A01-T7 - Honda Daklak
Dangfarm - A02
Cho thuê nhà 29 Lê Hồng Phong

BHXH tự nguyện: Điều chỉnh để tăng tính hấp dẫn

10:39 | 29/08/2018

Số người tham gia BHXH tự nguyện và số tiền thu hằng năm tăng cao hơn so với năm trước

Tuy nhiên, để thu hút người tham gia, cần tăng tính hấp dẫn của chính sách bởi mỗi năm vẫn có khoảng 600.000 người rời khỏi hệ thống BHXH để nhận trợ cấp một lần.

An sinh khi về già

Theo thống kê của Ban Thực hiện chính sách BHXH - BHXH Việt Nam, trong 6 tháng đầu năm, số người tham gia BHXH tự nguyện là 231.206 người, tăng 3.700 người so với năm 2017; số tiền thu BHXH tự nguyện là 565,5 tỉ đồng. Trong đó, đã giải quyết cho 3.432 người hưởng lương hưu hằng tháng, 43 người là thân nhân người lao động hưởng trợ cấp tuất hằng tháng, 3.485 người hưởng BHXH một lần và 202 người hưởng trợ cấp tuất một lần.

Nhiều chuyên gia cho rằng vài trăm ngàn người tham gia BHXH tự nguyện là con số rất thấp so với tổng số người trong độ tuổi lao động, trong đó nguyên nhân do chính sách BHXH tự nguyện chưa linh hoạt, thiếu hấp dẫn. Thời gian đóng BHXH tự nguyện để đối tượng được hưởng lương hưu quá dài, từ đủ 20 năm đóng BHXH trở lên.

Phó Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Đào Việt Ánh cho biết quy định nhà nước hỗ trợ tiền đóng cho người tham gia BHXH tự nguyện với mức hỗ trợ còn thấp, bằng 30% đối với người tham gia thuộc hộ nghèo; bằng 25% đối với người tham gia thuộc hộ cận nghèo; bằng 10% đối với các đối tượng khác. Mức hỗ trợ này không dựa trên mức đóng BHXH hằng tháng mà dựa trên mức chuẩn hộ nghèo, do đó chưa có sự khuyến khích người tham gia. "Điều này đòi hỏi sự hỗ trợ nhiều hơn từ ngân sách để người dân tin tưởng vào những lợi ích đạt được, từ đó có kế hoạch ngay từ khi còn trẻ để tiết kiệm một quỹ cho chính họ khi về già. Đây được coi là tấm lưới an sinh khi về già" - ông Ánh nói.

Cải cách chính sách BXHX tự nguyện để thu hút người tham gia. (Ảnh chỉ có tính minh họa)

Nêu lý do chính sách BHXH tự nguyện chưa hấp dẫn được lao động, ông Bùi Sỹ Lợi, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội, cho biết hiện đang có sự chênh nhau giữa BHXH bắt buộc và BHXH tự nguyện. Nếu như BHXH bắt buộc được hưởng 5 chế độ thì BHXH tự nguyện chỉ được hưởng 2 chế độ dài hạn là hưu trí và tử tuất mà thiếu đi các chế độ ngắn hạn đáp ứng ngay nhu cầu đa dạng trước mắt của người dân về thai sản, tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp. Nghị quyết 28-NQ/TW về cải cách chính sách BHXH đã đề cập đến giải pháp quan trọng là nghiên cứu, xây dựng gói BHXH ngắn hạn linh hoạt để người lao động có nhiều sự lựa chọn tham gia và thụ hưởng, đáp ứng nhu cầu không chỉ trong dài hạn mà cả trong ngắn hạn.

Nợ bảo hiểm vẫn phổ biến

Chia sẻ thêm khó khăn, thách thức trong quá trình thực thi chính sách BHXH, ông Bùi Ngọc Chương, Ủy viên Thường trực Ủy ban Về các vấn đề xã hội, cho rằng qua theo dõi, có một số điểm nổi lên trong chính sách BHXH: nhận thức của một bộ phận nhỏ người dân còn hạn chế; chính sách bảo hiểm thất nghiệp có mục đích giúp người lao động được quay trở lại học nghề, để trở lại thị trường lao động. Tuy nhiên, chính sách này lại bị lạm dụng, khi nhiều đối tượng đi nhận bảo hiểm thất nghiệp xong liền sang đơn vị khác làm.

Còn ông Đỗ Văn Sinh, Ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, cho hay về mặt pháp luật, tính tuân thủ pháp luật trong lĩnh vực BHXH chưa nghiêm, kể cả đơn vị sử dụng lao động lẫn người lao động cũng có ý tưởng trốn tránh pháp luật. Con số nợ bảo hiểm lên đến 5.000 tỉ đồng nhưng từ đầu 2018 chưa truy tố một vụ nào trốn đóng BHXH. Trong đó, nợ khó đòi lên đến 1.700 tỉ đồng, điều đó ảnh hưởng đến quyền lợi lao động.

Cùng quan điểm này, ông Lê Đình Quảng, Phó trưởng Ban Quan hệ lao động - Tổng LĐLĐ Việt Nam, nhận xét chính sách BHXH chưa thực sự linh hoạt, hấp dẫn với người lao động; tình trạng doanh nghiệp chậm đóng, nợ đọng BHXH còn nhiều, ảnh hưởng đến quyền lợi BHXH, làm giảm niềm tin của người lao động với chính sách của nhà nước. Thu nhập, đời sống của người lao động còn nhiều khó khăn. Trên 55% người lao động có thu nhập chỉ đủ mức chi tiêu hằng tháng, không có tích lũy. Khi dừng hợp đồng lao động, họ buộc phải tính đến việc nhận BHXH một lần. Tiền lương đóng BHXH trên thực tế còn rất thấp, đa số các doanh nghiệp đóng ở mức bằng hoặc trên lương cơ sở một chút dẫn đến quyền lợi, mức hưởng khi người lao động nghỉ hưu là rất thấp.

Chiến lược phát triển ngành BHXH đề ra mục tiêu phấn đấu đến năm 2020 có khoảng 50% lực lượng lao động tham gia BHXH; 35% tham gia bảo hiểm thất nghiệp. Tuy nhiên, hiện nay, tỉ lệ tham gia BHXH của người lao động vẫn rất thấp so với tổng số lực lượng lao động cả nước, mỗi năm có khoảng 1 triệu người tham gia BHXH nhưng lại có khoảng 600.000 người rời khỏi hệ thống BHXH để nhận trợ cấp một lần. Đa số lao động phi chính thức chưa tham gia BHXH tự nguyện và bảo hiểm thất nghiệp. Hiện mức độ tuân thủ tham gia BHXH bắt buộc chỉ đạt 60%-70% so với quy định pháp luật.

Các chuyên gia cho rằng ngành bảo hiểm cần mở rộng mạng lưới đại lý bảo đảm mỗi thôn, bản, tổ dân phố đều có điểm thu, có nhân viên đại lý thu; quản lý có hiệu quả hoạt động đại lý. Đồng thời, giao chỉ tiêu kế hoạch phát triển đối tượng cho đại lý thu cũng như rà soát, thống kê, phân loại theo tính chất công việc, điều kiện kinh tế gia đình khá, để tập trung tuyên truyền vận động các đối tượng này tham gia BHXH tự nguyện. 

Bài và ảnh: Hải Anh

    Theo Báo Người Lao Động (www.nld.com.vn).

    BÌNH LUẬN

      Hyundai Hoang Viet - Thang 3

      Khẩn trương ban hành Đề án tổ chức Lễ hội Cà phê Buôn Ma Thuột lần thứ 9

      Ngày 16/4, UBND tỉnh tổ chức cuộc họp nghe Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch báo cáo dự thảo Đề án Lễ hội Cà phê Buôn Ma Thuột lần thứ 9. Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Ngọc Nghị chủ trì cuộc họp.

      BÌNH LUẬN CỦA BẠN

      M03-Honda Daklak
      ĐỐI TÁC
      Lên đầu trang Đặt làm trang chủ