A01-T7 - Honda Daklak
Dangfarm - A02
Cho thuê nhà 29 Lê Hồng Phong

Triển khai Đề án giảm nghèo theo địa chỉ giai đoạn 2018-2020: Hướng đến từng đối tượng, địa bàn cụ thể

14:10 | 29/11/2018

Để hướng đến thực hiện mục tiêu đưa Đắk Nông thoát khỏi tỉnh nghèo, kém phát triển vào năm 2020, UBND tỉnh đã phê duyệt Đề án giảm nghèo theo địa chỉ tỉnh Đắk Nông giai đoạn 2018-2020.

Đây được xem là cơ sở để các cấp, ngành, địa phương lồng ghép hiệu quả các chương trình, đề án cho công tác giảm nghèo một cách bền vững.

Mô hình sản xuất lúa lai đã giúp các hộ đồng bào dân tộc thiểu số tại chỗ xã Đắk R’tíh (Tuy Đức) ổn định đời sống. Ảnh tư liệu

Theo Sở Lao động - Thương binh và Xã hôi, Đề án giảm nghèo theo địa chỉ tỉnh Đắk Nông giai đoạn 2018 – 2020 được xây dựng nhằm đáp ứng yêu cầu mới về giảm nghèo một cách thật sự bền vững theo hướng cụ thể đến từng đối tượng, địa bàn, phạm vi và lộ trình giảm nghèo từng năm.

Đề án cũng xây dựng chi tiết việc gắn kết trách nhiệm của các cấp, các ngành trong việc thực hiện chính sách giảm nghèo và quản lý, theo dõi, giúp đỡ hộ nghèo. Trên cơ sở rà soát thực trạng, nguyên nhân nghèo đối với từng hộ dân tại các thôn, bon, buôn, Đề án tập trung nguồn lực giải quyết các vấn đề nghèo một cách căn cơ.

Cùng với đó, các cấp, ngành, đoàn thể đóng vai trò làm cầu nối trong việc hỗ trợ, lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của người nghèo, đánh giá sự tác động có hiệu quả của các chính sách giảm nghèo được triển khai trực tiếp đến từng đối tượng thụ hưởng, bảo đảm giải quyết thiếu hụt tiêu chí về thu nhập và tiêu chí các dịch vụ xã hội cơ bản cho từng hộ nghèo, đặc biệt là hộ nghèo đồng bào dân tộc thiểu số tại chỗ.

Theo kết quả điều tra, rà soát hộ nghèo năm 2017, toàn tỉnh có 25.144 hộ nghèo, chiếm 16,57% dân số. Vì vậy, Đề án đưa ra mục tiêu cụ thể là phấn đấu  hằng năm giảm 2% hộ nghèo trở lên, tương ứng giảm khoảng hộ nghèo 3.548 hộ/năm. Trong đó, hộ nghèo đồng bào dân tộc thiểu số giảm 3% và hộ nghèo đồng bào dân tộc thiểu số tại chỗ giảm từ 5% trở lên.

Phấn đấu đến năm 2020, tỷ lệ hộ nghèo của tỉnh còn dưới 7%, theo chuẩn nghèo đa chiều áp dụng cho giai đoạn 2016 – 2020. Đến năm 2020, mục tiêu đưa ra là toàn tỉnh có 6/12 xã thoát khỏi tình trạng xã có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn, 1 huyện thoát khỏi huyện có tỷ lệ hộ nghèo cao. Cùng với đó là 100% hộ nghèo, cận nghèo thiếu hụt về tiêu chí được hỗ trợ và tạo điều kiện vay vốn phát triển sản xuất, đào tạo nghề, tiếp cận dịch vụ y tế, giáo dục, nhà ở, nước sinh hoạt…

Để thực hiện mục tiêu đề ra, Đề án xây dựng kế hoạch chi tiết, cụ thể thực hiện giảm nghèo theo địa chỉ trên địa bàn theo lộ trình hằng năm. Trong đó, mỗi huyện, mỗi xã giảm theo tỷ lệ tương ứng với bao nhiêu hộ, đồng thời phân loại đối tượng ưu tiên tập trung giảm nghèo, từ đó xây dựng các giải pháp giảm nghèo cụ thể. Tại huyện Chư Jút, đến cuối năm 2017, toàn huyện còn 1.943 hộ nghèo, chiếm 9,03%. Mục tiêu hằng năm của huyện là giảm 2,2% trở lên, tương ứng với 563 hộ/năm.

Theo lộ trình, năm 2018, số hộ nghèo của huyện phấn đấu giảm còn 1.380 hộ, năm 2019 còn 817 hộ và năm 2020 còn 254 hộ. Tương tự, tại huyện Tuy Đức, cuối năm 2017, toàn huyện có 7.332 hộ nghèo, chiếm 53,24% dân số. Huyện Tuy Đức phấn đấu hằng năm giảm 5% hộ nghèo trở lên, tương ứng với số hộ giảm là 689 hộ/năm. Trong đó, năm 2018 số hộ nghèo giảm xuống 6.643 hộ; năm 2019, hộ nghèo giảm còn 5.955 hộ và năm 2020, số hộ nghèo toàn huyện còn 5.266 hộ…

Để thực hiện hiệu quả mục tiêu giảm nghèo theo địa chỉ, các cấp, ngành chuyên môn và địa phương xây dựng kế hoạch, quyết tâm tập trung nâng cao năng lực hướng dẫn cách phát triển kinh tế thông qua việc áp dụng khoa học kỹ thuật, chuyển đổi cơ cấu giống cây trồng, vật nuôi, xây dựng, nhân rộng mô hình sản xuất có hiệu quả cho hộ nghèo, cận nghèo, hộ đồng bào dân tộc thiểu số.

Nguồn kinh phí để triển khai Đề án được thực hiện từ các chính sách, dự án, chương trình giảm nghèo chung và chính sách giảm nghèo đặc thù của tỉnh đã được HĐND tỉnh phê duyệt tại Nghị quyết 56/2016/NQ-HĐND về Chương trình giảm nghèo bền vững tỉnh Đắk Nông, giai đoạn 2016 – 2020, với tổng kinh phí là 349,80 tỷ đồng. Trong đó, ngoài nguồn vốn Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững, các địa phương trong tỉnh cũng sẽ thực hiện lồng ghép nguồn vốn các chương trình, dự án hỗ trợ và huy động đóng góp hợp pháp từ các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh, các nguồn vốn hợp tác từ các tổ chức quốc tế, tổ chức phi chính phủ về kỹ thuật, nguồn lực để thực hiện thành công mục tiêu của Đề án.

Văn Tâm

    "Trang thông tin điện tử tổng hợp Báo Đắk Nông"

    BÌNH LUẬN

      BÌNH LUẬN CỦA BẠN

      M03-Honda Daklak
      ĐỐI TÁC
      Lên đầu trang Đặt làm trang chủ