A01-T7 - Honda Daklak
Dangfarm - A02
Cho thuê nhà 29 Lê Hồng Phong

Nỗi đau xé lòng dưới đỉnh Yang Hanh

10:10 | 17/03/2014

Đã 5 ngày trôi qua nhưng tang thương vẫn còn đang bao trùm lên hai thôn nghèo Yang Hanh và Ea Lueh (xã Cư Drăm, huyện Krông Bông),...

nơi có 4/5 học sinh xấu số được phát hiện bị chết vùi trong một hố cát cạnh bờ sông Krông Bông. Các em đã vĩnh viễn ra đi khi đang tạm xa gia đình để trọ học “nuôi” từng con chữ với khát vọng đổi đời, để lại nỗi đau thương xé lòng cho gia đình, người thân và bè bạn…

Tang thương thôn nghèo

Cái chết đau lòng của các em được một người đánh cá phát hiện vào sáng 13-3, khi người này thấy một thi thể bị chôn vùi trong cát ven bờ sông. Đến đầu giờ chiều cùng ngày, cơ quan chức năng đã tiến hành khai quật và tìm thấy tổng cộng 5 thi thể nằm chồng lên nhau trong một hố cát. Các nạn nhân được xác định gồm: Lý Seo Hùng (SN 1996, trú thôn Ea Bar, xã Cư Pui), học sinh lớp 10A5; Giàng Văn Bàng (SN 1996, thôn Ea Lueh, xã Cư Drăm), học sinh lớp 11A2; Ma Văn Bình (SN 1995, trú thôn Yang Hanh) học sinh lớp 12A4 (cùng học trường THPT Trần Hưng Đạo); Vàng Quang Vinh (SN 1997, trú thôn Ea Lueh) học sinh lớp 8A và Lý Seo Phông (SN 2001, trú thôn Ea Lueh), học sinh lớp 7B trường THCS Cư Drăm. Tất cả các em đều là người dân tộc Mông, vì nhà xa nên đang trọ học ở gần trường.


Tang thương phủ trùm dưới đỉnh Yang Hanh.

Nằm cách nhà anh Sánh chừng 200m, chị Ma Thị Nga, mẹ của Vàng Quang Vinh (ở thôn Ea Lueh) cũng nghẹn ngào tức tưởi: “Nếu con không trọ học xa nhà thì đã không chết oan uổng thế này…”. Chúng tôi không thể cầm được nước mắt khi biết được Vinh là con trai duy nhất trong gia đình có 5 chị em. Bởi hoàn cảnh quá nghèo nên bố của Vinh, anh Vàng Seo Quáng, mới xa nhà vào TP. Hồ Chí Minh làm công nhân. Nhận được hung tin con mất, anh liền tức tốc đón xe về. Nhà xa, đến sáng hôm sau, khi vừa về đến nhà thì cũng là lúc mọi người chuẩn bị di quan đưa Vinh về nơi an nghỉ cuối cùng…   Chúng tôi có mặt ở thôn Yang Hanh và Ea Lueh vào chiều 13-3, khi thi thể các em được người thân và gia đình đưa về nhà để lo việc hậu sự. Không khí tang thương trùm phủ lên hai thôn nghèo khi bóng chiều vừa đổ xuống. Những tiếng thét xé lòng từ tột cùng đau thương mất mát như vọng lại từ trong rừng thẳm thật thê thiết, tang thương. Chị Vàng Thị Chư, mẹ của cháu Ma Văn Bình đổ sụp bên quan tài con nức nở: “Nhà mình nghèo vì cha mẹ ít chữ. Cũng bởi mong muốn con kiếm cái chữ để đổi đời nên mới cho con xa nhà trọ học. Ngờ đâu, vì con xa gia đình nên mới… Con ơi!!!”. Anh Ma Văn Sánh, bố của Bình nghẹn ngào trong nước mắt: “Bình trọ học trong căn lều gia đình tự làm ở gần trường. Thường thì cuối tuần cháu về nhà lấy gạo, xin ít tiền. Cuối tuần qua cháu không về vì nhà hết tiền. Đến sáng thứ ba (ngày 11-3), mẹ cháu gom được 30.000 đồng mang ra cho cháu mua thức ăn tạm. Nào ngờ, đó cũng là ngày mẹ con gặp mặt nhau lần cuối…”.


Người dân thôn Ea Lueh đến thăm hỏi, động viên gia đình nạn nhân.

Cần một môi trường an toànNằm nép mình dưới dãy Yang Hanh hùng vĩ, Ea Lueh và Yang Hanh là hai thôn nghèo mới được thành lập, chủ yếu là người Mông di cư từ Bắc vào sinh sống. Cũng bởi cái nghèo đeo đẳng nên ai cũng mong muốn con mình được học hành tử tế để mong có cơ hội đổi đời. Nhưng làm thế nào để các con được đi học, trong khi khoảng cách từ nhà đến trường quá xa? Với khát vọng cháy bỏng đó, những ông bố, bà mẹ quanh năm lam lũ này đã quyết tâm dựng lều ở gần trường cho con mình “nuôi” cái chữ. Ngờ đâu, trong hành trình đi tìm con chữ ấy, các con của họ đã ra đi vĩnh viễn không về, để lại nỗi đau thương xé lòng cho gia đình, người thân và bè bạn… Trong số 5 em học sinh xấu số này, có 3 em đang trọ học trong những căn lều tạm bợ do gia đình tự làm, còn 2 em cũng đang ở trọ nhà người dân ở gần trường.

Ngay trong chiều tối 13-3, đoàn công tác của tỉnh do đồng chí Hoàng Trọng Hải, Chủ tịch UBND tỉnh dẫn đầu đã về tại hiện trường để nắm tình hình, chỉ đạo giải quyết và đến thăm, chia buồn với gia đình các nạn nhân xấu số.

Theo báo cáo của cơ quan điều tra với đoàn công tác, qua khám nghiệm hiện trường và khám nghiệm tử thi, bước đầu cơ quan công an nhận định nguyên nhân dẫn đến cái chết của các em là do bị sập hầm cát. Đại tá Trần Văn Viên, Trưởng Công an huyện Krông Bông cho biết: Theo nhận định, có nhiều khả năng vào trưa 11-3, sau khi ăn cơm xong, các em rủ nhau ra sông tắm. Dấu vết tại hiện trường cho thấy, sau khi tắm xong, các em rủ nhau vào hầm cát gần bờ chơi. Không may hầm sập khiến các em tử vong.

Tại buổi làm việc, đồng chí Hoàng Trọng Hải đánh giá đây là vụ việc hết sức nghiêm trọng. Chính quyền địa phương cần phải kịp thời động viên, chia sẻ với gia đình các nạn nhân và hỗ trợ cả về tinh thần cũng như vật chất trong điều kiện có thể. Về lâu dài, đồng chí Hoàng Trọng Hải đề nghị cấp ủy, chính quyền địa phương cần có sự quan tâm hơn nữa đến những trường hợp học sinh xa nhà trọ học. Làm thế nào để bảo đảm tốt nhất điều kiện về vật chất, tinh thần và môi trường an toàn để các cháu yên tâm học tập...

Ngay trong chiều tối cùng ngày, đoàn công tác của tỉnh đã đến từng nhà các nạn nhân để động viên, chia buồn và hỗ trợ mỗi gia đình có người chết 4 triệu đồng. Ngoài phần hỗ trợ của tỉnh, UBND huyện Krông Bông cũng hỗ trợ mỗi gia đình nạn nhân 2 triệu đồng; Hội Chữ thập đỏ tỉnh hỗ trợ 1 triệu đồng/ gia đình. Tối cùng ngày, lãnh đạo Sở Giáo dục và Đào tạo cũng đến thăm, chia buồn và hỗ trợ gia đình mỗi nạn nhân số tiền 3 triệu đồng.

Gặp chúng tôi một ngày sau khi sự việc xảy ra, em Thào Thị Thanh, học sinh lớp 7B Trường THCS Cư Drăm, bạn học cùng lớp với Lý Seo Phong, chưa hết bàng hoàng thảng thốt trước cái chết của bạn mình. Thanh cũng đang là một trong nhiều học sinh phải trọ học trong những căn lều tạm bợ ở gần trường. Thanh tâm sự: “Chúng em không muốn ở xa nhà thế này đâu. Ở nhà có bố mẹ, chị em vui vầy, đầm ấm. Còn ở trọ xa nhà buồn lắm, lẻ loi lắm. Nghe tin các bạn mất, em rất buồn và cũng rất lo. Không biết rồi đây bố mẹ có còn cho em đi học nữa không?”... Thanh cho biết: Khoảng cách từ trường về đến nhà (thôn Yang Hanh) là 15km. Nếu đi xe buýt thì mỗi tháng phải mất 300.000 đồng. Nhà em chắc không đủ tiền cho em mua vé xe buýt để đi học rồi về nhà trong ngày.

Rõ ràng, chỉ đạo của đồng chí Hoàng Trọng Hải là “Làm thế nào để bảo đảm tốt nhất điều kiện về vật chất, tinh thần và môi trường an toàn để các cháu yên tâm học tập” là yêu cầu cần kíp nhất hiện tại. Bởi nếu không, nguy cơ các em bỏ dở việc học sau tai nạn thương tâm này đang dần hiện hữu. Mong sao, bằng cách nào đó, những người có trách nhiệm hãy đừng để các em phải dang dở ước mơ trên hành trình đi tìm con chữ!

 Việt Cường

    Nguồn: Báo Dak Lak điện tử

    BÌNH LUẬN

      Hyundai Hoang Viet - Thang 3

      Khẩn trương ban hành Đề án tổ chức Lễ hội Cà phê Buôn Ma Thuột lần thứ 9

      Ngày 16/4, UBND tỉnh tổ chức cuộc họp nghe Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch báo cáo dự thảo Đề án Lễ hội Cà phê Buôn Ma Thuột lần thứ 9. Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Ngọc Nghị chủ trì cuộc họp.

      BÌNH LUẬN CỦA BẠN

      M03-Honda Daklak
      ĐỐI TÁC
      Lên đầu trang Đặt làm trang chủ