A01-T7 - Honda Daklak
Dangfarm - A02
Cho thuê nhà 29 Lê Hồng Phong

Buôn làng kể chuyện

08:24 | 30/12/2014

Những câu chuyện xung quanh cuộc sống đang diễn ra ở các buôn làng người dân tộc thiểu số tại chỗ không chỉ để cho người nghe hiểu và chia sẻ một phần với họ, mà hơn thế là để biết và nhận ra trong đó có những đổi thay mới mẻ, những trăn trở vui buồn

Quy ước buôn Đing

Buôn Đing (xã Cư Dliê M’nông-huyện Cư M’gar) có hơn 120 hộ với gần 1000 khẩu. Kinh tế mũi nhọn là sản xuất cà phê, lúa nước và chăn nuôi gia súc. Đường sá đi lại trong buôn đến nay đã được nhựa hóa hoàn toàn với hơn 9 km, do bà con tự nguyện đóng góp khoảng 3 tỷ đồng để xây dựng. Đến nay có hơn 90% hộ khá và giàu, không còn hộ nghèo nữa - Buôn trưởng Ama Róa tóm tắt như vậy rồi im lặng một lúc nói thêm: “À… còn điều này nữa, buôn Đing đã xây dựng Bản quy ước từ năm 1997 và từ đó đến nay đã được cộng đồng chỉnh sửa nhiều lần cho phù hợp với yêu cầu cuộc sống đặt ra. Cũng nhờ thực hiện tốt Bản quy ước mà buôn mình được như hôm nay đó”.

Qua câu chuyện của các già làng ở đây, được biết Bản quy ước này, ngoài việc vận dụng các điều khoản của Bộ Luật Dân sự, các quy định của pháp luật, Ban tự quản buôn còn vận dụng thêm những yếu tố tích cực của luật tục cộng đồng để xây dựng và hoàn chỉnh các nội dung quy ước. Đó là việc phân chia tài sản (khi gia đình có chồng hoặc vợ chết trước) nội dung này được các thành viên trong cộng đồng thảo luận nhiều nhất. Già Ama H’Nghim nhớ lại: có một số ý kiến cho rằng nên để nguyên theo luật tục, có nghĩa là tài sản trong gia đình phải thuộc về mẫu hệ; người khác không chịu và phản bác lại nên theo đời sống mới, bình đẳng và công bằng thôi… Cuối cùng qua nhiều cuộc họp, buôn Đing thống nhất phân chia tài sản theo Bộ Luật Dân sự hiện hành. Về nội dung giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa truyền thống, mọi người đều nhất trí: ai cũng phải có trách nhiệm về việc này. Ngoài các lễ hội truyền thống ra, gia đình nào cũng phải gìn giữ văn hóa kiến trúc nhà dài, vì thế buôn Đing là một trong số ít buôn trên địa bàn Cư M’gar nói riêng và cả Dak Lak nói chung còn giữ lại không gian sống và sinh hoạt đặc trưng, độc đáo này. Trưởng buôn Đing - Ama Róa tự hào: hầu hết gia đình ở đây đều ở nhà dài truyền thống. Và câu chuyện bảo tồn, phát huy kiến trúc tiêu biểu của cộng đồng người Êđê ở đây đã trở nên sinh động vô cùng, ở đó mỗi người, mỗi thế hệ có “lý lẽ” riêng của mình. Với những người già thì ngôi nhà dài luôn gắn bó máu thịt đối với họ, còn lớp trẻ thì tỏ ra không đồng tình lắm, chúng vẫn thích ngôi nhà bê tông hiện đại hơn. Bởi thế già Ama H’Nghim cho biết đã có những “xung động” giữa hai thế hệ và không ít gia đình trước đó (khi chưa có Bản quy ước của buôn) đã “bê tông hóa” ngôi nhà truyền thống của ông bà mình một cách bất đắc dĩ. Bây giờ thì khác rồi, Bản quy ước  buôn Đing đã chi phối, dẫn dắt hành vi và nhận thức cho mọi người quay trở lại với giá trị văn hóa truyền thống. Nhờ đó, kiến trúc nhà dài ở buôn Đing được bảo tồn, xây dựng lại và tất nhiên lớp trẻ đã dần ủng hộ điều đó, vì chúng nhận ra đó là một phần di sản quý báu của cộng đồng. 

Những ngôi nhà dài ở buôn Đing được xây dựng mới, dù bằng vật liệu mới,  nhưng vẫn thể hiện được ý thức gìn giữ, bảo tồn nét kiến trúc truyền thống.

Những ngôi nhà dài ở buôn Đing được xây dựng mới, dù bằng vật liệu mới, nhưng vẫn thể hiện được ý thức gìn giữ, bảo tồn nét kiến trúc truyền thống.

Điều đáng nói ở đây là trong Bản quy ước của buôn quy định rõ ràng: đất rừng, nguồn nước phải được giữ gìn hết sức nghiêm ngặt - và buôn Đing đã lấy ngày thứ Bảy tuần đầu tháng làm ngày vệ sinh môi trường của mình. Trưởng buôn Ama Róa chắc chắn: cứ vào ngày ấy, bà con trong buôn - từ già đến trẻ đều tham gia dọn dẹp, vệ sinh trong nhà ra ngoài đường, rồi bến nước, nhà cộng đồng… một cách tự giác, nhờ thế buôn làng luôn phong quang, sạch đẹp. Cũng theo Bản quy ước, khi có mâu thuẫn xảy ra, gia đình và dòng họ tự giải quyết, nếu căng thẳng quá thì thông qua Tổ hòa giải của buôn do các già làng có uy tín đứng đầu điều hành trên tinh thần đoàn kết, bảo vệ cộng đồng. Sau nhiều lần bổ sung, điều chỉnh và hoàn thiện, Bản quy ước của buôn Đing hiện có 6 chương, 38 điều và được tất cả các thành viên trong cộng đồng thực hiện nghiêm túc từ trước đến nay, góp phần vào việc xây dựng, phát triển kinh tế-văn hóa và giữ gìn an ninh trật tự trên địa bàn ngày càng hiệu quả, vững chắc.

Niềm tin buôn Yông Hak

Buôn Yông Hak (xã Krông Nô-huyện Lak) là buôn căn cứ cách mạng trong thời kỳ chống Mỹ nên niềm tin đối với Đảng, Bác Hồ của cộng đồng người ở đây luôn keo sơn, son sắt. Già Ama Long luôn dặn dò con cháu như thế và rất đỗi tự hào khi kể về truyền thống đấu tranh bất khuất, kiên cường của người M’nông Gar trong quá khứ và công cuộc đẩy lùi “giặc nghèo, giặc dốt” thời hiện tại. Già nhớ thời chiến tranh, cả buôn chỉ có vài chục nóc nhà lọt thỏm giữa rừng già, nhưng đó là cứ địa “bất khả xâm phạm” với kẻ thù. Bà con trong buôn cùng nhau đoàn kết, đùm bọc cán bộ, chiến sĩ cách mạng bám dân, bám đất để giữ vững, mở rộng hành lang chiến khu H4, nối từ Ea H’leo qua Krông Bông đến Lak… chờ ngày tổng tấn công, nổi dậy giải phóng Dak Lak vào tháng 3 năm 1975.

Trong những tháng ngày ấy, kẻ thù săn đuổi, bắn giết hòng xóa sổ căn cứ cách mạng này. Già Long bảo: “Đáng nhớ nhất là trận càn và ném bom của Mỹ-ngụy vào Yông Hak cuối năm 1962”. Qua ký ức của già kết hợp với tư liệu được viết lại trong Lịch sử Đảng bộ huyện Lak cho thấy đây là sự kiện đau thương, nhưng cũng hào hùng nhất của quân dân vùng Krông Nô lúc bấy giờ. Nhân chứng và lịch sử mô tả: “Trong một ngày đêm, máy bay địch liên tục quần thảo và ném bom xuống vùng đất này, thêm vào đó pháo cỡ lớn từ Quận lỵ Lạc Thiện (thị trấn Liên Sơn bây giờ) tới tấp rót xuống, khiến mọi cảnh vật ở đây như chìm trong bão lửa. Trong hoàn cảnh đó, hang đá Ba tầng trong buôn Yông Hak là nơi ẩn nấp, để phản kích địch một cách hữu hiệu…” Kết thúc trận đánh này, quân dân vùng căn cứ Krông Nô đã bắn hạ một máy bay địch, buộc kẻ thù phải chấm dứt cuộc càn quét trên toàn vùng.

Có một điều chắc ít ai biết rằng, với chiến công đó, sau này xã Dak Phơi-huyện Lak được phong tặng danh hiệu đơn vị Anh hùng trong kháng chiến chống Mỹ có liên quan mật thiết đến căn cứ cách mạng buôn Yông Hak. Theo cựu chiến binh Y Tría (nguyên là Chủ tịch xã, rồi Bí thư Đảng ủy xã Krông Nô trước đây, nay đã mất) từng cho biết: Khi bị địch càn quét, bắn phá dữ dội vào đây, có bộ phận quân dân địa phương lui về vùng Dak Phơi để tập hợp và xây dựng lực lượng phòng thủ, chống trả nhằm duy trì, bảo vệ hành lang vùng căn cứ H4 nói trên. Vì thế, sau giải phóng, chính quyền xã Dak Phơi đón nhận danh hiệu Anh hùng, đó cũng là thành tích chung của quân dân vùng căn cứ Krông Nô, trong đó có buôn Yông Hak, là mảnh đất anh hùng trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước.

Hiện nay, trong công cuộc xây dựng và phát triển kinh tế-xã hội của địa phương, tinh thần và ý chí bất khuất và quật cường ấy tiếp tục được khơi dậy. Bí thư Đảng bộ xã Krông Nô-Y Măng đánh giá: Buôn Yông Hak luôn tin tưởng vào Đảng, Nhà nước để vươn lên. Gần 100 hộ dân ở đây đã dần thoát khỏi nghèo đói nhờ đa dạng hóa mô hình sản xuất: Chăn nuôi (trâu, bò) kết hợp với trồng cây lương thực (ngô, đậu, lúa cạn) cùng với nhận khoán quản lý, bảo vệ rừng trên địa bàn đã làm thay đổi đáng kể cuộc sống của bà con. Già Ama Long nhận xét: cùng với việc nâng cấp, mở rộng Quốc lộ 27, đoạn qua Krông Nô trong thời gian qua, đường rẽ vào buôn Yông Hak đã được bê tông hóa, nên đi lại dễ dàng hơn, tạo điều kiện cho người dân trao đổi, mua bán hàng hóa nông sản trong vùng ngày càng thuận lợi. Theo đó nhu cầu giao thương, hiểu biết và tiếp nhận các dịch vụ thương mại, văn hóa - thông tin… lẫn dân sinh, phúc lợi từ bên ngoài vào cũng trở nên gần gũi và kịp thời hơn. Điều đặc biệt ở đây, theo Bí thư Y Măng là tất cả hộ gia đình vẫn luôn một lòng tin Đảng, cách mạng như những năm tháng chiến tranh khốc liệt, nhưng vô cùng anh dũng trước đây.

Phương Đình   

    nguồn: baodaklak.vn

    BÌNH LUẬN

      BÌNH LUẬN CỦA BẠN

      M03-Honda Daklak
      ĐỐI TÁC
      Lên đầu trang Đặt làm trang chủ