A01-T7 - Honda Daklak
Dangfarm - A02
Cho thuê nhà 29 Lê Hồng Phong

Cần thống nhất trong đào tạo, sát hạch lái xe ô tô

07:41 | 18/03/2024

Giấy phép lái xe (GPLX) ô tô do ba ngành giao thông, công an, quân đội cấp hiện có giá trị sử dụng như nhau trong giao thông công cộng.

 Khi cần thiết, hầu như chỉ làm thủ tục đổi từ loại này sang loại kia, riêng từ GPLX dân sự sang quân sự thì phải học bổ sung.

Tuy nhiên, chương trình đào tạo ba loại GPLX này đang có sự khác nhau đáng kể, rất cần xem xét trong điều kiện hoàn thiện pháp luật về trật tự an toàn giao thông đường bộ hiện nay.

Mục tiêu đào tạo: Ngành có, ngành không

Với một chương trình đào tạo, phần đầu tiên luôn là mục tiêu, là đích đặt ra, là cái cần phải đạt được sau khi học xong. Mục tiêu quyết định đến nội dung, phương tiện, phương pháp, hình thức tổ chức dạy học và đánh giá kết quả. Từ mục tiêu của chương trình, mục tiêu của môn học, từng chương hay khoa mục và sau cùng là từng bài học cũng được xác định tương ứng.

Chương trình dạy lái xe trong quân đội có mục tiêu đào tạo là “trở thành người lái xe quân sự có phẩm chất chính trị, đạo đức tốt, có trình độ chuyên môn đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ” và “yêu cầu đào tạo” gồm các nội dung chi tiết về (1) chính trị đạo đức, (2) quân sự, giáo dục thể chất, (3) chuyên môn nghiệp vụ kỹ thuật và (4) kỹ năng thực hành. Còn đào tạo lái xe do ngành giao thông và công an tổ chức hoàn toàn không quy định gì về mục tiêu, yêu cầu đào tạo hay chuẩn đầu ra.

Khi không có mục tiêu, người học, người dạy và cả người quản lý sẽ đều không có chuẩn để tự đánh giá, so sánh và kiểm tra. Khó có thể biết được sau khi học xong khoa mục tập lái xe trên bãi phẳng thì có được những kiến thức, kỹ năng, thái độ nào? Hay dựa vào đâu để khẳng định rằng người đạt sát hạch là đủ năng lực lái xe ô tô tham gia giao thông?

Học viên thực hành bài thi sa hình tại Trung tâm Đào tạo lái và Sát hạch lái xe Việt Mỹ (TP. Buôn Ma Thuột). Ảnh minh họa: Hoàng Tuyết

Môn học lý thuyết: Khác nhau về nội dung, thời lượng và tên gọi

Nghiệp vụ vận tải là môn học dành cho lái xe chuyên nghiệp, từ hạng B2 trở lên. Nhưng khác với hai ngành còn lại, chương trình đào tạo lái xe của ngành công an không có môn này.

Trong khi đó, cùng là kỹ thuật lái xe, ở ngành giao thông và công an là lý thuyết, còn trong ngành quân đội lại là thực hành, tương ứng với môn Thực hành lái xe ở hai ngành kia. Nghĩa là, ngành quân đội không có môn học lý thuyết riêng về kỹ thuật lái xe. Riêng học mô phỏng các tình huống giao thông (trên máy vi tính) thì chỉ ngành giao thông có mà thôi.

Về thời lượng, dễ thấy nhất là ngành công an tổ chức học về cấu tạo và sửa chữa chỉ bằng 44% và về pháp luật giao thông đường bộ chỉ bằng 89% so với ngành giao thông, dù nội dung có lẽ là không khác nhau nhiều.

Nếu chỉ tính 4 môn học giống nhau thì thời lượng học lý thuyết của lái xe B2 của ngành công an chỉ bằng 82,4% ngành giao thông, khó giải thích được sự khác biệt này từ góc độ giáo dục nghề nghiệp. Riêng số giờ lớn hơn nhiều ở lái xe quân đội rõ ràng là do yêu cầu đào tạo riêng.

Về đạo đức, văn hóa giao thông, các môn học của ba ngành khác nhau nhiều về tên gọi, thời lượng và nội dung. Nhưng người lái xe dù công tác ở ngành nào thì cũng luôn có những giá trị chung về đạo đức nghề nghiệp, đặc biệt là văn hóa giao thông thì còn chung cho cả xã hội. Vậy tại sao lại học khác nhau?

Các môn học lý thuyết lái xe ô tô trong từng ngành.

Môn học thực hành: Chênh lệch nhau hơn 2 lần

Chỉ tiêu tính toán thực hành lái xe đều được ghi rõ trong quy định của từng ngành. Số giờ thực hành cao nhất là lái xe ngành công an: hạng B2 gấp 2,08 lần so với quân đội và 1,16 lần so với giao thông, hạng C gấp 1,25 lần và 1,1 lần.

Trong khi đó, lái xe quân đội có số ki lô mét (km) học thực hành cao nhất ở hạng C, gấp 1,2 lần công an và 1,1 lần giao thông. Nhưng ở hạng B2, số km của giao thông lại cao nhất, gấp 1,1 lần công an và 1,38 lần quân đội. Tương tự, số km/giờ cũng chênh lệch nhau đáng kể.

Như vậy, có những khác biệt tương đối lớn trong đào tạo lái xe ô tô của ba ngành giao thông, công an và quân đội. Sự khác biệt này, trong thực tế, đã đưa đến một số khác biệt nữa về sát hạch lái xe, gồm cả lý thuyết và thực hành. Từ góc độ khoa học giáo dục, học và thi khác nhau thì năng lực có được cũng khác nhau. Điều này là bình thường nếu chỉ về “đặc thù ngành”, nhưng ở đây lại không như vậy.

Do đó, rất cần một chương trình đào tạo thống nhất, có mục tiêu đào tạo rõ ràng. Các yêu cầu riêng của từng ngành nên được thiết kế thành mô-đun riêng, khi chuyển đổi GPLX thì học bổ sung. Về lâu dài, cần xây dựng được khung trình độ kỹ năng nghề quốc gia đối với lái xe ô tô, như nhiều nghề đã có.

Nguyễn Xuân Trung

Bài viết gốc:https://www.baodaklak.vn/phap-luat/202403/can-thong-nhat-trong-dao-tao-sat-hach-lai-xe-o-to-51f199d/

 

    Nguồn “Báo Đắk Lắk Điện tử”

    BÌNH LUẬN

      BÌNH LUẬN CỦA BẠN

      M03-Honda Daklak
      ĐỐI TÁC
      Lên đầu trang Đặt làm trang chủ