A01-T7 - Honda Daklak
Dangfarm - A02
Cho thuê nhà 29 Lê Hồng Phong

Để đưa Luật BHXH vào cuộc sống: Cần thay đổi tư duy làm việc

14:25 | 27/01/2015

"Mở rộng đối tượng tham gia không chỉ được xem là điểm mới của Luật BHXH, mà còn là mong muốn của Chính phủ nhằm mở rộng độ bao phủ của chính sách an sinh...

...  Thế nhưng, với cách làm hành chính như hiện nay thì rất khó. Dân làm sao có thể tin và tham gia khi công chức vẫn xỏ chân gầm bàn”. Đây là những trăn trở của Thứ trưởng Bộ LĐTB&XH Phạm Minh Huân tại buổi tọa đàm về những điểm mới của Luật BHXH, tổ chức sáng 26-1.

 
Nhiều điểm mới có lợi cho người lao động
 
Theo bà Trần Thị Thúy Nga, Vụ trưởng Vụ BHXH, Tổ trưởng Tổ biên tập Luật BHXH cho biết, so với Luật BHXH hiện hành, Luật BHXH năm 2014 đã bổ sung một số điểm mới, theo hướng có lợi hơn cho người lao động (NLĐ). Cụ thể, đối với những người tham gia BHXH bắt buộc: Người làm việc theo hợp đồng lao động có thời hạn từ đủ 1 tháng đến dưới 3 tháng thuộc diện tham gia BHXH bắt buộc và sẽ được thực hiện từ ngày 1-1-2018.
 
Cán bộ hoạt động không chuyên trách ở cơ sở xã, phường, thị trấn cũng thuộc diện tham gia BHXH bắt buộc với 2 chế độ là hưu trí và tử tuất. Lao động nữ được hưởng BHYT trong thời gian nghỉ việc hưởng trợ cấp thai sản khi sinh con hoặc nhận nuôi con nuôi, và trong thời gian hưởng chế độ ốm đau khi NLĐ mắc bệnh thuộc danh mục bệnh cần chữa trị dài ngày...
 
Luật BHXH sửa đổi quy định mức hưởng trợ cấp ốm đau, thai sản một ngày được tính bằng mức trợ cấp theo tháng chia cho 24 ngày (hiện hành chia cho 26 ngày); tăng mức trợ cấp ốm đau đối với NLĐ mắc bệnh thuộc danh mục bệnh cần chữa trị dài ngày từ 45% lên 50% mức tiền lương đóng BHXH của tháng liền kề trước khi nghỉ việc, nếu đã đóng BHXH dưới 15 năm; bổ sung quy định lao động nam có vợ sinh con được nghỉ việc hưởng chế độ thai sản; quy định trợ cấp một lần khi sinh con đối với trường hợp chỉ có cha tham gia BHXH...
 
 
Người lao động làm việc theo hợp đồng lao động mùa vụ 
có thời hạn từ 1 tháng đến dưới 3 tháng phải tham gia BHXH bắt buộc
 
Muốn mở rộng thì phải làm dân tin
 
Theo thống kê của BHXH Việt Nam, trong năm 2014 có khoảng 11,2 triệu người tham gia BHXH bắt buộc, 190 nghìn người tham gia BHXH tự nguyện, khoảng 64,1 triệu người tham gia BHYT. Số thu BHXH bắt buộc ước đạt gần 128 nghìn tỷ đồng. Mục tiêu cụ thể đến năm 2020, phấn đấu có trên 50% lực lượng lao động tham gia BHXH; 35% lực lượng lao động tham gia bảo hiểm thất nghiệp; trên 80% dân số tham gia BHYT.
Người lao động làm việc theo hợp đồng lao động mùa vụ, hoặc một công việc nhất định có thời hạn từ 1 tháng đến dưới 3 tháng phải tham gia BHXH bắt buộc. Đây được xem là một điểm mới có nhiều đột phá được quy định tại Luật BHXH sửa đổi năm 2014. Bởi việc đưa nhóm lao động này tham gia BHXH bắt buộc là cần thiết nhằm tiếp tục mở rộng đối tượng tham gia BHXH, bảo đảm an sinh xã hội cho NLĐ khi không còn khả năng lao động. Bên cạnh đó, nhằm khuyến khích người dân tham gia BHXH, Luật có nhiều chính sách mở như: không quy định tuổi trần tham gia BHXH tự nguyện. Thay đổi phương thức đóng BHXH tự nguyện theo hướng linh hoạt hơn… Mặc dù vậy, khi hỏi đến tính khả thi của quy định này đại diện Bộ LĐTB&XH thừa nhận đây là một thách thức rất lớn. Bởi sau nhiều năm triển khai Luật BHXH năm 2006, đến nay mới chỉ có hơn 100 ngàn người tham gia BHXH tự nguyện. Trong số này, phần lớn là những LĐ đã có thời gian tham gia BHXH bắt buộc nhưng còn thiếu thời gian nghỉ nên mới tự nguyện đóng để có đủ năm đóng BHXH. 
 
Đâu là giải pháp để người dân tự nguyện tham gia BHXH? Trả lời câu hỏi này của báo chí, Thứ trưởng Phạm Minh Huân thẳng thắn cho biết: "Để đưa một quy định nào đó vào cuộc sống thì chính sách chỉ chiếm 30%, còn lại 70% phụ thuộc vào khâu tổ chức thực hiện. Thế nhưng trên thực tế ở nhiều địa phương không chỉ cán bộ ngành dọc mà ngay cả cán bộ lĩnh vực BHXH cũng không nắm và hiểu rõ hết về BHXH. Chưa kể với cung cách làm việc hành chính xỏ chân gầm bàn  của không ít cán bộ công chức thì làm sao khiến dân tin mà tham gia. Trong khi đó, muốn mở rộng đối tượng trước hết phải để dân tin, song đây lại đang là thách thức”, Thứ trưởng Phạm Minh Huân nhấn mạnh. 
 
Cũng theo Thứ trưởng, để tuyên truyền chính sách nhiều địa phương, nhiều nơi đã tổ chức tập huấn. Song tập huấn cho ai, tập huấn cho đối tượng nào thì lại không trúng và đúng. Kết quả là dân không biết và không hiểu chính sách, thế nên mới có câu chuyện người dân tham gia vào quỹ hưu trí do chính người dân tự lập ra, còn của Nhà nước thì không tham gia. 
 
"Mở rộng đối tượng tham gia BHXH là vô cùng cần thiết không chỉ giúp bảo đảm quyền lợi cho người dân, mà qua đó còn góp phần đảm bảo an sinh xã hội. Do đó, để đưa chính sách này vào cuộc sống rất cần sự quyết tâm vào cuộc của toàn xã hội”, Thứ trưởng Phạm Minh Huân nhấn mạnh.
 
Lan Hương

    nguồn: Daidoanket.vn

    BÌNH LUẬN

      BÌNH LUẬN CỦA BẠN

      M03-Honda Daklak
      ĐỐI TÁC
      Lên đầu trang Đặt làm trang chủ