A01-T7 - Honda Daklak
Dangfarm - A02
Cho thuê nhà 29 Lê Hồng Phong

Cấm bán bia vỉa hè: Thêm một quy định “trời ơi!”

15:36 | 05/09/2014

Bộ Công thương đang lấy ý kiến về dự thảo Nghị định quản lý sản xuất, kinh doanh bia. Đáng chú ý, dự thảo nói trên có đưa ra một số quy định đang gây ra nhiều tranh cãi,...

không ít ý kiến bất đồng trong dư luận, đó là quy định về việc cấm  kinh doanh bia tại các địa điểm: trường học, bệnh viện, công sở và vỉa hè.
 
 
Bán bia vỉa hè là vi phạm pháp luật?
Các hành vi như kinh doanh bia tại các địa điểm như trường học, bệnh viện, công sở, vỉa hè; bán sản phẩm bia cho người có biểu hiện say bia, say rượu; cho phụ nữ có thai hoặc trong thời gian đang cho con bú; cho người đang có bệnh lý về lạm dụng sử dụng rượu bia sẽ bị xem là vi phạm pháp luật.
 
(Trích dự thảo Nghị định quản lý sản xuất, kinh doanh bia của Bộ Công thương)

Theo đánh giá của Bộ Công thương trong dự thảo về Nghị định quản lý sản xuất, kinh doanh bia, tại Việt Nam, đồ uống có cồn (rượu, bia) có lịch sử lâu đời, đối với người dân việc uống rượu, bia còn là một nét văn hóa trong đời sống xã hội. Người ta uống rượu, bia trong các dịp lễ Tết, giỗ chạp, ma chay, tụ hội, trong các cuộc vui, hội ngộ bạn bè, gia đình. Sản phẩm bia nếu được quản lý tốt (từ sản xuất, kinh doanh đến tiêu dùng) thì mang lại nhiều lợi ích cho xã hội, đó là giải quyết công ăn, việc làm cho người lao động, là nguồn thu đáng kể cho ngân sách nhà nước. Sản phẩm bia nếu được sử dụng đúng cách và có điều độ sẽ có tác dụng tốt cho sức khỏe của người sử dụng…

Tuy nhiên, hiện nay việc kinh doanh sản phẩm bia do có nhiều bất cập, như uống quá nhiều gây tai nạn, do đó  cần phải đưa vào để quản lý chặt chẽ hơn so với hiện trạng quản lý như hiện nay, nhằm khắc phục những hậu quả xấu do việc lạm dụng mang lại. Bộ Công thương cho rằng, sau khi Nghị định có hiệu lực, thuế thu về cho Ngân sách Nhà nước ước tính tăng thêm khoảng 3.150 tỷ đồng mỗi năm. Phí để thực hiện việc cấp Giấy phép sản xuất bia ước tính khoảng 3,5 tỷ đồng mỗi năm.
 
Với việc tiêu thụ hơn 3 tỷ lít bia trong năm 2013, Việt Nam là nước tiêu thụ bia cao thứ 3 tại châu Á (sau Nhật Bản và Trung Quốc). Trong 10 năm qua tốc độ tiêu thụ bia của người Việt Nam đã tăng hơn 200%. Đáng quan ngại, rượu, bia đứng trong số 10 nguyên nhân gây tử vong cao nhất toàn cầu. 
 
Vẫn theo đánh giá của Bộ Công thương, uống quá nhiều bia không chỉ ảnh hưởng đến sức khỏe của người uống, mà còn là nguyên nhân dẫn đến tình trạng bạo lực gia đình, gây mất trật tự an ninh xã hội và trở thành gánh nặng cho gia đình và xã hội. Uống nhiều bia khi lái xe là nguyên nhân gây nên tai nạn giao thông, uống bia trong giờ làm việc ảnh hưởng đến kết quả công việc… 
 
Trước những nhận định này, Bộ Công thương đã đưa vào dự thảo Nghị định sản xuất kinh doanh bia quy định: Các hành vi như kinh doanh bia tại các địa điểm như trường học, bệnh viện, công sở, vỉa hè; bán sản phẩm bia cho người có biểu hiện say bia, say rượu; cho phụ nữ có thai hoặc trong thời gian đang cho con bú; cho người đang có bệnh lý về lạm dụng sử dụng rượu bia sẽ bị xem là vi phạm pháp luật.
 
 
Nếu dự thảo Nghị định của Bộ Công thương được chấp thuận, 
sẽ không còn bia hơi vỉa hè
Không khả thi!
 
Quy định nói trên đã tạo ra nhiều ý kiến bất đồng. Bởi, hàng loạt các quy định đã từng được nhà quản lý xây dựng, ban hành trước đây do tồn tại nhiều bất cập, thiếu tính thực tiễn đã… chết yểu, chẳng hạn như quy định về việc chỉ được bán thịt lợn sau 8 tiếng giết mổ, hay quy định biển xe chẵn chỉ được đi ngày chẵn, biển xe lẻ chỉ được đi ngày lẻ… mới đây nhất là quy định cấm bán bia rượu sau 20 giờ. Một lần nữa, nhà quản lý lại đưa ra một quy định "trời ơi!”, rất thiếu thực tế, do đó không ít ý kiến nghi ngờ về tính khả thi của quy định này.
 
Lý do là bởi, lâu nay, việc kinh doanh, buôn bán các loại đồ ăn, thức uống ở vỉa hè đã phổ biến và nó cũng tạo cho người tiêu dùng Việt Nam một thói quen, gần như trở thành tập quán, kéo dài hàng chục năm qua, vậy quy định trên liệu có dễ dàng loại bỏ được thói quen đó của người tiêu dùng? 
 
Thêm nữa, theo ông Đỗ Gia Phan, nguyên Phó Chủ tịch Hiệp hội người tiêu dùng Việt Nam, đến những quy định rất hợp lý như việc cấm hút thuốc lá ở nơi công cộng mà các nhà quản lý còn thực hiện không xong, thì một quy định thiếu thực tế như trên thật khó có thể triển khai được. Ông Phan nêu lên thực tế, việc cấm hút thuốc lá nơi công cộng đã từng được người dân hết sức ủng hộ, có cả quy định xử phạt người vi phạm, song quy định đó dường như cũng không được thực hiện đến nơi đến chốn. Trên thực tế, nhiều người vẫn hút thuốc lá nơi công cộng song không thấy ai bị phạt, vấn đề ở đây là nhà quản lý đưa ra quy định nhưng không thực hiện đến nơi đến chốn, thiếu trách nhiệm với việc giám sát thực thi… Với một quy định có thể coi là "được lòng dân” đến vậy còn không thực thi nổi thì với quy định nói trên, nhiều điểm bất hợp lý, đi ngược với thói quen, tập quán của số đông người tiêu dùng, vậy liệu có khả thi hay không?
 
Bất kỳ một quy định nào đưa ra, cũng cần dựa trên tính thực tế, tham khảo ý kiến của người dân, doanh nghiệp, vì họ là những những người trực tiếp chịu sự tác động của chính sách, song lâu nay, nhiều vấn đề, văn bản quy định nhà quản lý ban hành đã bỏ qua yếu tố này. Do đó đã rất nhiều quy định bị lãng quên, hoặc mới thực thi đã… chết yểu. Bởi vậy, nhiều ý kiến cho rằng, các nhà quản lý trước khi ban hành một chính sách, quy định cần phải tính đến yếu tố khả thi cũng như tác động của chính sách đến người dân ra sao, nếu không sẽ gây mất lòng tin của người dân vào chính sách.
 
Minh Phương

    nguồn: daidoanket.vn

    BÌNH LUẬN

      BÌNH LUẬN CỦA BẠN

      M03-Honda Daklak
      ĐỐI TÁC
      Lên đầu trang Đặt làm trang chủ