A01-T7 - Honda Daklak
Dangfarm - A02
Cho thuê nhà 29 Lê Hồng Phong

Ai bồi thường những tai nạn đau lòng nơi công cộng?

08:33 | 27/06/2020

Tai nạn “từ trên trời rơi xuống” nếu cứ thản nhiên “ai xui nấy chịu” thì số phận con người thế kỷ 21 trở nên mỏng manh và yếu đuối lắm thay.

Cây gãy, cành rơi gây tai nạn thương tâm cần có cách giải quyết nhân văn hơn.

Cái chết của ông TML ở quận 10 - TP.HCM do bị cây gãy cành rơi trúng, khi đang lưu thông trên đường Tô Hiến Thành vào chiều 13/6, khiến nhiều người phải băn khoăn. 

Câu chuyện nghe kể thì rất đơn giản, nhưng hình dung lại rất đau đớn. Chiều 13/6, TP.HCM có cơn mưa lớn, mà lượng mưa đo được lên đến 100mmm kèm theo giông gió.

Không chỉ gây ngập úng và kẹt xe, mà một nhánh lim xẹt trong khuôn viên một công sở trên đường Tô Hiến Thành -quận 10, đã gãy khỏi thân rơi xuống đúng lúc ông TML đang chạy xe máy ngang qua, khiến ông TML tử vong tại chỗ.

Rủi ro luôn nằm ngoài ý muốn của mỗi người, nhưng không thể cứ tái diễn điệp khúc ai xui nấy chịu với những cái chết bẽ bàng nơi công cộng.

Hiện tượng cây xanh rớt cành ảnh hưởng trực tiếp đến người đi đường, đã xảy ra nhiều lần tại TP.HCM, và được gọi là “tai nạn từ trên trời rơi xuống”.

Thế nhưng, để giải quyết trách nhiệm cũng như truy vấn trách nhiệm thì dường như chưa có đáp án. Cách đây vài năm, có một sự kiện mà những ai quan tâm đến “tai nạn từ trên trời rơi xuống” không khỏi chạnh lòng. Một cô gái đang dừng xe trên vỉa hè, đã bị một nhánh cây rơi xuống làm trọng thương.

Là cán bộ của Công ty Công viên Cây xanh TP.HCM, kỹ sư Nguyễn Trịnh Kiểm đã vào bệnh viện thăm hỏi. Khi biết thân nhân của nạn nhân vì lo lắng cho con đang nằm cấp cứu mà chưa ăn uống gì, kỹ sư Nguyễn Trịnh Kiểm đã đi tự nguyện đi mua cho họ một tô cháo nóng.

Không những không cảm ơn, do quá bức xúc, thân nhân của cô gái đã hắt nguyên tô cháo nóng vào kỹ sư Nguyễn Trịnh Kiểm.

Xung đột ấy, chỉ mang tính cá nhân, nhưng phơi bày một thực trạng khác. Nếu những tai nạn nơi công cộng không được rành mạch về cơ quan chịu trách nhiệm đứng ra xử lý, thì sẽ làm rạn nứt nhiều mối quan hệ xã hội tốt đẹp.

Với trường hợp của ông TML mới đây thì sao? Khẳng định là một tai nạn bất khả kháng và không ai bồi thường chăng?

Giới luật sư phân tích: Theo điều 604 Bộ luật dân sự 2015, chủ sở hữu, người chiếm hữu, người được giao quản lý cây xanh phải bồi thường thiệt hại do sự cố cây cối gây ra. Nhưng không phải sự cố nào người bị thiệt hại cũng được bồi thường. 

Bởi theo điều 584 bộ luật này quy định sẽ không phải bồi thường thiệt hại vì sự kiện bất khả kháng hoặc hoàn toàn do lỗi của bên bị thiệt hại. Sự kiện bất khả kháng được xác định là sự kiện xảy ra một cách khách quan, không thể lường trước được và không thể khắc phục được… 

Theo đó, nếu đơn vị quản lý cây xanh đã làm mọi biện pháp như cắt tỉa, mé nhánh, duy tu... nhưng vì dông gió, sét đánh khiến cây vẫn đổ gãy gây thiệt hại thì được xem là yếu tố bất khả kháng. 

Để xác định trách nhiệm bồi thường trong trường hợp cây xanh ngã đổ gây thiệt hại về tính mạng và tài sản thì phải xem xét đơn vị quản lý cây xanh đã thực hiện hết trách nhiệm của mình chưa và người bị hại có lỗi hay không.

Tuy nhiên, luật sư Nguyễn Tri Đức (Đoàn luật sư TP.HCM) lại cho rằng: “Mặc dù có thể áp dụng theo luật định về nghĩa vụ bồi thường theo qui định tại Điều 604 Bộ luật Dân sự hiện hành, nhưng hiện nay vẫn chưa có qui định cụ thể về nguồn tài chính cho các đơn vị quản lý cây xanh sử dụng cho việc bồi thường (nếu có).

Do đó mặc nhiên tạo ra tiền lệ mọi trường hợp cây gãy đổ là “bất khả kháng” để không chịu trách nhiệm là một điều vô cùng bất cập, không thể chấp nhận được. Do đó các nhà làm luật cần kiện toàn cụ thể, qui định về nghĩa vụ trách nhiệm đối với các đơn vị, cá nhân liên quan cần nhìn nhận những thiếu sót trong việc quản lý chăm sóc kiểm tra cây xanh (nếu có) dẫn đến sự cố gây thiệt hại”.

Trường hợp bị cây rơi trúng khi đang lưu thông, cũng giống như trường hợp bị té do gặp ổ gà, ổ voi trên đường.

Xui ráng chịu ư? Ổ gà, ổ voi do tự nhiên mà có, cũng là bất khả kháng? Vậy thì ngân sách Nhà nước để chi cho những người phục vụ lợi ích công cộng bỗng dưng vô nghĩa?

Ngày 20/6/2017, Luật trách nhiệm bồi thường Nhà nước đã được ban hành, nhưng chủ yếu dành cho các đối tượng bị tác động bởi án dân sự hoặc án hình sự.

Luật pháp cần xem xét bồi thường những tai nạn nơi công cộng. 

Luật trách nhiệm bồi thường Nhà nước quy định “người bị thiệt hại là cá nhân, tổ chức bị thiệt hại về vật chất, thiệt hại về tinh thần do người thi hành công vụ”.

Vậy thì quản lý đường bộ, quản lý cây xanh, quản lý điện lực… cũng là những người thi hành công vụ chứ? Luật quy định người thi hành công vụ gây thiệt hại có nghĩa vụ cung cấp kịp thời, đầy đủ, chính xác, trung thực thông tin, tài liệu có liên quan đến việc giải quyết yêu cầu bồi thường theo yêu cầu của cơ quan giải quyết bồi thường và chịu trách nhiệm trước pháp luật về việc cung cấp thông tin, tài liệu của mình.

Đồng thời, người thi hành công vụ phải tham gia đầy đủ vào quá trình giải quyết yêu cầu bồi thường theo yêu cầu của cơ quan giải quyết bồi thường và quá trình xác định trách nhiệm hoàn trả theo yêu cầu của cơ quan trực tiếp quản lý người thi hành công vụ gây thiệt hại.

Do vậy, với ví dụ cụ thể là cái chết thương tâm của ông TML, nếu cán bộ Công ty Công viên Cây xanh thực hiện đầy đủ các nghĩa vụ trên, thì có thể triển khai bồi thường Nhà nước không?

Án oan hoặc án sai gây thiệt hại về tính mạng, tài sản, sức khỏe, tinh thần, danh dự… cho công dân thì bồi thường Nhà nước là hoàn toàn chính xác. Thế nhưng, hiện nay việc thực hiện bồi thường Nhà nước cũng có tình trạng đùn đẩy giữa các đơn vị.

Theo quy định hiện hành, cơ quan giải quyết bồi thường là cơ quan sau cùng ra quyết định gây oan sai. Thêm nữa, một số quy định về xác định cơ quan giải quyết bồi thường chưa rõ ràng cùng với quá trình gây oan sai có trách nhiệm của nhiều cơ quan tố tụng.

Điều này dẫn đến tình trạng các cơ quan tìm cách né tránh trách nhiệm khiến cho việc giải quyết bồi thường kéo dài, ảnh hưởng đến quyền lợi của người bị oan.

Đã có nhiều kiến nghị từ các chuyên gia pháp luật nhấn mạnh, để đảm bảo sự công bằng, khách quan và quyền lợi chính đáng trong quá trình giải quyết bồi thường, Nhà nước nên tính đến việc giao thẩm quyền giải quyết bồi thường cho một cơ quan độc lập. Có thể giao cho Cục Bồi thường nhà nước - Bộ Tư pháp để quy về một đầu mối, giúp việc bồi thường được nhanh chóng.

Theo ông Nguyễn Trương Tín- giảng viên môn Luật trách nhiệm bồi thường của nhà nước của Trường ĐH Luật TP.HCM, thì dù cơ quan nào gây ra oan sai thì Nhà nước vẫn chịu trách nhiệm bồi thường, còn cơ quan có người thi hành công vụ làm sai thì đứng ra giải quyết bồi thường. Tiềm thức của đa phần người dân thì cơ quan nào đứng ra giải quyết bồi thường thì chính là cơ quan làm oan và cơ quan này thể hiện sự yếu kém.

Ngoài ra, cơ quan này cũng chính là bị đơn trước tòa án vì theo Luật trách nhiệm bồi thường Nhà nước thì nếu thương lượng không thành, người bị oan có quyền kiện cơ quan đó.

Mặt khác, khi bị bồi thường thì còn liên quan đến thành tích của cơ quan đó, sự nghiệp chính trị, thi đua của cán bộ làm sai, nên những bất hạnh của người dân đều được giải quyết một cách miễn cưỡng và ít thiện chí.

Có lẽ đã đến lúc phải bổ sung những tai nạn nơi công cộng vào Luật bồi thường trách nhiệm Nhà nước. Nếu đất lở hoặc cầu sập mà ảnh hưởng đến công dân thì cũng nên bồi thường như bị án oan và án sai.

Bởi lẽ, mức độ mất mát và cay đắng tương đương nhau. Còn lấy lý do người bị tai nạn trông chờ vào nguồn tài chính từ các công ty bảo hiểm ư? Không dễ. Mặt khác, nếu đưa tai nạn nơi công cộng vào Luật bồi thường trách nhiệm Nhà nước thì càng chứng tỏ sự quan tâm của xã hội đến từng số phận con người.

GIA QUAN

(Kiến thức gia đình số 26)

Bài viết  gốc: https://nongnghiep.vn/ai-boi-thuong-nhung-tai-nan-dau-long-noi-cong-cong-d266863.html

    Nguồn: nongnghiep.vn

    BÌNH LUẬN

      BÌNH LUẬN CỦA BẠN

      M03-Honda Daklak
      ĐỐI TÁC
      Lên đầu trang Đặt làm trang chủ