A01-T7 - Honda Daklak
Dangfarm - A02
Cho thuê nhà 29 Lê Hồng Phong

Lương tối thiểu giờ còn thấp

09:12 | 01/06/2024

Cần tăng lương tối thiểu giờ để bù lại khoản thiếu hụt các khoản thưởng và phúc lợi xã hội cho người lao động

Theo dự thảo Nghị định quy định mức lương tối thiểu (LTT) đối với người lao động (NLĐ) làm việc theo hợp đồng lao động (áp dụng từ ngày 1-7-2024) cùng với sự điều chỉnh về mức LTT vùng thì mức LTT giờ cũng có sự thay đổi. Mức LTT giờ được áp dụng tại các vùng I, II, III, IV lần lượt là 23.800 đồng/giờ, 21.200 đồng/giờ, 18.600 đồng/giờ và 16.600 đồng/giờ. Tuy nhiên nhiều ý kiến cho rằng, mức lương này còn thấp, cách tính chưa phù hợp khiến NLĐ làm việc theo giờ rất thiệt thòi.

Không bảo đảm cuộc sống của người lao động

Mất việc từ cuối năm 2023, mới đây, chị Đặng Thị Diễm Phúc mới xin được việc thời vụ tại một xưởng sản xuất nước giặt ở quận Bình Tân. Mỗi ngày chị làm 8 giờ với tiền công 25.000 đồng/giờ (cao hơn so với quy định). Nếu có tăng ca thì chủ xưởng sẽ lấy con số đó nhân với số giờ làm thêm để trả cho chị. Tính ra, mỗi tháng, thu nhập của chị đạt khoảng 5,2 triệu đồng (nếu làm đủ 26 ngày công), thấp hơn nhiều so với mức lương chị làm tại công ty trước đó.

Không được đóng BHXH, BHYT, bảo hiểm thất nghiệp, cũng không có bất kỳ khoản hỗ trợ nào nên cuộc sống rất chật vật. Cả gia đình chị đang ở trọ, 2 con chuẩn bị vào đại học, vợ chồng còn phải phụng dưỡng cha mẹ già ở quê nên cuộc sống thiếu trước hụt sau. "Dù được trả lương theo giờ cao hơn cả mức LTT giờ sau khi điều chỉnh nhưng thu nhập của tôi vẫn rất thấp, do vậy tôi phải làm thêm nhiều việc khác mới tạm đủ sống. Tôi mong LTT giờ sẽ được điều chỉnh phù hợp" - chị Phúc bày tỏ.

Người lao động làm việc theo giờ chịu nhiều thiệt thòi do không có khoản nào khác ngoài tiền công Ảnh: NGỌC ANH

Bà Bùi Xuân Huệ - Chủ tịch Công đoàn một doanh nghiệp (DN) trên địa bàn quận Phú Nhuận, TP HCM - cho biết thời gian qua, do đơn hàng gấp nên công ty đã thuê một số lao động làm việc ngắn hạn (dưới 1 tháng). Mức tiền công mà công ty đưa ra với lao động phổ thông chưa có tay nghề là 300.000 đồng/ngày (tương đương 37.000 đồng/giờ), với lao động có tay nghề là 350.000 đồng/ngày (gần 44.000 đồng/giờ).

 Mức lương này cao hơn cả lương áp dụng với công nhân đang làm việc hưởng lương theo tháng tại công ty. Lý giải điều này, bà Huệ cho rằng những lao động này có thời gian làm việc ngắn hạn, không trọn tháng cũng không được đóng bảo hiểm và hưởng các chế độ phụ cấp, thưởng năng suất nên DN trả công cao hơn là để bù đắp lại khoản thiếu hụt đó cho họ. "Việc tuyển dụng lao động thời gian qua rất khó khăn nên nếu chỉ trả đúng theo mức LTT giờ quy định thì sẽ rất khó để thu hút lao động, mà NLĐ cũng không bảo đảm cuộc sống tối thiểu" - bà Huệ nói.

Cần tính đúng

Nhiều ý kiến cho rằng LTT giờ hiện nay được tính cơ học tức là lấy LTT tháng chia cho 26 ngày công chia cho 8 giờ trong ngày là chưa phù hợp. Với cách tính này, số ngày làm việc trong năm của NLĐ là khoảng 212 ngày. Tuy nhiên thực tế, NLĐ làm việc 302-303 ngày/năm (trừ ngày nghỉ trong tuần (52 ngày) và 11 ngày lễ, Tết có hưởng lương theo quy định của Bộ Luật Lao động 2019).

Theo bà Trần Thị Hồng Vân, Chủ tịch Công đoàn Công ty Nissei Electric Việt Nam (KCX Linh Trung I, TP Thủ Đức), những năm qua, số ngày nghỉ lễ, Tết có hưởng lương của NLĐ đều nhiều hơn 11 ngày vì có những ngày nghỉ lễ, Tết trùng với ngày nghỉ hằng tuần nên NLĐ được nghỉ bù. Như vậy, nếu chia cho 12 tháng thì số ngày làm việc của NLĐ chỉ rơi vào khoảng 25,16 ngày công/tháng, số giờ làm việc trong tuần cũng chỉ khoảng 46 giờ. 

Bà Vân cũng cho biết nhiều DN đến nay vẫn trả lương cho NLĐ bằng hoặc cao hơn một chút so với LTT vùng nên NLĐ phải cật lực tăng ca mới đủ sống. Do đó, việc tính đúng mức LTT giờ rất quan trọng, đây là cơ sở để Công đoàn thương lượng về tiền lương cho NLĐ. "Không nên tính LTT giờ bằng cách chia cho 26 ngày công mà phải căn cứ theo thời gian làm việc thực tế của NLĐ và nên làm tròn thành 25 ngày/tháng" - bà Vân góp ý.

Ông Lê Anh Khoa, Phó Chủ tịch Công đoàn các DN Công ích và Dịch vụ Thương mại TP HCM, cho rằng việc cào bằng LTT giờ cho tất cả các lĩnh vực chưa thực sự phù hợp bởi có những công việc dù có tính chất theo mùa vụ, làm không trọn thời gian nhưng yêu cầu kỹ năng, trình độ cao thì mức lương như dự thảo đưa ra là quá thấp. Mặt khác, những lao động làm việc theo giờ sẽ không được hưởng các chế độ phúc lợi xã hội như bảo hiểm, tiền thưởng, các phụ cấp… nên rất thiệt thòi. Do vậy, ông Khoa cho rằng LTT giờ cần được cộng thêm các khoản bảo hiểm để trả cho NLĐ

Bù đắp thiệt thòi cho người lao động

Theo luật sư Phan Thị Lan, Đoàn Luật sư TP HCM, LTT giờ lần đầu được áp dụng tại Việt Nam là từ ngày 1-7- 2022 nhằm tăng độ bao phủ để có thêm nhiều NLĐ được bảo vệ bằng LTT. Do mới được áp dụng chưa lâu nên cách tính chỉ áp dụng ở mức đơn giản. Tuy nhiên, về lâu dài, để bảo đảm quyền lợi của NLĐ, cần phải xem lại cách tính LTT giờ sao cho khoa học bởi đối tượng làm công việc tính lương theo giờ sẽ không được hưởng thêm bất kỳ chế độ nào khác ngoài tiền công, như bảo hiểm, được nghỉ có hưởng lương, được nhận phụ cấp tay nghề hay độc hại... Do vậy, bà Lan đề xuất, tiền LTT giờ nên được tính cao hơn LTT tháng từ 15%-20% để bù đắp những thiệt thòi đó.

 

    Theo Báo Người Lao Động (www.nld.com.vn)

    BÌNH LUẬN

      Khẩn trương ban hành Đề án tổ chức Lễ hội Cà phê Buôn Ma Thuột lần thứ 9

      Ngày 16/4, UBND tỉnh tổ chức cuộc họp nghe Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch báo cáo dự thảo Đề án Lễ hội Cà phê Buôn Ma Thuột lần thứ 9. Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Ngọc Nghị chủ trì cuộc họp.

      BÌNH LUẬN CỦA BẠN

      ĐỐI TÁC
      Lên đầu trang Đặt làm trang chủ