A01-T7 - Honda Daklak
Dangfarm - A02
Cho thuê nhà 29 Lê Hồng Phong

Có nên cấm tiệt rượu, bia

08:09 | 30/11/2018

Tại Kỳ họp thứ 6 Quốc hội khóa XIV đang diễn ra, thảo luận về dự thảo Luật Phòng chống tác hại của rượu bia, một số đại biểu Quốc hội cho rằng, việc cấm uống rượu bia trong giờ làm việc là khó khả thi,...

.... bởi rượu bia đôi khi là văn hóa giao tiếp, từ cơ quan hành chính nhà nước đến doanh nghiệp, từ quan chức cho đến người dân. Quan trọng là văn hóa uống bia rượu như thế nào, có kiểm soát được nó hay không.

Rượu, bia để kết tình “huynh, đệ”

Là người thường xuyên có mặt tại các quán bia hơi Hà Nội, anh Đỗ Quang Hào (Cầu Giấy, Hà Nội) cho rằng, thời nay các mối quan hệ xã hội nhiều khi xuất phát từ quán bia, quán rượu. Khi người ta kéo nhau tới một quán bia, quán rượu, cũng không chỉ có mỗi mục đích để uống bia rượu, mà còn để giới thiệu bạn bè, đồng nghiệp với nhau rồi cùng giao lưu. “Hồi còn học phổ thông tôi đâu có học ở Hà Nội nên làm gì có bạn trên này. Học đại học thì tính tôi khép kín, không giao lưu mấy nên cũng ít bạn. Vậy mà nay tôi có hàng trăm người bạn ở Hà Nội này, họ làm đủ mọi ngành nghề, lĩnh vực khác nhau, toàn quen thông qua... bàn nhậu cả đấy” – anh Hào bật mí.

Tương tự, chị Nguyễn Thu Hương (quận Long Biên, Hà Nội) cũng cho biết, bạn của chị hầu hết là thông qua những người bạn giới thiệu trên... bàn rượu. Chị Hương học chưa hết cấp 2, lại chỉ loanh quanh buôn bán ở chợ nên rất ít cơ hội làm quen với người khác, nhất là những người thành đạt. Ấy vậy mà chị lại có rất đông bạn bè, có người làm quan chức, có người làm bác sĩ, là doanh nghiệp... đủ các thành phần trong xã hội. Dù học hành không đến nơi đến chốn nhưng chị Hương lại có thế mạnh quan hệ ít người sánh được. Với bản tính nhiệt tình, chị Hương thường dùng mối quan hệ của mình để giúp đỡ bạn bè gặp lúc cơ nhỡ, khó khăn. Chẳng ai có thể tin được một bà bán hàng chỉ với một cú alo lại có thể “giải nguy” được cho bạn đang gặp rắc rối với CSGT.

Trớ trêu ở chỗ, nhiều người trước khi ngồi “chén chú, chén anh” ở bàn rượu thì ghét nhau, nhưng sau khi nâng ly vài lần thì đã cởi mở, hiểu nhau hơn, xóa đi những hiểu lầm trước đó để rồi trở thành “anh em chí cốt”. Theo đại biểu Quốc hội, PGS Phạm Bích San (chuyên gia xã hội học) thì điểm tốt của rượu bia là tạo hưng phấn, làm tăng khả năng giao tiếp giữa con người với nhau. Khi mọi người cùng ngồi uống rượu, uống bia thì tâm trạng rất cởi mở, dễ bỏ qua những khiếm khuyết, tinh thần tập thể được gắn kết. Không chỉ vậy, vị đại biểu Quốc hội này còn cho rằng, rượu bia làm giải tỏa căng thẳng trong đời sống cá nhân, giúp nhiều người vượt qua những khó khăn trong cuộc đời...

Hợp đồng cũng trên... bàn nhậu

Ở thời đại 4.0 này chắc không còn ai lạ lẫm với chuyện các doanh nghiệp, doanh nhân bàn việc hợp tác, ký kết hợp đồng chủ yếu thông qua... bàn nhậu. Để tìm hiểu về đối tác họ cũng kéo nhau quán bia, để quyết định có ký kết hợp đồng làm ăn không thì họ cũng cần có rượu. Tại sao lại như vậy? Tất nhiên không phải vì các doanh nhân thèm bia rượu của đối tác vì không có tiền mua, cũng không phải họ thích uống bia hay uống rượu. Đơn giản là qua cuộc nhậu, họ sẽ có thêm được nhiều thông tin hữu ích về đối tác. Từ tuổi của đối tác là gì, có hợp với tuổi mình không, có thể hợp tác ăn nên làm ra không hay chỉ lụn bại, cho đến doanh nghiệp của đối tác có tiềm lực kinh tế, khả năng chuyên môn đáp ứng được yêu cầu của doanh nghiệp mình hay không... hầu hết có thể nắm bắt sau khi uống bia, rượu.

Chỉ là ông chủ của một doanh nghiệp nhỏ, nhưng anh Âu Xuân Quyền khẳng định rằng, nhiều khi sự thành công hay thất bại của doanh nghiệp cũng đều xuất phát từ bàn rượu. Ngay cả khi đã quyết hợp tác với nhau rồi thì bia rượu cũng giúp cho việc thương thảo điều khoản hợp đồng giữa hai bên được suôn sẻ, thuận lợi hơn. Để minh chứng cho lời khẳng định của mình, anh Quyền thao thao bất tuyệt kể ra hàng loạt hợp đồng làm ăn anh có được (kể cả với đối tác tư nhân hay doanh nghiệp nhà nước) đều xuất phát từ những cuộc nhậu ở các quán bia, quán rượu. “Khi ngồi với uống nhau, mình biết được đối tác đang cần gì, mạnh ở chỗ nào để có thể ứng biến nhằm đáp ứng nhu cầu của họ thì việc hợp tác sẽ dễ dàng hơn rất nhiều...” – anh Quyền chia sẻ.

Không nên cực đoan

Trở lại câu chuyện dự thảo Luật Phòng chống tác hại của rượu bia cấm cán bộ, công chức, viên chức, người lao động uống rượu bia trong giờ làm việc, tại những địa điểm là cơ sở y tế, giáo dục, chăm sóc, nuôi dưỡng, vui chơi, giải trí dành cho người dưới 18 tuổi; trường giáo dưỡng, trại giam, trại tạm giam... Dư luận xã hội cho rằng, không nên quá cực đoan trong vấn đề này. Nếu nói là rượu bia gây ra TNGT thì ngay trong Luật Giao thông đường bộ và các nghị định, thông tư hướng dẫn đã cấm uống rượu bia rồi. Hơn nữa, nếu được Quốc hội thông qua thì Luật Phòng chống tác hại của rượu bia cũng chỉ cấm được cán bộ, công chức, viên chức và người lao động không được uống rượu bia trong giờ làm việc, vậy họ uống sau khi tan sở, tan ca thì sao? Chẳng phải họ vẫn vô tư tham gia giao thông và gây tai nạn đó ư?

Hay như lo ngại cán bộ, công chức, viên chức uống rượu bia sẽ dẫn đến say sỉn không làm việc được hoặc lao động với hiệu suất thấp cũng chưa thuyết phục. Theo như phân tích của chuyên gia xã hội học Phạm Bích San thì bia rượu có tác dụng kích thích hưng phấn, theo đó người ta sẽ làm việc hăng hơn, hiệu quả hơn. Người uống bia rượu dẫn đến say sỉn không làm việc được hay chất lượng lao động kém là do lạm dụng rượu bia, sử dụng quá nhiều. Ở đây việc uống rượu bia để giao lưu, tạo hưng phấn... và việc uống rượu bia tới say sỉn là hai phạm trù hoàn toàn khác nhau. Đối với những người nát rượu, có thói quen uống bia rượu tới say sỉn thì dù có cấm họ vẫn cứ uống bình thường, ngược lại đối với những người chỉ uống khi giao lưu, nhân dịp lễ lạt... thì họ biết kiểm soát để không ảnh hưởng tới công việc.

Về vấn đề này, đại biểu Quốc hội Phạm Văn Hòa (Phó trưởng Đoàn Đồng Tháp) khẳng định, việc cấm cán bộ, công chức, viên chức, người lao động uống bia rượu trong giờ làm việc là khó khả thi. Không những khiến một quy định đưa ra không được thực hiện nghiêm túc dẫn đến nhờn luật, mà còn dẫn đến thực trạng kiện cáo nhau gây mất đoàn kết nội bộ, dẫn đến hiệu suất lao động kém. Ông Hòa đặt câu hỏi: Liệu chúng ta có cam đoan chắc chắn là không uống rượu bia trong giờ làm việc hay không? Vị đại biểu Quốc hội này khẳng định, hầu như ai cũng uống, trừ người không biết. Lập luận của ông Hòa không phải là không có lý, khi mà trong các cuộc họp hành, tiếp khách... ngay ở các cơ quan nhà nước thì rượu bia cũng là một món không thể thiếu. Hoặc đi lễ tết bao giờ cũng phải kèm theo chai rượu. Như vậy, việc cấm hẳn việc uống bia rượu là khó khả thi.

Đồng quan điểm với việc không nên quá cực đoan trong việc cứ nhất thiết phải cấm cán bộ, công chức, viên chức, người lao động uống bia rượu trong giờ làm việc, song Phó Viện trưởng Viện Quản lý kinh tế Trung ương Phan Chí Hiếu lại phân tích vào khía cạnh khác. Ông Hiếu cho rằng, không nên đánh đồng rượu bia là tác hại, mà nó chỉ có hại trong một số trường hợp. Không kể những người lạm dụng rượu bia uống quá đà đến say sỉn, ông Hiếu đưa ra con số có tới 70% những trường hợp nguy hại cho sức khỏe là do uống rượu bia không rõ nguồn gốc xuất xứ, có nồng độ cồn công nghiệp quá cao, hay có các dư lượng hóa chất không được phép sử dụng. Vậy nên, theo quan điểm của một số đại biểu Quốc hội và dư luận xã hội, chỉ nên kiểm soát rượu bia và có chế tài đối với những trường hợp uống đến say sỉn mà không nên cực đoan cấm hẳn, bởi như vậy khó khả thi trên thực tế, dễ dẫn đến tư duy nhờn luật. 

Lê Anh Đức

    nguồn daiđoanket.vn

    BÌNH LUẬN

      Hyundai Hoang Viet - Thang 3

      Khẩn trương ban hành Đề án tổ chức Lễ hội Cà phê Buôn Ma Thuột lần thứ 9

      Ngày 16/4, UBND tỉnh tổ chức cuộc họp nghe Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch báo cáo dự thảo Đề án Lễ hội Cà phê Buôn Ma Thuột lần thứ 9. Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Ngọc Nghị chủ trì cuộc họp.

      BÌNH LUẬN CỦA BẠN

      M03-Honda Daklak
      ĐỐI TÁC
      Lên đầu trang Đặt làm trang chủ