A01-T7 - Honda Daklak
Dangfarm - A02
Cho thuê nhà 29 Lê Hồng Phong

Nan giải bài toán di dân tự do

09:00 | 02/04/2014

Tình hình di cư tự do (DCTD) đến các tỉnh Tây Nguyên trong những năm gần đây tuy có giảm về số lượng, nhưng tính chất phức tạp của “vấn nạn” này vẫn chưa được giải quyết một cách rốt ráo,...

khiến mục tiêu quy hoạch, xây dựng và phát triển kinh tế-xã hội ở nhiều địa phương bị phá vỡ, hoặc rơi vào tình trạng thụ động…

Gánh nặng

Tính riêng trên địa bàn Dak Lak hiện nay, số dân DCTD nằm ngoài quy hoạch lên tới hơn 67.200 hộ với gần 290.000 nhân khẩu (bằng số dân của một huyện trung bình). Theo tính toán của chính quyền sở tại, để ổn định nơi ăn, chốn ở, việc làm và các nhu cầu dân sinh khác cho số dân DCTD này phải tiêu tốn hàng trăm tỷ đồng.

Nước sạch đang là vấn đề nan giải ở các vùng đồng bào di cư tự do

Tại các “điểm nóng” như Krông Bông, Ea Súp, M’Drak, Krông Năng…đang thật sự gặp khó khăn trong việc sắp xếp, ổn định cho hàng nghìn hộ DCTD đổ vào. Vì bên cạnh những dự án dành cho đối tượng này đã “quá tải” thì quỹ đất và kinh phí để mở ra dự án mới đang trở nên nan giải. Chẳng hạn như huyện Krông Bông, Chủ tịch UBND huyện Huỳnh Bài cho hay: đến nay vẫn còn hơn 120 hộ dân ở các xã Cư Pui, Cư Drăm đang định cư bất hợp pháp trong các vùng cấm, vùng được quy hoạch không biết phải di dời về đâu, vì huyện không có điều kiện, khả năng mở ra dự án mới, đành chịu “lực bất tòng tâm”. Tương tự, xã Cư Kbang- huyện Ea Súp, từ năm 2008 đến nay, việc sắp xếp và ổn định cho dân DCTD vẫn không sao giải quyết dứt điểm được vì “làn sóng” này cứ liên tục kéo dài. Theo báo cáo của UBND huyện Ea Súp, số dân DCTD đến địa phương đã lên tới 1.357 hộ với gần 6.650 nhân khẩu. Hiện Ea Súp đã nỗ lực tranh thủ nhiều nguồn vốn giúp đỡ của tỉnh và Trung ương (khoảng hơn 27 tỷ đồng) để sắp xếp, ổn định cho 334 hộ/1.825 nhân khẩu DCTD tại địa bàn xã Cư Kbang, còn lại phải chờ cấp trên giải quyết! Theo tính toán của các ngành chức năng, đến năm 2015-2020, Dak Lak phải đầu tư ít nhất 2000 tỷ đồng  để quy hoạch thêm khoảng 5-6 dự án nữa mới cơ bản “vãn hồi” được “vấn nạn” DCTD đến đây. Đó là chưa kể đến một loạt cơ sở hạ tầng kéo theo phải được xây dựng nhằm phục vụ nhu cầu sinh hoạt, dân sinh cho số dân này. Đây quả là gánh nặng đối với Dak Lak trong thời gian tới, nếu như không được các bộ, ngành Trung ương và Chính phủ quan tâm kịp thời. Hơn thế, đó còn là một thách thức một khi việc thực thi qui chế phối hợp, hỗ trợ lẫn nhau về vấn đề DCTD giữa các tỉnh (có dân đi và dân đến) do Thủ tướng Chính phủ ban hành từ những năm 2004 không được hai bên cộng đồng trách nhiệm cùng nhau thực hiện với thái độ và quyết tâm cao.

Bên cạnh đó, “vấn nạn” trên còn nảy sinh nhiều vấn đề cần quan tâm. Trước hết là “làn sóng” DCTD  đổ vào Dak Lak nói tiêng và các tỉnh Tây Nguyên nói chung đã làm gia tăng dân số cơ học một cách mau chóng, khiến quy mô, cơ cấu và chất lượng lao động ở nhiều địa phương bị đảo lộn, gây khó khăn trong việc quản lý về mặt hành chính của cả nơi đi và nơi đến. Dân DCTD đến Tây Nguyên thường tìm đến những vùng rừng đầu nguồn, nơi đất đai màu mỡ để khai phá và canh tác. Và chính đặc điểm không thể lường trước đó được coi là áp lực đè nặng lên công tác quản lý, bảo vệ tài nguyên rừng trên địa bàn

Cần sự phối hợp đồng bộ

Ngày 12-2-2014, Ban Chỉ đạo Tây Nguyên đã có văn bản gửi Phó thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc, kiêm Trưởng Ban Chỉ đạo Tây Bắc nhằm phối hợp giải quyết vấn đề dân DCTD đến các tỉnh Tây Nguyên. Ông Trần Việt Hùng - Phó Trưởng Ban Chỉ đạo Tây Nguyên cho biết: Trong văn bản kiến nghị với Phó thủ tướng, Ban Chỉ đạo Tây Nguyên đã có những đề xuất cụ thể như: vốn để mở các dự án quy hoạch, sắp xếp số DCTD còn lại khoảng 2000 tỷ đồng; yêu cầu chính quyền các địa phương (bao gồm nơi đi và nơi đến) tăng cường mạnh mẽ và thường xuyên việc phối hợp giải quyết đồng bộ “vấn nạn” DCTD. Trong đó việc cấp bách nhất là các tỉnh trong khu vưc phải nhanh chóng phối hợp với các bộ, ngành Trung ương xin phép Thủ tướng Chính phủ chuyển đổi mục đích sử dụng đất rừng để xây dựng, quy hoạch dự án mới cho dân DCTD. Các tỉnh Tây Nguyên (nơi dân đến) tiếp tục có kế hoạch rà soát, quản lý và lập dự án đề nghị Chính phủ xem xét, giải quyết về kinh phí, cơ chế và nhất là chính sách đất đai để đến sau năm 2015 cơ bản hoàn thành nhiệm vụ này. 

Cũng theo ông Nguyễn Việt Hùng, trong 12 công tác, nhiệm vụ trọng tâm (giai đoạn 2014-2015), Ban Chỉ đạo Tây Nguyên đã có kế hoạch phối hợp với các bộ, ngành Trung ương cùng Chính phủ thống nhất ban hành quy chế phối hợp giải quyết các vấn đề liên quan đến công tác quản lý, ổn định đời sống cho đồng bào ở nơi mới; tăng cường công tác quản lý dân cư, tuyên truyền vận động trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số ổn định tại chỗ, hạn chế di cư đến nơi khác. Chỉ đạo các ngành, các địa phương cơ sở nắm chắc số dân và làm tốt công tác quản lý hành chính, đăng ký hộ khẩu, sổ hộ nghèo…cho người dân, kể cả số dân DCTD chưa ổn định. Quan tâm thực hiện chính sách dân tộc, tôn giáo và nhất là các chính sách an sinh xã hội (giáo dục, y tế, văn hóa) để giảm bớt khó khăn cho người dân. Theo đó, tập trung xây dựng hệ thống chính trị, tạo nguồn cán bộ trong vùng DCTD để hướng đến việc phát triển lâu dài, bền vững sau này khi hình thành các khu dân cư mới, nhất là địa bàn vùng sâu, vùng xa và vùng khó khăn trên địa bàn các tỉnh Tây Nguyên.

Điều đó hết sức quan trọng và cần thiết, bởi theo đánh giá của Ban Chỉ đạo Tây Nguyên cũng như chính quyền các tỉnh trong khu vực: việc quan tâm và chăm lo cho đồng bào DCTD đến đây cũng là một trong những giải pháp tạo thêm động lực cho vùng đất giàu tiềm năng này phát triển.

Phương Bối

    Nguồn: Báo Dak Lak điện tử

    BÌNH LUẬN

      BÌNH LUẬN CỦA BẠN

      ĐỐI TÁC
      Lên đầu trang Đặt làm trang chủ