A01-T7 - Honda Daklak
Dangfarm - A02
Cho thuê nhà 29 Lê Hồng Phong

LUẬT VIỆC LÀM (SỬA ĐỔI): Nên tăng quyền lợi cho người lao động

09:01 | 20/04/2024

Điều chỉnh mức hưởng, bảo đảm nguyên tắc đóng - hưởng bảo hiểm thất nghiệp để người lao động an tâm tham gia chính sách lâu dài

"Công ty chúng tôi xảy ra tình trạng nhiều người lao động (NLĐ) đóng bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) gần đủ hoặc đủ thời gian hưởng mức tối đa (12 tháng) thì xin nghỉ việc để hưởng trợ cấp thất nghiệp (TCTN). Thực trạng này khiến doanh nghiệp mất đi những công nhân có tay nghề, trong khi việc tuyển dụng rất khó khăn" - ông Nguyễn Thành Tài, Chủ tịch Công đoàn Công ty CP Đại Đồng Tiến (quận 5, TP HCM), nói.

Nhiều bất cập

Theo ông Tài, lý do NLĐ xin nghỉ việc là do quy định về giải quyết hưởng chế độ BHTN hiện nay khiến họ cảm thấy bất lợi. Cụ thể, các trường hợp đóng BHTN trên 144 tháng (12 năm) nhưng chỉ được hưởng tối đa 12 tháng, không được bảo lưu thời gian đóng dư. Quy định này được thực hiện theo hướng dẫn tại thông tư 15/2023/TT-BLĐTBXH của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội. Trong khi đó, Luật Việc làm hiện hành không quy định việc bảo lưu hay không bảo lưu thời gian đóng BHTN dư.

Người lao động nhận trợ cấp thất nghiệp tại Trung tâm Dịch vụ Việc làm TP HCM .Ảnh: HUỲNH NHƯ

Điều khiến NLĐ thất vọng là quy định về việc không được bảo lưu thời gian đóng dư lại được ban soạn thảo đưa vào dự thảo Luật Việc làm (sửa đổi). Tại điều 103 quy định sau khi chấm dứt hưởng TCTN, thời gian đóng BHTN cho lần hưởng TCTN tiếp theo được tính lại từ đầu; thời gian đóng BHTN vượt quá 144 tháng không được bảo lưu.

Tại hội thảo "Lấy ý kiến góp ý dự thảo Luật Việc làm (sửa đổi)" do Trung tâm Dịch vụ Việc làm TP HCM tổ chức vừa qua, bà Nguyễn Hồng Hà, Phó trưởng Phòng Lao động - Tiền lương - BHXH, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội TP HCM, cho rằng quy định về mức hưởng TCTN hiện tại chưa có tính hấp dẫn. Đặt lên bàn cân và so sánh thì thấy ở chính sách BHXH, nếu thời gian đóng dài, mức đóng cao mức hưởng lương hưu sẽ cao. Trong khi với BHTN, thời gian đóng dù ngắn hay dài mức hưởng là như nhau, tối đa chỉ 12 tháng, thời gian dôi dư không được bảo lưu.

Chưa hết, dự thảo Luật Việc làm (sửa đổi) còn bổ sung các trường hợp không được hưởng TCTN (bao gồm cả NLĐ đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động (HĐLĐ), hợp đồng làm việc đúng quy định; NLĐ đủ điều kiện hưởng lương hưu nhưng chưa hưởng hưu), cho thấy điều kiện hưởng ngày càng siết chặt hơn đối với NLĐ. 

Điều này sẽ tạo ra bất lợi trong việc thu hút NLĐ tham gia, gắn bó lâu dài với chính sách. "Do đó, nếu vẫn giữ nguyên quy định về thời gian hưởng tối đa thì cần xem xét gia tăng mức hưởng TCTN lên 75% thay vì 60% mức bình quân tiền lương tháng đóng BHTN của 6 tháng liền kề trước khi nghỉ việc như hiện nay để tránh thiệt thòi cho NLĐ" - bà Hà nhấn mạnh.

Điều chỉnh mức hưởng

Theo luật sư Nguyễn Hải Nam (Đoàn Luật sư Bình Phước), BHTN là "chỗ dựa" của NLĐ khi mất việc, không có thu nhập. Quỹ BHTN có sự đóng góp của NLĐ nên khi chi trả cũng cần xem xét để họ có mức hưởng tương xứng.

Nếu quy định chỉ chi trả tối đa 12 tháng tương ứng 144 tháng đóng, không cho bảo lưu thời gian đóng vượt trội sẽ dẫn đến khả năng người chỉ làm việc 10 - 12 năm thì xin nghỉ để nhận BHTN. Sau đó họ quay lại tham gia tiếp để "né" việc phải đóng BHTN cho thời gian vượt trội. Điều này có nguy cơ sẽ làm rối loạn thị trường lao động và Quỹ BHTN. 

"Vì vậy, cần xem xét cho NLĐ bảo lưu thời gian đóng BHTN vượt trội để tính hưởng TCTN cho lần tiếp theo nhằm bảo đảm quyền lợi và tạo sự yên tâm cho NLĐ. Trường hợp nếu không cho phép bảo lưu thời gian tham gia BHTN sau 144 tháng thì nên cho NLĐ nhận phần đóng dư" - luật sư Nam đề xuất.

Ông Trần Văn Triều, Giám đốc Trung tâm Tư vấn pháp luật LĐLĐ TP HCM, cho rằng cần xem xét lại việc không bảo lưu, không giải quyết quyền lợi hưởng cho NLĐ đối với thời gian đóng vượt quá 144 tháng. Bên cạnh đó, phải tính toán gia tăng mức hưởng TCTN của NLĐ lên 75% thay vì 60% mức bình quân tiền lương tháng đóng BHTN của 6 tháng liền kề trước khi nghỉ việc như hiện nay. 

Lý do là mức lương đóng BHTN hiện thấp (chỉ bằng hoặc cao hơn một chút so với mức lương tối thiểu vùng) nên mức hưởng chưa mang lại sự hỗ trợ thiết thực nhất cho NLĐ trong thời gian chưa có việc làm. "Hơn nữa, theo báo cáo của Chính phủ gửi Quốc hội vào năm 2023, kết dư Quỹ BHTN đến cuối năm 2022 đạt 59.300 tỉ đồng, năm 2023 ước đạt hơn 62.400 tỉ đồng. Việc tăng quyền lợi cho NLĐ khi quỹ BHTN tồn nhiều cũng là hợp lý" - ông Triều lý giải.

Ông Lê Trường Thọ, Phó Giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm - Giáo dục nghề nghiệp tỉnh Tây Ninh, cũng đề nghị xem xét lại đề xuất không cho phép NLĐ bảo lưu thời gian đóng BHTN vượt quá 144 tháng. Bởi lẽ, theo quy định hiện hành NLĐ ký HĐLĐ thời hạn từ 3 tháng trở lên (theo dự thảo thì HĐLĐ có thời hạn 1 tháng trở lên) phải tham gia BHTN. 

Do đó, một số NLĐ có thời gian đóng góp vào quỹ rất dài nhưng chỉ được tính hưởng trong 1 giai đoạn sẽ rất thiệt thòi. "Nếu không được bảo lưu thời gian đóng dư thì nên xem xét tăng thời gian hưởng TCTN tối đa đối với NLĐ lên 36 tháng" - ông Thọ đề xuất

Giữ nguyên đối tượng hưởng

Theo ông Trần Văn Triều, quyền đơn phương chấm dứt HĐLĐ của NLĐ được công nhận tại điều 35 Bộ Luật Lao động năm 2019. Theo quy định này, NLĐ có quyền đơn phương chấm dứt HĐLĐ mà không cần lý do, chỉ cần tuân thủ đúng thời gian báo trước theo quy định. Do vậy, đề xuất NLĐ đơn phương chấm dứt HĐLĐ, hợp đồng làm việc không được hưởng TCTN tại dự thảo Luật Việc làm (sửa đổi) không chỉ hạn chế quyền lợi chính đáng của người có đóng góp vào quỹ BHTN mà còn mâu thuẫn với tinh thần của Bộ Luật Lao động. Do đó, cần giữ nguyên đối tượng được hưởng BHTN như quy định hiện hành.

 

    Theo Báo Người Lao Động (www.nld.com.vn)

    BÌNH LUẬN

      BÌNH LUẬN CỦA BẠN

      M03-Honda Daklak
      ĐỐI TÁC
      Lên đầu trang Đặt làm trang chủ