A01-T7 - Honda Daklak
Dangfarm - A02
Cho thuê nhà 29 Lê Hồng Phong

Đổi thay ở thôn Ea Rớt

10:16 | 14/09/2023

Là thôn vùng sâu của xã Cư Pui (huyện Krông Bông), thôn Ea Rớt cách trung tâm xã hơn 20 km, dân số chủ yếu là đồng bào Mông di cư từ các tỉnh phía Bắc vào từ năm 1996.

Những năm trước đây, thôn Ea Rớt được biết đến với nhiều cái không như: không đường, không điện, không nước sạch, không sóng điện thoại, không sổ hộ khẩu, không chứng minh nhân dân, không sổ đỏ, không nhà sinh hoạt cộng đồng...

Trước đây, bà con chủ yếu trồng ngô lai và sắn, lúa đồi, hiệu quả thấp. Những năm gần đây, nhiều gia đình đã tận dụng diện tích đất thấp cải tạo trồng lúa nước hai vụ; diện tích đất bằng thì trồng cà phê xen cây ăn quả; đất đồi dốc trước đây trồng sắn chuyển sang trồng cây keo lai. Theo thống kê, hiện nay thôn Ea Rớt có gần 300 ha cây keo lai, trong đó khoảng 60 ha đã cho khai thác; 90 ha sắn; 34,9 ha cà phê; hơn 20 ha lúa nước hai vụ… Điển hình như gia đình anh Lò Seo Cao ở đội 3 vừa khai thác hơn 2 ha cây keo, lợi nhuận 70 triệu đồng/ha. Năm nay, gia đình anh vừa xuống giống gần 70 nghìn cây keo ghép với diện tích khoảng 10 ha.

Dốc Cổng trời (đường vào thôn Ea Rớt) đang được thi công, không còn là sự ám ảnh mỗi khi đi qua.

Bên cạnh đó, bà con trong thôn đã biết sử dụng các nguồn hỗ trợ và tiền vay hiệu quả. Với gần 40 con bò giống ban đầu của 2 nhóm thiện nguyện tặng từ năm 2014 làm "ngân hàng bò" của thôn và hàng chục con bò giống được đầu tư từ nguồn vốn vay Ngân hàng Chính sách xã hội, bò do các dự án hỗ trợ…, đến nay số bò của bà con lên đến hơn 200 con.

Song song với cải thiện sinh kế, những năm qua, thôn Ea Rớt cũng được đầu tư từ nhiều nguồn để xây dựng kết cấu hạ tầng, đầu tư các công trình dân sinh, từng bước nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân. Đặc biệt, một số dự án và hàng chục nhóm từ thiện đã hỗ trợ rất nhiều công trình phúc lợi thiết thực như: Hệ thống điện năng lượng mặt trời công suất 6,24 kWp đủ cung cấp điện thắp sáng cho gần 30 hộ dân; hệ thống lọc nước tinh khiết RO cung cấp khoảng 1.000 lít/ngày; nhiều giếng khoan, giếng đào tập trung; hỗ trợ làm 100 bếp củi cải tiến tiết kiệm, an toàn; mỗi năm có hơn chục nhóm thiện nguyện đến thăm, tặng hàng nghìn phần quà cho các hộ nghèo và quần áo, sách, vở, đồ dùng cho gần 200 học sinh. Đường giao thông – vốn là nỗi ám ảnh của người dân mỗi khi mùa mưa đến cũng đang dần được cải thiện. Hiện nay Dự án ổn định dân di cư đã đầu tư hơn 100 tỷ đồng để làm đường, cầu cống.

Hệ thống lọc nước tinh khiết RO do Quỹ McKnight tặng người dân thôn Ea Rớt

Sự thay đổi rõ nhất là cơ sở vật chất điểm trường tiểu học, mẫu giáo và nhà sinh hoạt cộng đồng. Trước đây mỗi khi họp, ban tự quản phải mượn nhà dân để họp; hơn 200 học sinh tiểu học và mẫu giáo của thôn phải học trong những căn nhà tạm bợ dựng tạm trên diện tích đất chật hẹp suốt hàng chục năm. Nhưng mọi chuyện đã thay đổi, từ nguồn vốn ổn định dân di cư tự do, thôn Ea Rớt được địa phương dành hơn 1 ha đất để xây dựng nhà sinh hoạt cộng đồng khang trang; điểm trường tiểu học và mầm non thôn Ea Rớt được đầu tư xây dựng 8 phòng học kiên cố cao tầng, 3 phòng học bộ môn, công trình vệ sinh, nhà ở công vụ... Thầy Nguyễn Hồng Thuần, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Cư Pui 2 vui mừng: “Trước đây điểm trường thôn Ea Rớt chỉ có những phòng học, bàn ghế tạm bợ; khi thực hiện chương trình mới đã phải tổ chức dạy học trong phòng ở của giáo viên. Đến nay Nhà nước đầu tư xây dựng cho điểm trường Ea Rớt đầy đủ phòng học, phòng chức năng, công trình vệ sinh kiên cố, đảm bảo cho việc dạy và học 2 buổi/ngày”.

Năm 2022 thôn Ea Rớt là thôn có số hộ nghèo giảm nhiều nhất xã Cư Pui với 17 hộ. Đáng kể là nhiều gia đình không những thoát nghèo mà còn vươn lên ổn định cuộc sống, từng bước làm giàu. Không ít hộ đã làm được nhà ở khang trang trị giá hàng trăm triệu đồng; mua được xe máy, xe công nông chở nông sản và máy móc phục vụ sản xuất, vật dụng sinh hoạt… Dù vậy theo Trưởng thôn Ea Rớt Vàng Seo Măng, số hộ nghèo trong thôn vẫn còn cao; thôn vẫn rất khó khăn về nước sinh hoạt và vệ sinh. Bà con mong Nhà nước sớm đầu tư kéo điện lưới và cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Khi có điện, người dân sẽ khoan giếng, sử dụng các thiết bị nghe nhìn; có sổ đỏ, bà con sẽ thế chấp vay thêm vốn ngân hàng để đầu tư phát triển kinh tế...

Tùng Lâm

Bài viết gốc: https://www.baodaklak.vn/xa-hoi/202309/doi-thay-o-thon-ea-rot-5611bc4/

    Nguồn “Báo Đắk Lắk Điện tử”

    BÌNH LUẬN

      Hyundai Hoang Viet - Thang 3

      Khẩn trương ban hành Đề án tổ chức Lễ hội Cà phê Buôn Ma Thuột lần thứ 9

      Ngày 16/4, UBND tỉnh tổ chức cuộc họp nghe Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch báo cáo dự thảo Đề án Lễ hội Cà phê Buôn Ma Thuột lần thứ 9. Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Ngọc Nghị chủ trì cuộc họp.

      BÌNH LUẬN CỦA BẠN

      M03-Honda Daklak
      ĐỐI TÁC
      Lên đầu trang Đặt làm trang chủ