A01-T7 - Honda Daklak
Dangfarm - A02

Lao đao thị trường lao động

16:07 | 09/07/2021

Đánh giá về thị trường lao động 6 tháng đầu năm 2021, thống kê của ngành Lao động - Thương binh và Xã hội cũng như của Tổng cục Thống kê đều đưa ra những con số “kỷ lục” về số người thất nghiệp,...

.... mất việc làm, xin hưởng trợ cấp bảo hiểm thất nghiệp một lần… cho thấy ảnh hưởng của dịch Covid-19 rất nặng nề.   

Đánh giá về thị trường lao động 6 tháng đầu năm 2021, thống kê của ngành Lao động - Thương binh và Xã hội cũng như của Tổng cục Thống kê đều đưa ra những con số “kỷ lục” về số người thất nghiệp, mất việc làm, xin hưởng trợ cấp bảo hiểm thất nghiệp một lần… cho thấy ảnh hưởng của dịch Covid-19 rất nặng nề.   

Giữ việc làm ổn định là nhiệm vụ cấp bách, cần được ưu tiên hàng đầu. Ảnh: Quang Vinh.

Đằng sau những con số

Thất nghiệp, phải xoay đủ nghề để mưu sinh không còn là câu chuyện riêng của một nhóm nhỏ lao động, hay của lao động yếu thế, lao động phổ thông mà là câu chuyện của gần 13 triệu người. Thống kê về tình hình lao động 6 tháng đầu năm 2021 vừa được Tổng cục Thống kê, Bộ Kế hoạch và Đầu tư công bố mới đây cho thấy, đại dịch Covid-19 đã tác động, làm ảnh hưởng trầm trọng đến 12,8 triệu người. Trong số này có 1,1 triệu lao động bị thất nghiệp, có tới 8,5 triệu lao động bị giảm thu nhập. Đáng chú ý, so với quý I-2021, quý II-2021 số người bị ảnh hưởng tiêu cực tăng 3,7 triệu lao động. Trong đó có không ít  những lao động là quản lý, lao động cấp cao, những cử nhân…

Ông Phạm Hoài Nam - Vụ trưởng Vụ Thống kê Dân số và Lao động, Tổng cục Thống kê cho rằng, con số thống kê trên vẫn chưa phản ánh hết thực trạng của thị trường lao động hiện nay. “Thị trường lao động chưa có dấu hiệu khả quan so với quý 1. Tỷ lệ tham gia lực lượng lao động, tỷ lệ lao động có việc làm phi chính thức, tỷ lệ thất nghiệp và tỷ lệ thiếu việc làm đều tăng so với quý trước” - ông Nam nói.

GS.TS Bùi Quang Tuấn - Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam dự đoán, số doanh nghiệp (DN) “buông tay” tới đây còn nhiều hơn nữa. Khi đó số lao động mất việc làm, thất nghiệp sẽ còn gia tăng mạnh. Cảnh báo này sẽ không còn là dự đoán bởi nhìn vào con số trung bình mỗi ngày có gần 400 DN rút khỏi thị trường, đặc biệt gần đây đã bắt đầu xuất hiện DN có quy mô lớn rời bỏ thị trường cho thấy, thị trường lao động đang đứng trước đợt sóng khó khăn như thế nào?

Đánh giá về bức tranh thị trường lao động 6 tháng đầu năm 2021, Bộ trưởng Bộ LĐTB&XH cũng cho rằng, những con số thống kê chưa thể nói hết được những tác động tiêu cực mà dịch Covid-19 đem lại. Nhưng có một thực tế là trong 6 tháng đầu năm 2021 đã ghi nhận những con số đáng phải suy ngẫm khi mà số lao động mất việc làm, phải nghỉ giãn việc, nghỉ không lương gia tăng trầm trọng. Các địa phương trong cả nước đều ghi nhận số lao động đăng ký hưởng trợ cấp thất nghiệp, bảo hiểm xã hội 1 lần gia tăng hơn so với năm ngoái. Điều này cho thấy việc giữ việc làm ổn định đang là một thách thức lớn.

Quan trọng vẫn là giữ việc làm

Từ thực trạng trên, theo các chuyên gia, giữ việc làm ổn định là nhiệm vụ cấp bách hiện nay và cần được ưu tiên hàng đầu. Thực tế việc làm ổn định được xem là “chìa khóa” để thiết lập chế độ an sinh toàn diện và trong bối cảnh dịch Covid-19 như hiện nay, việc giữ việc làm ổn định cấp thiết hơn bao giờ hết.

Trả lời câu hỏi giải pháp nào để có thể giữ việc làm trong bối cảnh hiện nay, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) Vũ Tiến Lộc thẳng thắn cho rằng, chỉ khi DN “khỏe” thì mới có thể tạo việc làm bền vững cho người lao động. Để đạt được mục tiêu bảo vệ việc làm, Chính phủ cần có các chính sách hỗ trợ DN duy trì sản xuất, kinh doanh, vượt qua tác động của dịch bệnh.

Còn theo ông Phạm Hoài Nam, giải pháp quan trọng lúc này là triển khai thần tốc và hiệu quả 12 chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch Covid-19 theo đúng tinh thần của Nghị quyết 68/NQ-CP vừa ban hành ngày 1/7. Với kinh phí 26.000 tỷ, trong đó tập trung chủ yếu vào 2 đối tượng là DN và người lao động được kỳ vọng sẽ là “bệ đỡ” để DN và người lao động vượt qua khủng hoảng do dịch Covid-19.

Việc triển khai hiệu quả Nghị quyết 68 được xem là cú hích quan trọng giúp DN và người lao động cũng được Bộ trưởng Đào Ngọc Dung khẳng định.

Theo Bộ trưởng, 12 đối tượng được hưởng hỗ trợ lần này có thể nói đã bao quát được hết những đối tượng bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19. Chính vì vậy, việc triển khai gói hỗ trợ 26.000 tỷ đồng với phương thức đột phá, tối giản các thủ tục, đặt lợi ích quyền lợi của người lao động và người sử dụng lao động lên cao nhất. Theo đó chính sách cho vay với lãi suất ưu đãi đã giảm từ hơn 1 tháng xuống tối đa còn 7 ngày; chính sách hỗ trợ đóng bảo hiểm cũng giảm từ 25 ngày xuống còn 5 ngày…

“Trong số 26 nghìn tỷ đồng thì có tới 7,5 nghìn tỷ dành để cho các DN vay hỗ trợ trả lương và duy trì sản xuất. Còn đối với người lao động bị ảnh hưởng bởi dịch sẽ được hỗ trợ 9 triệu đồng để đào tạo nghề. Ngay chiều 7/7, sau khi Chính phủ ban hành Quyết định hướng dẫn triển khai Nghị quyết 68 hiệp hội DN Nhật Bản và Hàn Quốc đã ngay lập tức cho phiên dịch Quyết định này sang tiếng Hàn và tiếng Nhật để phổ biến cho các DN. Tôi tin 7.500 tỷ dành cho các DN vay sẽ được giải ngân nhanh chóng. Việc triển khai Nghị quyết 68 hiệu quả sẽ là giải pháp giúp DN vượt khó, đồng thời giúp người lao động nâng cao tay nghề từ đó có việc làm ổn định” - Bộ trưởng Đào Ngọc Dung nhấn mạnh.

Theo Tổng cục Thống kê, tỷ lệ thanh niên không có việc làm và không tham gia học tập hoặc đào tạo trong quý I năm 2021 là 16,3%, tương đương với 2 triệu thanh niên. Nhiều chuyên gia cảnh báo, những con số này cho thấy, tiềm ẩn tình trạng bất ổn, chưa kể đến việc gia tăng tội phạm trong xã hội. Con số là vô hồn nhưng đằng sau chúng là vô vàn lo lắng về nghèo đói, bệnh tật, thất học, trầm cảm... những vấn đề xã hội khó lường.

LÊ BẢO

Bài viết gốc: http://daidoanket.vn/lao-dao-thi-truong-lao-dong-5656956.html

 

    Nguồn: daiđoanket.vn

    BÌNH LUẬN

      Hyundai Tháng 10

      BÌNH LUẬN CỦA BẠN

      ĐỐI TÁC
      Lên đầu trang Đặt làm trang chủ