A01-T7 - Honda Daklak
Dangfarm - A02
Cho thuê nhà 29 Lê Hồng Phong

Nhiều hệ lụy khi rút BHXH một lần

14:20 | 21/03/2024

Người lao động chấp nhận đánh đổi để rút BHXH "một cục" bởi họ chưa thể tích lũy trong khi cuộc sống quá nhiều rủi ro

43 tuổi, chị Huỳnh Thị Thanh Thảo (quê Vĩnh Long) đã 2 lần rút BHXH một lần. Lần gần nhất vào đầu năm 2024, chị làm hồ sơ nhận BHXH một lần cho thời gian 1 năm làm việc tại Công ty TNHH PouYuen Việt Nam (quận Bình Tân, TP HCM).

Việc làm bấp bênh

Nhận được khoản trợ cấp xấp xỉ 10 triệu đồng tiền BHXH, chị cho biết sẽ dùng số tiền này để đóng tiền nhà trọ cũng như tiền học cho các con bởi suốt tháng Tết công việc của vợ chồng chị bị gián đoạn, thu nhập giảm sút.

Người lao động đến cơ quan BHXH quận 12, TP HCM làm hồ sơ hưởng BHXH một lần .ẢNH: HUỲNH NHƯ

Trước đó, chị Thảo làm việc tại Công ty TNHH PouYuen Việt Nam nhưng hết hợp đồng vào đầu năm 2023, do gặp khó khăn, công ty không gia hạn hợp đồng với chị. Mất việc ở tuổi 44 khiến chị hụt hẫng. Không xin được việc làm, chị Thảo đành theo chồng làm phụ hồ để có tiền nuôi 2 con nhỏ. Tuy nhiên, thu nhập không đủ sống nên chị quyết định rút BHXH một lần dù biết trước với 1 năm đóng BHXH thì số tiền nhận được cũng chẳng thấm vào đâu.

Lần đầu chị rút BHXH một lần là vào năm 2019, khi đó chị làm công nhân (CN) tại một công ty bao bì ở quận Bình Tân và đã đóng được 3 năm BHXH. Lúc đó, chị sinh con thứ 2, do không có người phụ, chị đành nghỉ việc chăm con thêm 1 năm. Không may là thời điểm ấy, chồng chị bị tai nạn trên đường đi làm, bị rạn xương đùi phải nghỉ ngơi gần 3 tháng. Anh chị phải vay nợ khắp nơi để trang trải. 

Vì vậy, chị Thảo quyết định rút BHXH một lần để trả nợ. Lúc ấy, chị nhận được khoảng 20 triệu đồng, vừa đủ trả dứt nợ. "Tôi cũng muốn công việc ổn định và đóng BHXH lâu dài nhưng sau mấy lần nghỉ việc rồi chờ rút BHXH, tuổi ngày càng lớn, rất khó tìm việc để tiếp tục tham gia BHXH, chỉ có thể làm việc tự do" - chị tâm sự.

Tương tự, anh Lâm Tấn Dũng (SN 1980; ngụ quận Tân Bình, TP HCM) cũng đã 2 lần rút BHXH một lần. Trước đây, anh Dũng là CN tại một doanh nghiệp ở KCN Tân Bình. Sau khi đóng BHXH được 10 năm, anh xin nghỉ việc để phụ vợ chăm sóc 2 con nhỏ. Sau 1 năm nghỉ việc, anh Dũng làm hồ sơ hưởng BHXH một lần. 

Với khoản trợ cấp gần 40 triệu đồng nhận được, anh mua một chiếc xe máy để gia đình có thêm phương tiện đi lại. Năm 2017, khi các con đến tuổi vào mẫu giáo, anh Dũng xin trở lại công ty cũ làm việc. Năm 2021, công ty khó khăn, anh và vợ bàn nhau chuyển hướng buôn bán nhưng không có vốn nên anh chị đã cùng xin nghỉ việc để rút BHXH một lần. 

Sau khi lĩnh "một cục" được hơn 150 triệu đồng, vợ anh Dũng mở quán ăn tại nhà, còn anh chạy xe công nghệ. Thời gian đầu, mỗi ngày anh kiếm 500.000 - 700.000 đồng nhưng về sau càng khó khăn. "Sau một thời gian chạy xe, sức khỏe của tôi giảm sút, nhất là khi mắc bệnh huyết áp cao. Giờ tôi muốn tìm công việc ổn định để tham gia BHXH nhưng rất khó bởi tôi đã gần 45 tuổi" - anh Dũng bày tỏ.

Xa vời lương hưu

Hệ lụy của việc quyết định rút BHXH khi đã ngoài 40 tuổi đó chính là người lao động (NLĐ) càng ít có cơ hội tiếp cận lương hưu.

Đó là trường hợp của vợ chồng bà Thái Thị Yến Ngân và ông Nguyễn Văn Mười Ba, cùng là lao động thời vụ tại một doanh nghiệp ở quận 8. Bà Ngân và chồng trước đây cùng làm việc tại Công ty TNHH Sản xuất Thương mại Nhựa Chợ Lớn (quận 8, TP HCM) nhưng 4 năm trước bà Ngân bị bệnh thoát vị đĩa đệm nặng, đi lại khó khăn, buộc phải xin nghỉ để trị bệnh. Đến năm 2022, chồng bà bị đột quỵ nhẹ cộng với thiếu kali máu não khiến ông bị liệt nửa người và buộc lòng phải nghỉ việc để điều trị dài ngày. 

Phải đến hơn 1 năm sau, ông Mười Ba mới đi lại được, còn bà Ngân, cho đến nay vẫn phải duy trì uống thuốc để cắt những cơn đau. Suốt thời gian trị bệnh, gia đình bà Ngân không có nguồn thu nhập nào nên ông bà đã lần lượt rút BHXH một lần để lo thuốc men, sinh hoạt trong gia đình. Tuy nhiên, số tiền này chỉ giúp gia đình duy trì được một thời gian

Đầu năm 2024, dù bệnh tật chưa dứt hẳn nhưng vợ chồng bà đã xin đi làm trở lại. Nhưng công ty chỉ nhận ông bà vào làm việc tính công theo ngày, chưa được đóng các khoản bảo hiểm, kể cả BHYT. Bà Ngân chia sẻ: "Sức khỏe yếu nên chúng tôi rất mong được đóng bảo hiểm để phòng ngừa rủi ro và có lương hưu khi về già. Tuy nhiên, ở độ tuổi này thì cơ hội không còn. Nếu như không phải vì bệnh tật kéo dài, tôi cũng không muốn rút BHXH làm gì".

Theo ông Lê Đình Chi, Trưởng Phòng nhân sự Công ty CP Dược phẩm An Thiên (KCN Hiệp Phước, huyện Nhà Bè, TP HCM), NLĐ nào cũng hiểu nếu họ rút BHXH một lần thì cơ hội tiếp cận lương hưu rất khó. Song, họ chấp nhận đánh đổi.

Lý giải thêm vấn đề này, ông Chi cho rằng CN trực tiếp sản xuất làm các công việc giản đơn hiện nay rất khó có cơ hội thăng tiến. Dù làm lâu năm nhưng thu nhập cải thiện không đáng kể, lĩnh lương ra lập tức bị chia 5 xẻ 7, phần thì nhà trọ, điện, nước, phần thì ăn uống rồi học phí cho con…, gần như không còn khoản nào phòng thân. 

Vì vậy, nếu bị mất việc đột ngột hoặc gặp sự cố, họ nghĩ ngay đến rút BHXH một lần vì thực tế nếu không rút họ sẽ phải vay mượn rồi lãi mẹ đẻ lãi con. Cứ sống trong vòng luẩn quẩn tuổi hưu chưa tới, tuổi nghề đã hết, tiền lương vừa lĩnh ra đã không còn thì CN khó có thể nghĩ tới tuổi già và lương hưu

Nên bảo lưu thời gian đóng

Theo các chuyên gia an sinh xã hội, hệ lụy của việc rút BHXH một lần là rất rõ. Không chỉ NLĐ phải đối mặt với khó khăn, rủi ro khi về già mà gánh nặng an sinh còn đè lên đôi vai Nhà nước trong tương lai. Do vậy, thay vì chọn phương án rút BHXH một lần để giải quyết khó khăn trước mắt, NLĐ có thể bảo lưu thời gian đóng, khi có điều kiện sẽ tiếp tục tham gia BHXH bắt buộc hoặc BHXH tự nguyện để thụ hưởng các chính sách an sinh xã hội khi hết tuổi lao động. "Nhà nước cũng cần tìm cách giải quyết các vấn đề căn cơ như nhà ở cho người thu nhập thấp, đặc biệt là cải cách chính sách tiền lương" - ông Lê Đình Chi đề xuất.

 

    Theo Báo Người Lao Động (www.nld.com.vn)

    BÌNH LUẬN

      Hyundai Hoang Viet - Thang 3

      Khẩn trương ban hành Đề án tổ chức Lễ hội Cà phê Buôn Ma Thuột lần thứ 9

      Ngày 16/4, UBND tỉnh tổ chức cuộc họp nghe Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch báo cáo dự thảo Đề án Lễ hội Cà phê Buôn Ma Thuột lần thứ 9. Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Ngọc Nghị chủ trì cuộc họp.

      BÌNH LUẬN CỦA BẠN

      M03-Honda Daklak
      ĐỐI TÁC
      Lên đầu trang Đặt làm trang chủ