A01-T7 - Honda Daklak
Dangfarm - A02
Cho thuê nhà 29 Lê Hồng Phong

Tai họa không từ trời rơi xuống

09:33 | 29/12/2014

Có người đã ví tai họa giống như những con rắn lục ẩn nấp trong bụi cây ven đường. Người ta không thể tránh khỏi nó và vì thế, chỉ có thể đổ lỗi cho số phận khi bị chiếc răng sắc của nó cắm sâu và nọc độc ngấm vào da thịt.

Trẻ em không may gặp rủi ro càng hay bị đổ lỗi như vậy, nhưng 70% số vụ đến từ lỗi của người lớn. Càng tử tế và cẩn thận, càng bớt những nguy cơ khiến trẻ "cùng đường”.
 
 
Hung khí do học sinh tự chế
 
Chỉ 18,2% học sinh tin trường học an toàn
 
Các vụ tai nạn thương tâm liên quan tới trẻ em tuần qua như đuối nước trong bể nước sinh hoạt gia đình, tử vong do bạn "lỡ tay” bóp cò súng hơi cồn, rơi xuống giếng sâu 12 mét…, khiến dư luận bàng hoàng lo ngại. Đó là chưa kể những tai họa bạo lực ngấm ngầm hủy hoại sức khỏe mà nhiều trẻ chưa lên tiếng nên chưa nhiều người thấy hết mức độ nguy hiểm. 
 
Môi trường học đường hiện có quá nhiều rủi ro, gói trong những con số khảo sát gây giật mình. 58,6% HS thú nhận có hành vi bạo lực do bị bạn bè nói xấu, xúc phạm; 34,3% HS từng bị bạn chửi mắng và sỉ nhục; 27,8% HS bị bạn đánh. Theo kết quả do Tổ chức Plan tại Việt Nam phối hợp với Sở GD&ĐT Hà Nội công bố tháng 3 năm nay, chỉ có 18,2% số học sinh được hỏi cho rằng trường học tuyệt đối an toàn. 
 
Cả một khối đau đớn âm thầm dẫn tới những bế tắc nguy hiểm ở trẻ, khi những vụ bạo lực phát hiện được chỉ là bề nổi của tảng băng chìm, còn bao vụ khác người lớn chưa biết, nhưng cách học sinh giải quyết mâu thuẫn như xã hội đen đang khiến trẻ em có cảm giác sợ hãi, lo lắng, mất ngủ, stress rối loạn tâm thần... 
 
Mới nhất là số liệu từ hội thảo "Thực trạng và giải pháp ngăn chặn bạo lực học đường trong trường phổ thông” do Viện Nghiên cứu Giáo dục trường Đại học Sư phạm TP.HCM tổ chức giữa tuần này. Có 34% học sinh nam có khuynh hướng phản ứng đánh lại khi bị đối xử bạo lực trong khi nữ chỉ 23,5%. Ba năm qua có tới 48 vụ bạo lực xảy ra ở 9 trường THPT Khánh Hòa. 39 vụ hội đồng kỷ luật nhà trường phải xử lý. Sở GD&ĐT Lâm Đồng thống kê năm học qua trong 33 vụ bạo lực học đường thì 7 vụ dùng hung khí. 
 
Vấn đề là ở chỗ, thời nào cũng cần thầy cô làm gương cho học trò trong cách sống và đó trở thành chỗ dựa tinh thần lớn cho trẻ. Nhưng tai họa là ở chỗ hết sức khó xác định giáo viên đã công tâm tới mức nào trong lĩnh vực khá phù du của đánh giá, hỗ trợ học trò vượt khó. Lấy tiêu chí nào để xét đoán tính thô bạo của học trò có từ đâu? Đâu là ranh giới giữa sự dạy dỗ nặng lời và mạt sát cho hả giận? Và bao giờ cả nước đủ giáo viên tâm lý học đường? 
 
Bà Lê Thị Thảo, Trưởng phòng Công tác học sinh - sinh viên Sở GD&ĐT Đắk Lắk gây bàng hoàng khi dẫn chứng liên tiếp trong tháng 11 vừa qua, hai trường hợp học sinh tại địa phương này đâm chết bạn, một vụ thủ phạm cầm dao đâm chỉ đang học tiểu học, nạn nhân học lớp 6. "Đắk Lắk hiện chỉ có 10 trường có cán bộ tư vấn tâm lý trong tổng số gần 1.000 trường học toàn tỉnh. Trường nào cũng muốn làm nhưng cơ sở vật chất không có, đội ngũ tuyển hoài không được thì làm sao thực hiện đây?”, bà Thảo nói.
 
Trường thiếu chuyên gia tâm lý, cha mẹ lại bận tối mặt tối mày. Dạy học sinh, chăm con cái đủ điều mà quên dạy làm người, thì đó là thứ tai họa lớn nhất người lớn đã vô tình gieo ác cho tương lai, cho chính mình và cho xã hội, khi gia đình và nhà trường đều là xã hội thu nhỏ. 
 
Tai họa ở trẻ em có tội người lớn…
 
Bạo lực học đường không chỉ do sự tác động mặt trái của kinh tế thị trường như cách nhiều người đổ lỗi ngon ơ, do tính học sinh hiếu thắng, do hành vi này chưa được xử lý rốt ráo, mà còn do mặt trái của đạo đức giáo viên tác động. Không chỉ là chuyện cô giáo dạy mầm non ở Bình Định đánh trẻ đến bầm dập khi "quấy” đòi đi tiểu nhiều, mà việc giáo viên hạ nhục học trò khi lên lớp là mồi lửa phổ biến thiêu đốt học sinh "báo oán”, không rửa hận được với "thù” thì ra tay với bạn.
 
Một vấn đề khác là Bộ GD&ĐT chưa thật sự coi trọng giáo dục đạo đức, nhân cách cho HSSV mà chỉ tập trung đến các vấn đề chuyên môn dạy học. Hết hội nghị này đến hội thảo khác bàn về chuyên môn, về đổi mới học tập, thi cử, trong khi yêu cầu bức xúc có đủ định biên làm công tác tư vấn học đường bị bỏ qua năm nay qua năm khác.  
 
"Trước đây, khi trẻ con đánh nhau thì có người can ngăn, còn bây giờ lại tồn tại cái mà chúng ta gọi là vô cảm”, GS Phạm Minh Hạc, Chủ tịch Hội Khoa học tâm lý - giáo dục Việt Nam từng lo ngại. Theo ông, khi các vụ bạo lực học đường gia tăng là hệ lụy của việc dạy người chưa được quan tâm thích đáng..
 
 
Trẻ bị thương tích phải vào viện điều trị
 
Ngay không có bạo lực học đường thì vấn đề an toàn cho trẻ em đã nhức nhối rồi khi 8.000 trẻ em nước ta qua đời/ năm do tai nạn thương tích, theo Tổ chức Y tế thế giới, chưa kể hàng ngàn em khác bị thương dẫn đến tàn tật suốt đời. 
 
Khi cuộc sống còn quá nhiều kẽ hở về quản lý xã hội, con trẻ là những nạn nhân đầu tiên của người lớn bất cẩn, vô cảm, nhờn với luật. BV là nơi cấp cứu nhiều nhất những ca tai nạn đặc biệt của trẻ nhỏ. Chỉ Bệnh viện Nhi đồng 1 TP. HCM mỗi năm cấp cứu khoảng 1.200 trẻ bị tai nạn thương tích. Có vô vàn nguyên nhân gây nguy hiểm cho trẻ, chết đuối, chấn thương do ngã, ngộ độc, bị côn trùng đốt, rắn cắn, bỏng lửa và nước sôi, điện giật, sét đánh... 
 
Dịp này năm ngoái, Bệnh viện Nhi đồng 2 cấp cứu một bé trai 9 tuổi ở Đắk Nông bị 10 viên đạn súng hơi cồn xuyên thủng ruột, nhập viện khi đã hôn mê sâu. Cây súng bố em tự chế dùng bắn thú rừng (nạp đạn trực tiếp từ nòng súng) để trên nóc tủ, hai em nhân lúc cả nhà đi vắng đã lấy nghịch, không may súng cướp cò đạn găm thẳng vào người. 
 
Chỉ với một trăm ngàn đồng có thể chế được khẩu súng hơi cồn, cũng là vũ khí gây sát thương không thua súng quân dụng, thậm chí nguy hiểm hơn. Do chế kiểu "dân gian” nên súng hơi cồn dễ bị cướp cò khi chập điện. Việc chế tạo sử dụng loại này bị coi là phạm tội Điều 233 Bộ luật Hình sự. Nhưng nó vẫn đang được các mạng xã hội rao bán giá "bèo”. Cũng nó vừa khiến một trẻ ở Đăk Lăk tử vong do bị bạn "bắn đùa”. 
 
Ở xã Châu Pha, huyện Tân Thành, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu, xảy ra vụ rò rỉ điện từ trụ đèn chiếu sáng hồi giữa năm nay khiến một học sinh lớp 2 bị điện giật tử vong. BV Nhi đồng 2 TP. HCM hôm 25-12 vừa tiếp nhận điều trị bệnh nhi 2 tuổi ở Bình Phước ngã xuống giếng sâu 12 m do nhà hàng xóm đang đào dở có phủ bạt, bị cây xuyên qua đầu. 
 
… Và là siêu họa cho người lớn
 
Bức tranh an toàn cho trẻ khá nhiều màu xám ở cả hai nơi đáng lẽ phải bình an tin cậy nhất, là nhà trường và gia đình, khẳng định một chân lý giản dị: những nỗi đau không là của riêng ai. 
 
Khủng hoảng tâm lý, suy sụp tinh thần, hoảng loạn sẽ không chỉ xảy ra với những nạn nhân trực tiếp là trẻ em, mà với cả những người làm cha mẹ. Có những em bị bạn bắt nạt kéo dài có xu hướng muốn tự tử, thì cũng có cha mẹ có con là nạn nhân của bạo lực học đường muốn giúp con trả thù và hậu quả sẽ đặc biệt nghiêm trọng. Có nhiều người tìm cách chuyển trường cho con "chạy nạn”, mách cô giáo tìm sự giúp đỡ, nhưng giáo dục kỹ năng và rèn luyện bản lĩnh cho trẻ mới là gốc của việc tự bảo vệ lâu dài. 
 
Tuần này Vietnamnet cũng vừa điểm 10 tai nạn hy hữu trong trường học năm 2014, có trượt cầu thang, cổng trường đổ, tủ đổ, cây đổ, bồn chứa nước đổ đè tử vong, dây rèm ở lớp thít chặt cổ…, như một lời nhắc nhủ trước khi sang năm mới: Nếu người lớn có kiến thức phòng tránh, những tai nạn thương tâm kia sẽ giảm đi nhiều.
 
Xã hội và nhà trường đều có biết bao quy tắc chuẩn mực, nên chỉ khi người lớn và trẻ em có đủ dũng cảm để sống một cuộc sống thật sự với bản thân, không lừa dối, không sợ hãi và không tạo vỏ bọc, mỗi cá nhân mới biết tôn trọng mình và người khác. Biết tôn trọng sự đa dạng, xem mọi sự khác biệt là tự nhiên và có kỹ năng hạn chế tối đa những can thiệp thô bạo. 
 
Thực chất, tai họa ở trẻ em là siêu tai họa của người lớn. Lại trộm nghĩ cứ bàn mãi, gióng mãi hồi chuông cảnh báo môi trường sống con trẻ không an toàn, khéo lại lẩn thẩn như cung cách của "thím Tường Lâm” trong "Lễ cầu phúc” của Lỗ Tấn. Câu chuyện thảm thương về bé Mao con trai thím "bị với chó sói”, lúc đầu thím thổn thức không ai cầm nổi nước mắt. "Nhưng chẳng bao lâu người nghe đều thuộc lòng câu chuyện, đến cả những bà tụng kinh niệm phật, từ bi nhất hạng cũng không còn một tí dấu vết nước mắt. Về sau người trong trấn hầu như đều thuộc lòng”. Thím vừa mở đầu: "Con thật là ngu dại, ngu dại thật! Phải rồi, con chỉ biết là mùa tuyết xuống trong núi không có mồi thì thú dữ mới về bản…”, là họ bỏ đi.
 
Nhưng cũng như thím Tường Lâm, liệu có biết bao người mẹ lẩm bẩm "Tôi ngu dại quá, bạo lực học đường như xã hội đen, mà vẫn chủ quan…”. Và cũng như trong câu chuyện thương tâm kia, thím "vẫn mong nhân một câu chuyện gì đó - chẳng hạn như chuyện một nắm đậu, chuyện một cái làn con, chuyện một đứa trẻ nhà ai - để gợi câu chuyện đứa con trai xấu số”, thì những tai họa đã và đang  đe dọa con em ta  không thể không đặt lại. 
 
Tai họa không từ trời rơi xuống. Điều đó nghĩa là đã đến lúc, cần xét đoán nghiêm túc hơn những hậu họa sống còn mà sự thiếu hiểu biết và vô trách nhiệm có thể gây ra cho con trẻ.
 
Phương Nguyễn

    nguồn: Daidoanket.vn

    BÌNH LUẬN

      BÌNH LUẬN CỦA BẠN

      M03-Honda Daklak
      ĐỐI TÁC
      Lên đầu trang Đặt làm trang chủ