A01-T7 - Honda Daklak
Dangfarm - A02
Cho thuê nhà 29 Lê Hồng Phong

Bảo đảm tiền lương và an sinh xã hội

08:49 | 28/06/2023

Chỉ còn ít ngày nữa, Nghị định số 24/2023/NĐ-CP ngày 14/5/2023 của Chính phủ quy định mức lương cơ sở đối với cán bộ, công chức, viên chức và lực lượng vũ trang sẽ đi vào thực tiễn.

Với quy định này, lương và các khoản trợ cấp bảo hiểm xã hội của công chức, viên chức sẽ phần nào được cải thiện.

Tăng lương, tăng trợ cấp bảo hiểm

Nghị định 24 quy định mức lương cơ sở áp dụng đối với cán bộ, công chức, viên chức, người hưởng lương, phụ cấp và người lao động làm việc trong các cơ quan, tổ chức, đơn vị sự nghiệp của Đảng, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, tổ chức chính trị - xã hội và hội được ngân sách nhà nước hỗ trợ kinh phí hoạt động ở Trung ương, cấp tỉnh, cấp huyện, cấp xã, ở đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt và lực lượng vũ trang.

Mức lương cơ sở dùng làm căn cứ tính mức lương trong các bảng lương, mức phụ cấp và thực hiện các chế độ khác theo quy định của pháp luật đối với các đối tượng quy định; tính mức hoạt động phí, sinh hoạt phí theo quy định của pháp luật; tính các khoản trích và các chế độ được hưởng theo mức lương cơ sở. Từ ngày 1/7/2023, lương cơ sở sẽ tăng thêm 310.000 đồng/tháng (20,8%) so với hiện hành, chạm mức 1,8 triệu đồng/tháng.

Từ ngày 1/7/2023, lao động tại các doanh nghiệp được tăng quyền lợi bảo hiểm. Trong ảnh: Lao động tại một doanh nghiệp may mặc trong Khu công nghiệp Hòa Phú.

Theo Nghị định 24, có 9 nhóm đối tượng được thụ hưởng chính sách này. Cụ thể, người hưởng lương, phụ cấp mới gồm: Cán bộ, công chức từ Trung ương đến cấp huyện; cán bộ, công chức cấp xã; viên chức trong các đơn vị sự nghiệp công lập; người làm các công việc theo chế độ hợp đồng lao động quy định tại Nghị định số 111/2022/NĐ-CP của Chính phủ hoặc có thỏa thuận trong hợp đồng lao động áp dụng xếp lương theo Nghị định số 204/2004/NĐ-CP của Chính phủ; người làm việc trong chỉ tiêu biên chế tại các hội được ngân sách nhà nước hỗ trợ kinh phí hoạt động; sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp, hạ sĩ quan, binh sĩ, công nhân, viên chức quốc phòng và lao động hợp đồng thuộc Quân đội nhân dân Việt Nam; sĩ quan, hạ sĩ quan hưởng lương, hạ sĩ quan, chiến sĩ nghĩa vụ, công an và lao động hợp đồng thuộc Công an nhân dân; người làm việc trong tổ chức cơ yếu; người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã, ở thôn, buôn và tổ dân phố.

Theo đại diện Bảo hiểm xã hội Đắk Lắk, việc tăng lương cơ sở không chỉ giúp tăng đáng kể thu nhập của cán bộ, công chức, viên chức mà còn tăng mức trợ cấp bảo hiểm xã hội. Cụ thể, khi lương cơ sở thay đổi, các khoản trợ cấp thay đổi như sau: Trợ cấp một lần khi lao động nữ sinh con hoặc nhận nuôi con dưới 6 tháng tuổi tăng từ 2,98 triệu đồng lên 3,6 triệu đồng/con; tiền trợ dưỡng sức, phục hồi sức khỏe sau ốm đau: từ 447.000 đồng/ngày lên thành 540.000 đồng/ngày; tiền trợ cấp mai táng nhận một lần: từ 14,9 triệu đồng lên 18 triệu đồng; trợ cấp tuất hằng tháng đối với thân nhân không có người trực tiếp nuôi dưỡng: từ 1,043 triệu đồng/tháng lên thành 1,26 triệu đồng/tháng. Trường hợp còn lại, trợ cấp tuất hằng tháng tăng từ 745.000 đồng/tháng lên 900.000 đồng/tháng.

Phụ cấp đối với người lao động tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp bị suy giảm khả năng lao động cũng tăng lên đáng kể. Bên cạnh đó, khi lương cơ sở được điều chỉnh tăng đồng nghĩa với việc mức hưởng bảo hiểm y tế (BHYT) của người tham gia BHYT cũng sẽ tăng, cụ thể: người tham gia BHYT sẽ được thanh toán 100% tổng chi phí khám, chữa bệnh nếu chi phí khám, chữa bệnh thấp hơn 15% mức lương cơ sở tại thời điểm đi khám, chữa bệnh; mức thanh toán tổng chi phí vật tư y tế cho một lần sử dụng dịch vụ kỹ thuật không vượt quá 45 tháng lương cơ sở.

Công nhân đóng gói sản phẩm tại Công ty Cổ phần Nông sản N&H, phường Tân An, TP. Buôn Ma Thuột.

Chủ động nguồn chi

Đại diện Sở Tài chính cho biết, về nguồn kinh phí để thực hiện theo mức lương mới, tỉnh Đắk Lắk cũng như các địa phương khác sẽ sử dụng 10% tiết kiệm chi thường xuyên dự toán năm 2023 đã được cấp có thẩm quyền giao; sử dụng 70% tăng thu ngân sách địa phương thực hiện so với dự toán (không kể: thu tiền sử dụng đất; xổ số kiến thiết; thu cổ phần hóa và thoái vốn doanh nghiệp nhà nước do địa phương quản lý; tiền thuê đất một lần được nhà đầu tư ứng trước để bồi thường, giải phóng mặt bằng và thu từ xử lý tài sản công tại cơ quan, tổ chức, đơn vị được cơ quan có thẩm quyền quyết định sử dụng để chi đầu tư theo quy định...) được Thủ tướng Chính phủ giao; sử dụng nguồn thực hiện cải cách tiền lương năm 2022 chưa sử dụng hết chuyển sang; sử dụng tối thiểu 40% số thu được để lại theo chế độ năm 2023 sau khi trừ các chi phí liên quan trực tiếp đến hoạt động cung cấp dịch vụ, thu phí. Đối với các đơn vị sự nghiệp công lập tự bảo đảm một phần chi thường xuyên và đơn vị sự nghiệp công lập do ngân sách nhà nước bảo đảm chi thường xuyên, được sử dụng tối thiểu 40% số thu phí được để lại.

Đối với số thu từ việc cung cấp các dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh, y tế dự phòng và dịch vụ y tế khác của các cơ sở y tế công lập, sử dụng tối thiểu 35% số thu được để lại. Đối với số thu dịch vụ (bao gồm cả thu học phí), các hoạt động liên doanh, liên kết và các khoản thu khác được sử dụng tối thiểu 40% số chênh lệch thu lớn hơn chi (sau khi đã thực hiện các nghĩa vụ với Nhà nước theo quy định). Các đơn vị sự nghiệp công lập tự bảo đảm chi đầu tư và chi thường xuyên; được phép thực hiện cơ chế tự chủ tài chính như đơn vị sự nghiệp công tự bảo đảm chi đầu tư và chi thường xuyên hoặc đơn vị sự nghiệp công lập tự bảo đảm chi thường xuyên; các cơ quan, đơn vị được giao khoán kinh phí và tự bảo đảm tiền lương, thì được quyết định tỷ lệ nguồn thu phải trích lập để tạo nguồn và tự bảo đảm nguồn kinh phí thực hiện cải cách tiền lương.

Theo Giám đốc Sở Tài chính Bùi Văn Yên, chính sách của Nhà nước luôn xác định tiền lương phải thực sự là nguồn thu nhập chính, bảo đảm đời sống người lao động và gia đình người hưởng lương; trả lương là đầu tư cho phát triển nguồn nhân lực, tạo động lực tăng năng suất lao động và hiệu quả làm việc của người lao động. “Chi tiền lương, chi cho con người và an sinh xã hội được đặt lên hàng đầu. Chính sách này xuyên suốt, đồng bộ từ Trung ương đến địa phương. Ngành tài chính khẳng định nguồn kinh phí cho việc áp dụng mức lương mới có sự chủ động và được bảo đảm, sẵn sàng áp dụng ngay khi có thông tư hướng dẫn của cơ quan có thẩm quyền”, ông Yên nhấn mạnh.

Minh Chi

Bài viết gốc: https://www.baodaklak.vn/xa-hoi/202306/bao-dam-tien-luong-va-an-sinh-xa-hoi-a6800b1/

    Nguồn “Báo Đắk Lắk Điện tử”

    BÌNH LUẬN

      BÌNH LUẬN CỦA BẠN

      M03-Honda Daklak
      ĐỐI TÁC
      Lên đầu trang Đặt làm trang chủ