễ hội Cà phê Buôn Ma Thuột lần thứ 9

      Ngày 16/4, UBND tỉnh tổ chức cuộc họp nghe Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch báo cáo dự thảo Đề án Lễ hội Cà phê Buôn Ma Thuột lần thứ 9. Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Ngọc Nghị chủ trì cuộc họp.

      BÌNH LUẬN CỦA BẠN

      M03-Honda Daklak
      ĐỐI TÁC
      Lên đầu trang Đặt làm trang chủ