A01-T7 - Honda Daklak
Dangfarm - A02

Bỏ rơi trẻ sơ sinh có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự

10:30 | 26/07/2019

Vì nhiều lí do khác nhau, có những người mẹ sau khi sinh con đã bỏ rơi đứa con của mình trước cổng chùa, tại bãi rác, trên các con đường vắng…

 Cho dù có biện hộ bằng cách nào đi nữa, việc đem con đi bỏ này là hành động nhẫn tâm, bị xã hội lên án, người mẹ có thể bị dằn vặt, ân hận suốt đời vì cắn rứt lương tâm.

Không chỉ vi phạm đạo đức xã hội, dưới góc độ pháp luật, hành vi bỏ rơi trẻ sơ sinh là một việc làm vi phạm pháp luật, có thể bị xử phạt hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự.

Quan tâm chăm sóc trẻ em là trách nhiệm của mỗi gia đình và của toàn xã hộ

Vừa qua, một người dân đi bộ tập thể dục đã phát hiện trên ghế đá hoa viên thuộc địa bàn thị xã Gia Nghĩa có một bé gái sơ sinh được quấn trong chăn mỏng, ngoài ra không hề có bất cứ vật dụng hay giấy tờ nào để lại. Sau khi được phát hiện, cháu bé đã được đưa vào Bệnh viện Đa khoa tỉnh để được chăm sóc. Trước thông tin cháu bé bị bỏ rơi, dư luận đã lên tiếng xót xa cho em bé tội nghiệp và chỉ trích hành vi của người mẹ vô tâm...

May mắn thay, bố mẹ của cháu bé sau khi bỏ rơi con mình đã thấy hối hận và quyết định xin nhận lại con về chăm sóc. Theo đó, do bị gia đình ngăn cấm tình cảm, không có công ăn việc làm, không có tiền nuôi con nên cả hai túng quẫn phải bỏ con lại để nhờ người khác nuôi nấng một thời gian rồi tìm cách xin lại. Đây là một trong số ít những trường hợp trẻ sơ sinh bị bỏ rơi không bị ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe và được bố mẹ nhận lại về nuôi.

Pháp luật quy định cha mẹ không được bỏ rơi con cái, nhưng trên thực tế vẫn có nhiều vụ việc trẻ nhỏ bị bỏ rơi trong thời gian qua. Trường hợp mẹ bỏ rơi con nhỏ, trẻ sơ sinh ngày càng nhiều, trong đó, có những trường hợp trẻ bị bỏ rơi tử vong thương tâm. Do hoàn cảnh khó khăn, túng bấn, tâm lý bi quan về cuộc sống, trầm cảm sau sinh… nhiều người mẹ đã đem bỏ con của mình sinh ra. Nhưng vì lí do gì đi chăng nữa, hành vi dứt bỏ trẻ em là việc làm đáng lên án, cần phải ngăn chặn bởi trẻ em, nhất là trẻ sơ sinh là một trong những đối tượng được chính quyền, xã hội bảo vệ đặc biệt.

Hành vi dứt bỏ con mình sẽ bị xử phạt hành chính theo Nghị định 144/2013/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính về bảo trợ, cứu trợ xã hội và bảo vệ, chăm sóc trẻ em. Theo đó, các trường hợp bỏ hoặc không nuôi dưỡng, chăm sóc con sau sinh, cố ý bỏ rơi trẻ em ở nơi công cộng sẽ bị phạt tiền từ 10 - 15 triệu đồng và bị buộc thực hiện trách nhiệm nuôi dưỡng, chăm sóc con theo quy định.

 

Theo quy định Bộ luật Hình sự, người mẹ bị ảnh hưởng nặng nề từ tư tưởng lạc hậu, hoặc trong hoàn cảnh khách quan đặc biệt mà giết con do mình đẻ ra trong 7 ngày tuổi thì bị phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm. Trường hợp vứt bỏ con do mình đẻ ra trong 7 ngày tuổi dẫn đến hậu quả đứa trẻ chết thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 2 năm hoặc bị phạt tù từ 3 tháng đến 2 năm. Đứa trẻ bị bỏ rơi trên 7 ngày tuổi mà bị chết thì người mẹ có thể bị truy tố vì tội vô ý làm chết người với hình phạt cao nhất là 10 năm tù hoặc tội giết người với mức phạt cao nhất là tử hình.

 

Đã sinh con ra thì phải có trách nhiệm nuôi nấng, dạy dỗ con nên người. Mong rằng những ông bố bà mẹ dù vì lí do gì đi chăng nữa hãy luôn nâng niu, bảo vệ con của mình, đừng bao giờ nghĩ đến việc bỏ rơi con nhỏ. Bên cạnh những giá trị đạo đức con người, mọi hành vi vi phạm quyền trẻ em, làm tổn hại đến sự phát triển bình thường của trẻ em đều bị nghiêm trị theo quy định của pháp luật.

Bài, ảnh: Linh Thư

    Nguồn "Báo Đắk Nông điện tử"

    BÌNH LUẬN

      Hyundai Tháng 10

      BÌNH LUẬN CỦA BẠN

      ĐỐI TÁC
      Lên đầu trang Đặt làm trang chủ